Để biểu giá điện hài hòa

- Thứ Ba, 23/06/2020, 05:27 - Chia sẻ

Đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua khiến lượng điện tiêu thụ nhiều nơi trên khắp cả nước tăng cao. Theo thống kê, đã có hơn 3,1 triệu khách hàng trong tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4. Lập tức, nhiều ý kiến về việc sửa đổi những bất cập về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lại được đặt ra. Phân bổ thế nào để bảo đảm nhu cầu cơ bản, thiết yếu và thường xuyên tăng lên của nhân dân; không quá thấp cho các bậc đầu, quá cao cho các bậc sau đang là thách thức với Bộ Công thương.

Cụ thể, hiện giá điện được tính theo 6 bậc. Bậc 1 (từ 50kWh trở xuống) có mức giá thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, bậc 2 (từ 51 -100 kWh) có giá 1.734 đồng, bậc 3 (từ 101 - 200 kWh) có giá 2.014 đồng, bậc 4 (từ 201 – 300 kWh) có giá 2.536 đồng, bậc 5 (301 – 400 kWh) có giá 2.834 đồng, còn bậc 6 (từ 401 số trở lên) là bậc cao nhất có mức giá tăng gần gấp đôi là 2.927 đồng/kWh.

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong số 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tỷ lệ dùng điện dưới 100 kWh (bậc 1 và 2) chiếm 35,8%. Số hộ dùng 101-300 kWh (bậc 3 và 4) khoảng 40%. Hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên 400 kWh chỉ 7%. Như vậy, nhóm khách hàng sử dụng điện ở mức độ trung bình (khoảng 300 kWh) là nhóm chịu bước nhảy giá lớn nhất trong bậc thang giá điện hiện hành.

Bộ Công thương đang đề xuất giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc. Bậc 1 (từ 100kWh trở xuống) có mức giá thấp nhất là 1.549 đồng/kWh, bậc 2 (từ 101 - 200 kWh) có giá 1.858 đồng, bậc 3 (từ 201 - 400 kWh) có giá 2.340 đồng, bậc 4 (từ 401 - 700 kWh) có giá 2.701 đồng, bậc 5 (từ 701 số trở lên) có giá 3.105 đồng. Như vậy, biểu giá dự kiến sẽ là ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Theo tính toán, đây là phương án tối ưu trong bối cảnh hiện nay và sẽ có khoảng 500.000 hộ dân (tương ứng 2% các hộ sử dụng) dùng trên 700 số điện/tháng sẽ chịu mức giá điện tăng cao, hơn 98% hộ còn lại cả nước sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí được giảm tiền điện. Đặc biệt, hơn 20 triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh tháng phải trả tiền điện thấp hơn.

Chính sách giá điện bậc thang là cần thiết trong điều kiện buộc phải tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng biểu giá này, đã tới lúc cần sửa để phù hợp với điều kiện thực tế, phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người dân. Hiện tỷ trọng dùng điện giữa các hộ, khi mức tiêu thụ điện phổ biến của người dân hiện nay khoảng 201 - 300 kWh, do đó cần tính toán lại sát thực tế hơn để mức giá ở các bậc này không quá cao so với mức giá bán lẻ bình quân. Cũng cần lưu ý thêm rằng, hiện người sử dụng điện sinh hoạt và kinh doanh phải trả giá điện cao hơn giá bán lẻ bình quân trong khi giá bán lẻ điện cho khối công nghiệp thấp hơn so với giá bán lẻ điện sinh hoạt và kinh doanh. Đây là nghịch lý nếu chiểu theo nguyên tắc “dùng nhiều trả nhiều” mà bộ Công thương đưa ra.

Tất nhiên, khó có thể có một biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt nào thoả mãn được cho tất cả các hộ tiêu dùng, mỗi phương án đều có ưu nhược điểm riêng. Giảm giá điện cho nhóm khách hàng này thì phải tăng giá điện của nhóm khác lên bù đắp. Tuy vậy, cần phải có phương án điều chỉnh để đối tượng sử dụng ít điện sẽ được giảm mức chi trả hoặc ít nhất là không tăng giá, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả. Có như vậy, người nghèo ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa không bị tăng gánh nặng và người có thu nhập khá trở lên không bị bức xúc vì những bất cập trong biểu giá điện chưa hài hòa.

Và việc điều chỉnh này cần được thực hiện sớm bởi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện chia theo 6 bậc thang đã áp dụng từ năm 2014 tới nay. Không nên trì hoãn thêm vì đời sống người dân đã khác trước nhiều, chỉ dùng trên 401 số đã phải chịu giá cao là không hợp lý. Bởi đối tượng khách hàng sử dụng từ khoảng 400 số điện mỗi tháng chiếm khá đông. Việc lùi thời gian sửa biểu giá dự kiến tới sau khi dịch Covid-19 kết thúc đồng nghĩa những bất hợp lý của biểu giá hiện hành vẫn kéo dài, gây thiệt hại cho một bộ phận người tiêu dùng.

Chi An