Đà Nẵng đánh giá thực hiện chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an”

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 17:56 - Chia sẻ
Ngày 25.9, UBND thành phố (TP) Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình “5 không”, “3 có” và “4 an” gắn với thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU về văn hóa, văn minh đô thị.

Những kết quả nổi bật

Năm 2000, Đà Nẵng ra đời chương trình “5 không” với các tiêu chí: Không có hộ đói (đến năm 2009 thì chuyển sang không có hộ đặc biệt nghèo); Không có người mù chữ (đến năm 2009 đổi thành không có học sinh bỏ học); Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng (đến năm 2016 đổi thành không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng); Không có giết người cướp của.

Đến năm 2005, Đà Nẵng đã bổ sung các mục tiêu, định hướng nhằm nâng cao chất lượng đời sống và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị cho người dân trên cơ sở ban hành Chương trình “3 có”: Có nhà ở; Có việc làm; Có nếp sống văn hóa văn minh đô thị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị

Đến năm 2014, trước tình trạng văn hóa của TP phát triển chưa xứng tầm với kinh tế xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 43 để chỉ đạo tập trung thực hiện chủ trương năm văn hóa văn minh đô thị và đã được duy trì thường xuyên đến hôm nay. Năm 2016, để thực hiện mục tiêu thực hiện TP an bình, Thành ủy Đà Nẵng đã lựa chọn 4 vấn đề còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân để chỉ đạo thực hiện chương trình “4 an”: An ninh trật tự; An toàn giao thông; An toàn thực phẩm; An sinh xã hội.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thực hiện Chương trình “5 không”, chỉ sau 2 năm TP đã xóa hết 850 hộ đói. Từ năm 2002-2009, 2 lần nâng mức chuẩn nghèo, Đà Nẵng không còn hộ đói theo tiêu chí chuẩn quốc gia. TP cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ từ năm 2009 và chuyển sang thực hiện mục tiêu “Không có học sinh bỏ học nửa chừng vì lý do kinh tế”. TP cơ bản không còn tình trạng ăn xin nhếch nhác, điểm nóng xin ăn. Tình hình buôn bán, sử dụng ma túy được kiểm soát. Tình trạng giết người để cướp của giảm đến mức thấp nhất.

Đối với Chương trình “3 có”,  Đà Nẵng đã xây dựng 10.836 căn hộ, nhà liền kề, ký túc xá, nhờ vậy người dân, sinh viên, viên chức... có nhu cầu về nhà ở đã được đáp ứng. TP tạo ra trên 30.000 việc làm, góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp từ 5,06% năm 2006 xuống còn 3,4% cuối năm 2019. Đồng thời đã xây dựng được 215 tuyến đường văn minh đô thị, 2.642 thôn/tổ dân phố không rác và 16 chợ đạt chuẩn văn minh đô thị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể trong thực hiện Chương trình “5 không”

Trong khi đó, thực hiện Chương trình “4 an” giúp Đà Nẵng không còn xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Từ năm 2016 đến nay, tình hình tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương. Chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao, triển khai có chất lượng nhiều chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ học bổng, vốn vay...

Hạn chế và bài học kinh nghiệm

Bên cạnh những thành quả đạt được, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: Tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo hành vẫn còn xảy ra. Công tác phòng, chống ma túy có lúc, có nơi vẫn còn thiếu tính quyết liệt, thiếu sự đồng bộ. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra trên địa bàn còn nhiều vấn đề vướng mắc. Tình trạng mất cân đối về cơ cấu cung - cầu lao động vẫn chưa được khắc phục. Vấn đề ô nhiễm, rác thải môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để…

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh cho rằng, thời gian đến phải có sự quyết tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện của chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các đoàn thể và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quyết định thành công của chương trình.

Bên cạnh đó, các chính sách cần được thiết kế mang tính hệ thống, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nội dung, chương trình và giải pháp đề ra thực hiện phải phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Rà soát tình hình, tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực thực hiện nhóm nhiệm vụ trọng tâm, tránh dàn trải. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn kinh phí của chương trình không đúng mục đích… 

Mọi người dân đều có quyền được hưởng cuộc sống tốt nhất

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Kết quả của những Chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” và thực hiện chủ trương năm văn hóa văn minh đô thị đã trở thành thương hiệu, đặc trưng riêng có, mang đầy tính nhân văn của Đà Nẵng, tạo sự ổn định về mặt xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của TP; là cơ sở để xây dựng hình ảnh “Thành phố đáng sống”.

Một góc thành phố Đà Nẵng

Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết thêm: Ngày 22.9 vừa qua, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất cao các kết quả của Đà Nẵng, trong đó nhấn mạnh đến kết quả thực hiện các chương trình an sinh xã hội, “5 không”, “3 có” và đánh giá cao tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, tự lực tự cường của người Đà Nẵng. Người Đà Nẵng luôn tự hào về TP của mình và sẵn sàng tham gia đồng hành trong việc thực hiện các chủ trương chính sách của thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh hai bài học kinh nghiệm cần phải được quan tâm: Một là cần nhất quán quan điểm và kiên định mục tiêu phát triển bền vững hướng đến cộng đồng, đặt lợi ích của người dân và TP lên hàng đầu. Hai là sự quyết tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận chung tay của các tầng lớp nhân dân. 

“Quan điểm chủ trương nhất quán của TP là phát triển gắn với giải quyết các vấn đề về xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Mọi người dân đều có quyền được hưởng cuộc sống tốt nhất. Đây là những vấn đề khó khăn, phức tạp và thực hiện lâu dài nên đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân TP cùng thống nhất ý chí và hành động, chung sức đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương xây dựng thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị với các mục tiêu nội dung với quyết tâm cao hơn, phù hợp hơn với tình hình phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Qua đó tạo cơ sở để thành phố phát triển nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa vào mục tiêu xây dựng TP Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh,hiện đại, thành phố đáng sống theo đúng tinh thần của Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đề ra”, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo.  

Tin và ảnh: Quang Hải