Đa diện để diễn thời

- Thứ Năm, 28/03/2019, 08:40 - Chia sẻ
Những sáng tác với phong cách đã định hình dấu ấn cá nhân nhưng vẫn tìm tòi một lối biểu hiện mới, hướng tới một thẩm mỹ thị giác hoàn thiện hơn. Vì muốn chạm tới đời sống một cách chân thực, mỗi họa sĩ phải không ngừng sáng tạo, tự làm mới, làm đa diện mình.

Đi tìm cái mới

Nhóm họa sĩ “Đa diện” với tiêu chí đi tìm cái mới trong hội họa đã cùng nhau tạo nên bản hòa ca của sắc màu trong triển lãm “Đa diện 2”, đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ 26 - 31.3). Đây là lần trưng bày lần thứ hai của nhóm, gồm các sáng tác mới nhất với phong cách đã định hình nhưng rất riêng như Nguyễn Minh, Nguyễn Huân, Chu Viết Cường, Dương Tuấn, Khổng Đỗ Duy, Nguyễn Mạnh Hùng, Bùi Hoàng Dương và một số khuôn mặt mới xuất hiện như Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm và Phương Bình. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của khách mời đặc biệt - họa sĩ Trần Huy Oánh - như mối tương giao thế hệ, tạo nên nhịp cầu nối tiếp trong sáng tạo của hội họa.

Với gần 50 tác phẩm, người xem nhận thấy nỗ lực của từng họa sĩ trong quá trình sáng tạo, tìm tòi một phong cách biểu hiện mới, hướng tới thẩm mỹ thị giác hoàn thiện hơn. Như họa sĩ Tào Linh không chỉ là giấy dó, lần này anh mang tới các bức tranh sơn dầu đề cập góc nhìn xã hội về cuộc sống hiện đại, khi mà con người vẫn hàng ngày lướt qua nhau nhưng ít cảm thông, chia sẻ. Trong khi đó, họa sĩ Khổng Đỗ Duy vẫn tuân thủ lối vẽ hoài cổ với phong cách biểu hiện. Những hoa văn cổ, những đồng tiền gỉ sét tiếp tục xuất hiện trong tranh nhưng mang hơi hướng khác, gây chút hoang mang về giá trị đích thực. Như họa sĩ Doãn Hoàng Lâm vẫn theo đuổi những bức tranh khỏa thân, dù cố gắng giữ hình, giữ nét nhưng các tác phẩm đã ngả sang trừu tượng.

Có thể thấy, triển lãm là cơ hội cho người xem và họa sĩ cùng gặp nhau vì tình yêu nghệ thuật, nhưng đó phải là thứ nghệ thuật căng tràn năng lượng phát hiện, tìm tòi. Tào Linh cho biết, tham dự “Đa diện 2”, anh là người có thâm niên nhất nhưng vì tiêu chí của nhóm đặt ra là cái mới, nên anh không thể lặp lại chính mình, và càng không thể mới như người khác. Đi trên lằn ranh mỏng manh đó chính là điều khiến bàn tay họa sĩ với tới độ lấp lánh riêng biệt của tác phẩm hội họa. 

Còn với Nguyễn Minh, hai lần tham gia, anh đều mang tới triển lãm những con phố nhỏ. Vẫn là phố ấy nhưng chất liệu, màu sắc, ý tưởng, cảm xúc đã khác nhiều. Vẫn là phố với những vấn đề đô thị hóa, nhưng ở đây có chút lãng mạn, trữ tình, chút thi vị để đối nghịch với tâm trạng nhiều người hay nghĩ về một đề tài thường gây căng thẳng. “Quan trọng nhất là trong cái đổi khác ấy, tôi vẫn phải là tôi. Nhìn vào các họa sĩ khác, khán giả vẫn nhận ra bóng dáng họ trong một diện mạo mới, đó đã là thành công nghệ thuật rồi”.


Tác phẩm “Dư âm xưa” của Nguyễn Mạnh Hùng

Năng lượng nghệ thuật

Năm 2018, lần đầu “Đa diện” ra mắt công chúng, và một năm sau, các họa sĩ ấy vẫn đang trên hành trình kiếm tìm chính mình. Người tìm mình trong trừu tượng, người tìm mình trong hiện thực, trong biểu hiện, người thì tìm kiếm mình trong pha trộn giữa hội họa và đồ họa, người thì đau đáu với chất liệu sơn dầu, với bút pháp… không ai giống ai. Chính sự vận động như vậy giúp cho nghệ thuật có nhiều diện để soi vào, để thể hiện cái nhìn trước thời thế và cuộc đời.

Có thể nói, bản thân nghệ sĩ cũng là một khối đa diện. Cùng đứng trước một phong cảnh, họa sĩ nào cũng có đủ 5 giác quan để thu nhận hình ảnh ấy, nhưng đấy mới là diện thứ nhất. Thông tin thu nhận ấy phải qua diện thứ hai là hồi ức, kỷ niệm, tiềm thức… Vì mỗi người có kỷ niệm, trải nghiệm riêng, mỗi người được mất, vui buồn riêng, mỗi người hạnh phúc, bất hạnh riêng, mỗi người xanh, đỏ, tím, vàng riêng... Nhưng chưa hết. Diện thứ ba là cái diện vô hình, siêu hình, mới làm ra khác biệt. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, đó là những thăng hoa, là tưởng tượng, là yên tĩnh, thậm chí là cái không biết. Nếu chỉ dừng lại ở diện một tức là gặp gì vẽ nấy, nhìn sao vẽ vậy, thì chỉ là sao chép, kể nội dung.

Nhìn lại cuộc đời gắn bó với hội họa, họa sĩ Trần Huy Oánh đúc kết về sự vận động của nghệ thuật, trong đó có người vẽ giỏi nhưng chưa chắc tranh đã đẹp, tranh đẹp chưa chắc đã là người vẽ giỏi. Ở một mức độ cao nào đấy, người vẽ giỏi cũng đồng nghĩa với người vẽ đẹp. Giỏi ở đây là vẽ cái nào cũng được, thành thạo đủ kiểu như làm xiếc, còn đẹp là chạm được vào trái tim người xem. Trong quá trình tìm tòi sáng tạo, hai yếu tố này gặp nhau sẽ tạo nên tác phẩm giá trị. 

Các nghệ sĩ của “Đa diện” tập hợp lại để đi tìm cái đẹp, biểu hiện nó, biểu hiện mình trong sự đa sắc thái của đời sống. Đó là năng lượng tích cực để tạo nên triển vọng cho hội họa Việt Nam. “Chúng ta xem tranh và thấy được cái này đẹp quá, cái kia cũng đẹp, nhưng chúng không đẹp như nhau. Đấy chính là gương mặt hội họa thế hệ mới và triển lãm “Đa diện” làm được việc đó” - họa sĩ Trần Huy Oánh nói.

Thái Minh