Covid-19: Cái khó ló... phát minh

- Thứ Tư, 02/09/2020, 09:25 - Chia sẻ
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra khủng hoảng về y tế mà còn đặt ra nhiều thách thức về kinh tế và làm đảo lộn cuộc sống của người dân trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chính những thách thức lại trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy con người sáng tạo nhằm vượt lên hoàn cảnh.

1. Từ trạm xét nghiệm cho người lái ô tô đến bốt xét nghiệm cho người đi bộ 

Nguồn: National Geographic

Ngay từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Hàn Quốc đã đưa ra mô hình trạm lấy mẫu xét nghiệm cho người lái ô tô, nhằm đẩy mạnh việc xét nghiệm và sàng lọc người nhiễm bệnh, đồng thời tạo thuận tiện cho người dân đi xét nghiệm. Với mô hình này, người dân có thể lái ô tô đến các trạm xét nghiệm để được lấy mẫu bệnh phẩm mà không cần ra khỏi xe. Các nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ kiểm tra các triệu chứng và lấy mẫu bệnh phẩm của tài xế qua cửa sổ ô tô. Quá trình xét nghiệm diễn ra chỉ trong 10 phút và 3 ngày sau kết quả xét nghiệm được gửi tới người dân qua tin nhắn điện thoại. Mô hình này ngay lập tức được nhiều quốc gia học tập theo và áp dụng rộng rãi. 

Bên cạnh đó, nhằm xét nghiệm cho những người không lái ô tô, một bệnh viện ở Seoul đã giới thiệu bốt xét nghiệm giống bốt điện thoại, sử dụng áp lực khí âm và đèn UV để khử khuẩn và ngăn virus phát tán ra ngoài. Từng bệnh nhân bước vào buồng xét nghiệm để được  thăm khám và lấy mẫu bệnh phẩm mà không cần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên y tế. Cả quá trình lấy mẫu bệnh phẩm diễn ra trong khoảng 7 phút, sau đó buồng xét nghiệm được khử trùng và lọc không khí.

Mô hình này giúp bệnh viện lấy 70 - 80 mẫu xét nghiệm mỗi ngày thay vì chỉ 9 - 10 mẫu như trước kia. Các nhân viên y tế cũng không cần phải trang bị nhiều thiết bị bảo vệ trong suốt quá trình lấy mẫu bệnh phẩm, nhất là trong điều kiện vật tư y tế khan hiếm. Bốt xét nghiệm của Hàn Quốc sau đó đã được Công ty cung cấp vật tư y tế Korea Kiyon sản xuất và xuất khẩu sang nhiều nước như Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Italy, Philippines...

2. Chó robot giám sát giãn cách xã hội

Nguồn: Reuters 

Đầu tháng 5, Chính phủ Singapore đã thí điểm sử dụng chó robot nhằm giám sát người dân tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội tại một số công viên của đảo quốc sư tử. Chú chó công nghệ cao này có tên là Spot, được điều khiển từ xa và có thể leo trèo dễ dàng ở mọi địa hình, đi vào những nơi mà các loại robot có bánh xe không thể làm được. Spot cũng được lắp đặt thiết bị cảm biến để bảo đảm nó không va vào mọi người. Được gắn camera 360 độ, Spot có thể ước tính số lượng người vào công viên và phát thông điệp cảnh báo khi những người trong công viên không bảo đảm khoảng cách an toàn.

Chính phủ Singapore cho biết, việc sử dụng chó robot để giám sát sự các tuân thủ quy định về giãn cách xã hội ở nơi công cộng giúp giảm nhu cầu nhân lực để thực hiện việc tuần tra, giảm tiếp xúc giữa các nhân viên, tình nguyện viên với những người đến công viên, do đó giúp giảm rủi ro lây nhiễm Covid-19. Hiện, Spot còn được thử nghiệm tại Trung tâm Triển lãm Changi, nơi được trưng dụng làm địa điểm cách ly những bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Tại đây, Spot hỗ trợ vận chuyển thức ăn và thuốc men cho bệnh nhân.

3. Xe điện công cộng không người lái

Nhằm khuyến khích người dân sử dụng trở lại phương tiện giao thông công cộng mà vẫn bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội an toàn cho hành khách, Công ty Thiết kế  Ponti Design Studio của Hồng Kông (Trung Quốc) đã đưa ra ý tưởng vận hành xe điện hai tầng tự động, không người lái trên đường phố Hồng Kông.

​​​Nguồn: designboom.com

Mẫu thiết kế xe điện hai tầng mang tên Island, có trần và bốn vách xung quanh bằng kính giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, đồng thời, hành khách có thể ngắm trọn cảnh đường phố bên ngoài. Vị trí đứng và chỗ ngồi cho hành khách được thiết kế bảo đảm khoảng cách an toàn, đồng thời khuyến khích người sử dụng phương tiện giao thông công cộng tránh tiếp xúc gần. Cùng với mẫu thiết kế xe điện công cộng "thời Covid-19", Ponti cũng thiết kế các trạm dừng xe điện có thể đặt linh hoạt tại nhiều vị trí trên đường phố Hồng Kông. Các điểm này được tích hợp kết nối điện, giúp xe có thể dừng và sạc lại sau mỗi hành trình.

4. Mũ bảo hiểm phát hiện người bị sốt

Nguồn Business Insider

Công ty Công nghệ Kuang Chi Technologies có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc đã sáng chế mũ bảo hiểm thông minh có thể phát hiện những người bị sốt cách xa tới 5 mét. Chiếc mũ phát ra âm thanh báo động khi bất cứ người nào có nhiệt độ cao đến gần. Mũ có đầu dò nhiệt độ hồng ngoại, camera có thể đọc mã QR, kết nối wifi, Bluetooth và 5G để có thể truyền dữ liệu đến các bệnh viện gần nhất.

Theo nhà sáng chế, chiếc mũ có thể quét 100 người trong vòng khoảng 2 phút, trong khi một bệnh viện lớn sẽ chỉ cần 10 mũ bảo hiểm như vậy để theo dõi mọi bệnh nhân. Mũ bảo hiểm này đang được sử dụng phổ biến trong các lực lượng cảnh sát ở Thượng Hải và một số thành phố khác của Trung Quốc. Công ty này cũng cho biết, mũ bảo hiểm thông minh này bắt đầu được sử dụng ở một số nơi trên thế giới, trong đó có Italy, thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.

5. Hệ thống dữ liệu thực tế về y tế 

Ở Thụy Điển, các nhà chức trách đã phát triển một nền tảng để nhân viên y tế báo cáo dữ liệu thực tế về số lượng bệnh nhân mắc Covid-19, thiết bị bảo vệ cá nhân, nhân viên y tế, việc sử dụng máy thở và các thông tin về tài nguyên khác. Ứng dụng mang tên Phản ứng khẩn cấp Covid-19 (Covid-19 Emergency Response App) được sử dụng rộng rãi trên khắp Thụy Điển, chia sẻ thông tin cho các nhà quản lý, cơ quan y tế theo dõi tình trạng cơ sở vật chất, việc phân bổ nguồn lực về chăm sóc sức khỏe và tăng công suất giường bệnh.

6. Khám bệnh trực tuyến

Ở Canada, khám bệnh trực tuyến qua video đã tăng từ 1.000 lượt/ngày trong tháng 2 lên 14.000 lượt/ngày vào trung tuần tháng 5. Các quốc gia như Mỹ và Australia cũng đã khai thác công nghệ kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ chăm sóc từ xa cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hoặc nhiễm Covid-19 tại nhà của họ. Nếu được thực hiện thích hợp và hiệu quả, dịch vụ chăm sóc sức khỏe "ảo" này có thể tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong và sau đại dịch. Song các rủi ro có thể xảy ra với hình thức khám bệnh này có thể bao gồm chẩn đoán sai, trục trặc thiết bị, vi phạm quyền riêng tư và chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

7. Cửa hàng tiện lợi không nhân viên

Nguồn: Inokyo

Nhiều công ty khởi nghiệp đang phát triển các công cụ giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 như mô hình hóa sự lây lan của dịch bệnh sử dụng trí tuệ nhân tạo, các giải pháp theo dõi triệu chứng, chatbot nhằm chẩn đoán và theo dõi người dân với thông báo lây nhiễm gần đó đến các giải pháp nhằm duy trì các hoạt động thường nhật của xã hội như các cửa hàng tiện lợi không nhân viên. 

Công ty Công nghệ khởi nghiệp Inokyo đã lắp đặt hệ thống giám sát và thanh toán tự động cho nhiều cửa hàng ở Mỹ, nhằm giúp các công ty duy trì hoạt động bán lẻ mà không cần nhân viên túc trực tại cửa hàng. Hệ thống mang tên Act sử dụng camera và công nghệ thị giác máy tính để quan sát khách hàng cùng các thiết bị cảm biến dựa vào từng cử động của khách, được lắp đặt trong cửa hàng, giúp khách hàng tự tiến hành thanh toán. Hệ thống này còn được lắp đặt tại văn phòng, cửa hàng, kho bãi... nhằm giám sát việc nhân viên có giữ khoảng cách an toàn trong tình hình đại dịch hay không.

Ngọc Khánh