Cử tri là <i>người thầy</i> tốt nhất

- Thứ Năm, 11/02/2016, 09:38 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Cử tri chính là người thầy tốt nhất đề người đại biểu dân cử rèn luyện, học tập. Nếu chịu khó học hỏi, lắng nghe, chắt chiu từng ý kiến của cử tri thì đại biểu sẽ sớm trưởng thành. Đây là chia sẻ của Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Khóa XIII Trương Minh Hoàng với phóng viên Báo Điện tử ĐBND trước thềm năm mới.

- Là ĐBQH Khóa XIII và cũng là lần đầu tiên ở vai trò của đại biểu dân cử, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm trong nhiệm kỳ này? 

- Lần đầu tiên tham gia công tác đại biểu dân cử, đặc biệt trong công tác lập pháp, trong suốt gần 5 năm làm ĐBQH, tôi có nhiều kỷ niệm trong cả quá trình như: lấy ý kiến cho Hiến pháp, hay trong các luật về giáo dục, Bảo hiểm y tế… Mỗi một kỳ họp QH, tôi có cơ hội đóng góp ý kiến của mình để bày tỏ cho nguyện vọng của cử tri rất nhiều, trung bình mỗi kỳ họp đóng góp ít nhất là hai chục ý kiến trên các lĩnh vực, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến pháp luật. 

Tôi vẫn còn nhớ trong một lần phát biểu tại hội trường về vấn đề xâm nhập mặn ở Cà mau, tôi có nói một câu rất địa phương là “đừng để mất trâu mới lo làm chuồng”, nhưng ở miền Bắc lại là “đừng để mất bò mới lo làm chuồng”. Lúc đó mọi người cũng giải thích cho tôi về ngôn ngữ vùng miền. Nhưng ý kiến của tôi cũng không hẳn mang tính chất cho địa phương Cà Mau, mà kiến nghị đặt vấn đề khá trọng tâm cho bà con đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi sự xâm nhập mặn ở miền Trung, cũng như các tỉnh, thành phố khác. Như vậy có thể thấy, để những kiến nghị có được giải pháp tốt nhất, trước hết phải thuyết phục được và có được sự đồng thuận từ người dân đến các Bộ, ngành Trung ương và chính các ĐBQH. Đây có lẽ là những kỷ niệm khó quên đối với người đại biểu dân cử.


Nguồn: camau.gov.vn

- Vậy đối với tiếp xúc cử tri thì sao. Đây là công việc luôn để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất?

- Kỷ niệm đối với cử tri thì rất nhiều, nhưng nhớ nhất và cảm động nhất là khi phát biểu tại hội trường qua các phương tiện thông tin đại chúng thì bà con đã động viên các ý kiến phát biểu như thế là đúng và sát. Khi tiếp xúc cử tri, bà con lại tiếp tục khen ngợi, động viên. Đặc biệt, trong các vấn đề phát biểu tại hội trường, tôi luôn luôn đề cao vấn đề chung, chứ không nặng về địa phương để đông đảo cử tri đều thỏa mãn với các vấn đề quan tâm. 

Để có được nhiều thông tin hơn, tôi không chỉ tiếp xúc với cử tri nơi mình ứng cử là Tỉnh Cà Mau, mà còn tiếp xúc cử tri ở một số địa bàn khác như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… Để linh hoạt hơn, trong lần tiếp xúc cử tri ở Cà Mau tôi đã mời thêm được 10 ĐBQH ở 10 tỉnh, thành phố khác cùng về. Tôi bố trí cho các ĐBQH tiếp xúc ở những cuộc khác nhau với đối tượng khác nhau để có thể lắng nghe được nhiều hơn nguyện vọng, thắc mắc của cử tri.

Theo tôi, để các ĐBQH các tỉnh, thành phố khác phản ánh những thắc mắc, nguyện vọng của địa phương mình sẽ có giá trị hơn. Chính vì lẽ đó mà trong suốt thời gian làm đại biểu dân cử, tôi luôn cố gắng tranh thủ các cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH khác. Điều này cũng góp phần giúp những bài phát biểu tại hội trường sát với tình hình thực tế đất nước hơn. Bởi cử tri chính là người thầy tốt nhất đề người đại biểu dân cử rèn luyện, học tập. Nếu chịu khó học hỏi, lắng nghe, chắt chiu từng ý kiến của cử tri thì đại biểu sẽ sớm trưởng thành.

- Gắn bó với cử tri là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu với mỗi đại biểu. Vậy theo ông, để sự gắn bó đó bền chặt, cần đặt ra yêu cầu gì?

- Để mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri gắn bó bền chặt, mật thiết, theo tôi người đại biểu trước hết phải có tâm và thiết lập được mối liên kết với nhân dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Chỉ khi người đại biểu thật sự đồng cảm với dân thì mới đưa ra được những quyết định chính xác và lựa chọn đúng thời điểm nên nói, nói những vấn đề gì và nói ở đâu, với cơ quan nào. Tôi nghĩ đây là cái cốt lõi nhất, có như vậy người đại biểu mới được cử tri tin tưởng gửi gắm tâm tư nguyện vọng.

Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV đang đến rất gần, ông mong muốn gì đối với hoạt động của QH Khóa tới?

- Đối với QH Khóa XIV, tôi hy vọng rằng QH sẽ bảo đảm được số lượng ĐBQH tái cử, nghĩa là những người có tâm huyết sẽ tiếp tục ở lại duy trì, làm nòng cốt tác động đến các lĩnh vực. Song song với đó là những ĐBQH tham gia lần đầu phải nỗ lực thực hiện những lời hứa với cử tri.

Để làm được điều này các đại biểu nên tham dự các lớp tại Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử; cũng như các hội thảo, hội nghị, chương trình tập huấn cho các ĐBQH mới ứng cử nói riêng, các đại biểu HĐND nói chung. Thông qua đây, các ĐBQH sẽ biết được người đại biểu dân cử cần làm gì, cái gì nên làm và làm như thế nào. Đây cũng là nơi để các ĐBQH học thêm về kỹ năng truyền đạt, nhưng hơn hết tất cả là đại biểu phải tự ý thức rèn luyện, học hỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được QH và nhân dân giao phó.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Hoa thực hiện