Đẩy mạnh ứng dụng Khoa học công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19

- Thứ Năm, 14/05/2020, 18:28 - Chia sẻ
Đã gần một tháng, Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 mới nào trong cộng đồng. Để đạt được thành công trong công tác phòng, chống dịch như hiện nay là nhờ vào sự nhanh nhạy, hiệu quả trong điều hành của Chính phủ, sự ủng hộ tuyệt đối của người dân và sự kịp thời nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ trong quản lý điều hành, dự báo, kiểm soát dịch bệnh.

Giảm áp lực, tăng tính hiệu quả

Trong thời gian qua, ngành khoa học công nghệ đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch Covid-19.

Ngay từ giai đoạn đầu, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã đưa vào sử dụng ứng dụng “Khai báo y tế toàn dân” nhằm chủ động cho công tác phòng dịch. Ứng dụng giúp người dân chủ động khai báo sức khỏe với cơ quan y tế, cập nhật thường xuyên tình hình sức khỏe bản thân; nắm bắt thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, kể cả bản đồ vùng dịch. Thông qua ứng dụng, người dân còn được cơ quan y tế hướng dẫn về cách phòng tránh dịch bệnh theo từng đối tượng như học sinh, trường học, chung cư, hành khách tham gia phương tiện giao thông công cộng và người có triệu chứng.


Bộ sinh phẩm Real-time RT-PCR one step phát hiện vi rút corona chủng mới (COVID-19)

Trong công tác điều trị, Việt Nam là một trong ít nước sớm nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2; nghiên cứu sản xuất sinh phẩm xét nghiệm real-time RT-PCR phát hiện vi-rút SARS-CoV-2 đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu. Chế tạo thành công nhiều mẫu robot hoạt động trong vùng dịch và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát. Thu thập, tổng hợp các công bố khoa học quốc tế mới nhất về vi rút SARS- CoV-2 để cung cấp cho các nhóm nghiên cứu tham khảo và hỗ trợ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết phục vụ phòng, chống dịch. Huy động hiệu quả mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ và sản phẩm phòng, chống dịch; thúc đẩy hợp tác trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu.

Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và ủy ban nhân dân các cấp đã triển khai có hiệu quả Chính phủ điện tử trong việc ban hành và gửi nhận văn bản và xử lý các thủ tục hành chính. Trung tâm hành chính công của các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hành chính công theo hình thức trực tuyến, khuyến khích, ưu tiên người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, tăng cường sử dụng dịch vụ bưu chính trong thực hiện các thủ tục hành chính…

"Khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba"

Nỗ lực phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chủ động phòng, chống dịch Covid-19 đang góp phần mang lại hiệu quả cho các biện pháp cách ly xã hội, nghiên cứu vắc xin. Tuy nhiên, diễn biến trên thế giới vẫn đang rất phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ dịch bệnh thâm nhập vào trong nước vẫn còn hiện hữu.


Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc (eScreening) đã được Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) bàn giao cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) đưa vào sử dụng

Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong tác động của dịch Covid-19, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã yêu cầu toàn ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chủ động tham mưu, đề xuất đặt hàng các tổ chức, doanh nghiệp, viện, trường, nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất vắc xin dự phòng Covid-19, nghiên cứu sản xuất kháng thể đơn dòng phục vụ chẩn đoán và điều trị Covid-19; nghiên cứu sản xuất một số thiết bị, vật tư phục vụ điều trị, dự phòng như: máy thở, hệ thống khử trùng, nghiên cứu sản xuất robot phục vụ trong bệnh viện để tránh lây nhiễm… Đồng thời, toàn ngành tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp phục vụ ngành y tế; chuyển đổi số trong doanh nghiệp, giáo dục, du lịch thông minh, tài chính, ngân hàng, dịch vụ logistics, giải pháp an toàn an ninh mạng.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các Sở Khoa học và Công nghệ phải tham mưu cho tỉnh, thành phố ban hành giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao để duy trì sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi nhanh chóng khi hết dịch.

Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của ngành khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17.4.2020 của Chính phủ ban hành Chương tình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đồng thời, Bộ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ năm 2021, giai đoạn 2021-2025 bám sát các nội dung trọng tâm tại Đề án tái cơ cấu các chương trình khoa học-công nghệ quốc gia, dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025...

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: trong giai đoạn tới, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép về phòng, chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba” nhằm duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch và sẵn sàng các điều kiện để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống nhân dân.

Xuân Tùng