Dạy trẻ kỹ năng cơ bản phòng, chống nạn bắt cóc

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:41 - Chia sẻ
Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để tống tiền cha mẹ đang diễn biến hết sức nguy hiểm và khó lường, với sự gia tăng nhanh chóng về số vụ, cùng thủ đoạn gây án tinh vi, tính chất ngày càng táo tợn, liều lĩnh.

Những “chiêu” bắt cóc trẻ em

Những thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng. Bọn tội phạm có thể sử dụng những "chiêu thức" như: Phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, hay đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng nhưng chạy vui chơi xa tầm kiểm soát của người lớn, đối tượng tìm cách tiếp cận, bắt quen rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ để dụ dỗ trẻ em đi theo chúng. Trong một số trường hợp, những kẻ bắt cóc giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở… để đưa đi.

Chị Đậu Thanh Hải (TP Vinh, Nghệ An) đã từng hốt hoảng khi nghe cô con gái kể: Lúc tan trường, con đạp xe về được khoảng 1km thì có một chú đi xe máy bám theo và nói hôm nay bố mẹ bận nhờ chú đón về nhà ông bà. Con đã bảo bố mẹ cháu không nhờ ai đón hết nhưng chú ấy cứ đi theo con. Sợ quá, con đạp xe quay lại trường báo cô giáo thì chú ấy mới bỏ đi không bám theo. “Thật may, tôi đã dặn con, bố mẹ không bao giờ nhờ người khác đến đón con. Nếu có ai đón con ngoài bố mẹ thì bố mẹ sẽ chủ động tìm cách liên lạc với con trước nên cháu đã không đi theo người lạ kia”, chị Hải nói.

Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ, một số trường hợp, những kẻ bắt cóc đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ tại các bệnh viện, rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh. Có trường hợp chúng giả danh thân nhân sản phụ, ngang nhiên đón trẻ sơ sinh từ tay y tá rồi bế đi. Hay có trường hợp, lợi dụng quan hệ quen biết hoặc lòng tốt của người dân, đối tượng tạo hoàn cảnh khó khăn để xin ngủ nhờ, rồi nhân lúc người nhà đang say giấc, chúng ra tay bắt cóc hoặc cướp luôn đứa trẻ rồi tẩu thoát, thậm chí tấn công vào các thành viên trong gia đình rồi bắt cóc trẻ em.

Đáng quan tâm hơn là những trường hợp bắt cóc chính con, em, cháu ruột của mình để tống tiền người thân; hoặc những trẻ lớn hơn, các đối tượng bắt cóc thường kết bạn với trẻ qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… Thường chúng lợi dụng những khi trẻ có tâm trạng không vui sẽ ra sức dùng lời đường mật động viên, an ủi rồi rủ rê đi chơi, tham quan, xem phim với chúng để bắt cóc, chiếm đoạt.

Nghi phạm gây ra vụ bắt cóc trẻ em tại Bắc Ninh vừa qua gây xôn xao dư luận  

Nguồn: INT 

Dạy trẻ qua những tình huống giả định

Không chỉ trẻ mà bố mẹ cũng tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình. Hiện nay tội phạm thường "tăm tia, săn mồi" ngay từ các trang Facebook, Zalo cá nhân.

Qua những vụ án bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em đã xảy ra cho thấy, hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Đối tượng gây án là bất kỳ ai, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm con. Tuy nhiên, thường tập trung vào số đối tượng lưu manh hình sự, tù tha, nghiện hút ma túy, không có công ăn việc làm, thua nợ bóng đá, lô đề, cờ bạc.

Hậu quả của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất nặng nề. Bởi vì chúng trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa, uy hiếp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của trẻ em bị bắt cóc, chiếm đoạt. Gây hoang mang, sợ hãi, đau khổ trong gia đình nạn nhân. Đồng thời, gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của trẻ. Những di chứng này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời nạn nhân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, tâm lý của trẻ em. Gây hoang mang, rúng động dư luận xã hội.

Trung tá Đào Trọng Hiếu khuyến cáo, bố mẹ, người thân không thể lúc nào cũng ở bên con trẻ để bảo vệ, trông coi trẻ. Vì thế, việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành nên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc, là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Phụ huynh nên dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ; tuyệt đối giữ bí mật những thông tin này.

Đồng thời, theo Trung tá Đào Trọng Hiếu, phụ huynh cần dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Nếu có người lạ lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho bố mẹ hoặc tìm sự cứu giúp. Ngoài ra, dạy trẻ không được đăng công khai những thông tin cá nhân lên trên mạng, như họ tên đầy đủ, tên của những thành viên trong gia đình, số điện thoại, địa chỉ hoặc trường học của mình, anh em mình. Bởi, bọn bắt cóc có thể lập nick giả, làm quen kết bạn rồi rủ rê đi chơi, tham quan, du lịch, xem phim… rồi tận dụng thời cơ bắt cóc trẻ.

Xuân Mai