Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:44 - Chia sẻ
Mặc dù đạt nhiều kết quả, song để việc triển khai Dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân và dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, cần tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Theo đó, thời gian tới, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, hướng tới từng nhóm người, vùng miền cụ thể và chủ động giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của người dân...

Ngày 1.11 lấy vân tay theo phương thức mới

Thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014 và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an được giao xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để bảo đảm việc thực hiện cấp thẻ căn cước công dân thống nhất toàn quốc. Theo đó, triển khai 2 dự án này, toàn lực lượng công an từ Trung ương đến cơ sở đã nỗ lực bảo đảm tiến độ, lộ trình trong việc triển khai, thực hiện hai dự án. Cụ thể, về dự án cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đến nay đã được đẩy nhanh tiến độ thu thập, cập nhật bảo đảm thông tin dân cư được chính xác. Toàn lực lượng đã thu thập được trên 90% phiếu thu thập thông tin dân cư (DC01) và cập nhật được gần 7 triệu phiếu cập nhật thông tin dân cư (DC02). Hiện nay, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đối với dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân, dự kiến ngày 1.11.2020, Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc; sử dụng thẻ chip điện tử bảo đảm tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng. Căn cước công dân mới cũng được thiết kế mở có thể tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Đây là 2 Dự án có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Dự kiến, đến tháng 2.2021, Bộ Công an sẽ báo cáo kết quả với Chính phủ, bấm nút khởi động hai hệ thống và vận hành thử nghiệm; tháng 7.2021 sẽ đi vào hoạt động chính thức.

Bộ Công an xác định việc xây dựng, triển khai 2 Dự án về căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới

Nguồn : ITN 

Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức 

Dự kiến, trước 1.7.2021, 100% công dân trên toàn quốc đủ điều kiện sẽ được cấp căn cước công dân

Tại Hội nghị trực tuyến về việc triển khai thực hiện hai dự án trên do Bộ Công an tổ chức với 63 tỉnh, thành phố mới đây, đại diện các địa phương vẫn nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đơn cử tại tỉnh Thanh Hóa, mặc dù đến nay 100% công an cấp huyện đã xây dựng kế hoạch, triển khai dự án, triển khai đến cấp xã, và 100% Trưởng công an cấp huyện và Trưởng công an cấp xã đã ký cam kết về bảo đảm tính chính xác của thông tin công dân. Nhưng, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, số lượng người lao động tạm trú tập trung đông; số công nhân lao động thường xuyên có sự biến động nên gây khó khăn cho công tác thu thập thông tin dân cư đối với nhân khẩu tạm trú. Đặc biệt, một số nhân khẩu tạm trú không nhớ rõ đã được thu thập thông tin tại nơi đăng ký thường trú gây khó khăn cho việc thu thập thông tin. Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Đại tá Lê Như Lập nêu thêm thực tế, do việc bố trí công an chính quy tại công an cấp xã mới bố trí cơ bản cấp trưởng, công an xã mới tiếp nhận địa bàn, còn nhiều bỡ ngỡ, mất thời gian làm quen và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn nên hiệu quả thu thập thông tin chưa cao. 

Tương tự tại Hà Nội, một trong những khó khăn trong việc triển khai 2 dự án trên trong thời gian qua là do việc thực hiện triển khai bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã nên đã có một số lượng lớn cán bộ chiến sỹ đã được đào tạo và có thâm niên làm công tác cấp, quản lý căn cước công dân điều chuyển công tác. Chính vì thế, mặc dù đã huy động một lượng lớn cán bộ, song do số cán bộ này còn ít kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác cấp, quản lý căn cước công dân nên đã tạo áp lực và nhiều khó khăn trong việc thực hiện dự án...

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đại diện Công an TP Hà Nội đề xuất: Thời gian tới Bộ Công an cần sớm xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến 2 dự án trên. Cụ thể, ban hành quy trình thu thập, xử lý dữ liệu cấp thẻ căn cước công dân theo hướng tận dụng tối đa cơ sở đã thu thập của dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giảm thiểu các công đoạn phải tổ chức xác minh thông tin như hiện nay. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tư pháp có chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan tư pháp các cấp đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện thủ tục về hộ tịch như đăng ký lại khai sinh, kết hôn... để phục vụ công tác bổ sung thông tin dân cư bảo đảm đủ điều kiện cấp thẻ căn cước công dân.

Đồng tình với đề xuất nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho rằng, để bảo việc triển khai các dự án có hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân cần tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức, hướng tới từng nhóm người, vùng miền cụ thể và chủ động giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân; chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện và nghiên cứu những cách làm hiệu quả theo từng vùng miền để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Hải Thanh