Bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân:

Công tâm, không định kiến

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 10:05 - Chia sẻ
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV đạt 26,72% và đến nay là 27,1%, cao hơn so với trung bình của khu vực châu Á và toàn thế giới; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước), trong đó 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ từ 30% trở lên. Dù vậy, để đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp lên trên 35% theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương thì còn nhiều việc phải làm. Tại hội thảo về tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị vừa được tổ chức, các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu phải công tâm và không định kiến ngay từ công tác chuẩn bị, giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Không phải vì “tỷ lệ đẹp”

Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 30% trong tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhưng nữ đại biểu đã và đang tham gia, đóng góp tích cực trong các hoạt động của cơ quan dân cử, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của quốc gia, địa phương và sự nghiệp bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ghi nhận vai trò, sự đóng góp của nữ đại biểu trong hoạt động của Quốc hội, HĐND, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đạt trên 35% vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng kỳ vọng có thể đạt được hoặc tiệm cận mục tiêu này ngay trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tới đây dù không dễ dàng.  

Trước hết là vấn đề nhận thức. Lâu nay, để lý giải cho tình trạng bất bình đẳng giới nói chung và việc tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND vừa qua chưa đạt yêu cầu nói riêng, nhiều người viện dẫn quan niệm trong văn hóa của dân tộc “trọng nam khinh nữ”, đánh giá phụ nữ theo lối tư duy “đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng chỉ rõ, đó là cách tiếp cận phiến diện, không chuẩn và phải có biện pháp khắc phục phù hợp, không lấy đó làm lý do bao biện. “Bởi vì, trong sâu thẳm cội nguồn văn hóa dân tộc, Việt Nam đã là một dân tộc mang tư tưởng rất tiến bộ về bình đẳng giới. Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, thậm chí đề cao vai trò của phụ nữ: "Lệnh ông không bằng cồng bà”. Nhấn mạnh điều này, nguyên Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, đó là những nét đẹp, tích cực trong truyền thống dân tộc mà chúng ta phải giữ gìn, phát huy.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Mạnh Hùng cũng chỉ ra một khía cạnh khác cần phải thay đổi nhận thức, đó là “bệnh thành tích” trong việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là nữ. Chúng ta làm việc này không chỉ là để có một tỷ lệ “đẹp” trong Quốc hội, HĐND các cấp mà quan trọng nhất, mục đích cuối cùng là vì sự phát triển của đất nước, của mỗi địa phương, vì việc làm và thu nhập của mỗi người lao động, vì đời sống của mỗi gia đình. Thực tế đã chứng minh, ở nhiều quốc gia và nhiều địa phương, tăng cường sự tham chính, lãnh đạo của phụ nữ đã làm cho kinh tế - xã hội phát triển tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn.

Phải xóa bỏ tình trạng “gánh” quá nhiều “cơ cấu"

Từ việc thay đổi nhận thức, các đại biểu tham dự hội thảo cũng kiến nghị phải tập trung thực hiện nhóm giải pháp nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Trước hết, phải tăng tỷ lệ nữ ứng cử. Theo quy trình của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, việc hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử gồm 5 bước và 3 hội nghị hiệp thương. Ngay từ bước 1, tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đã lên dự kiến số lượng nữ ứng cử viên một cách rộng rãi. Luật quy định phải có ít nhất 35% nữ ứng cử viên trong danh sách bầu cử thì ở bước này, theo các đại biểu, tỷ lệ nữ phải cao hơn rất nhiều. Tốt nhất là khoảng 45 - 50% để có điều kiện lựa chọn dần trong các bước tiếp theo.

Tiếp đó là, bảo đảm chất lượng người ứng cử. Thực tế ở nước ta hiện nay, phụ nữ đang ngày càng có vai trò tích cực, mạnh mẽ hơn trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao… nên chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát hiện, lựa chọn, giới thiệu các ứng cử viên là nữ. Tuy nhiên, một trong những vấn đề phải quan tâm là xóa bỏ tình trạng một ứng cử viên nữ phải “gánh” quá nhiều “cơ cấu”: trẻ tuổi, dân tộc ít người, ngoài đảng, ngành nghề… Các ứng cử viên nữ, do đặc điểm công việc, giới tính, điều kiện gia đình… cần được tổ chức tham gia các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn về những kỹ năng, kiến thức, thông tin cần thiết để xây dựng chương trình hành động, tiếp xúc cử tri, xử lý tình huống trong vận động, tiếp xúc cử tri, xử lý tình huống trong vận động bầu cử. Kinh nghiệm cho thấy, qua các hoạt động này, các ứng cử viên nữ tự tin hơn trong việc phát huy trí tuệ, năng lực của mình, có kết quả bầu cử tốt hơn.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh, các cơ quan có thẩm quyền cần có định hướng một cách đầy đủ, rõ ràng về bảo đảm tiến bộ giới trong hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Đặc biệt là việc đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, từ khâu quy hoạch, đào tạo, lựa chọn, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ nữ đến việc giới thiệu các ứng cử viên nữ để bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Tiếp đó là trách nhiệm và bước đi của các cơ quan nhà nước, cơ quan bầu cử, vì ngay từ bước một, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, đơn vị, tổ chức được bầu làm đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, còn việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, đơn vị, tổ chức được bầu làm đại biểu HĐND do Thường trực HĐND từng cấp quyết định.

Một biện pháp quan trọng khác, theo các đại biểu là, ngay trong công tác thông tin, truyền thông về bầu cử, giới thiệu các ứng cử viên phải bảo đảm đúng luật nhưng vẫn tạo điều kiện để cử tri có thông tin tốt nhất về các ứng cử viên nữ. Mặt khác, cần phát huy quyền của cử tri nữ trong việc đi bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tăng cường sự tham gia ủng hộ của nam giới trong quá trình này. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt, các phóng viên báo chí cũng cần có kiến thức để các thông điệp truyền thông về bầu cử phải bảo đảm yếu tố tránh nhạy cảm giới, nhất là các thông điệp trên pano, áp phích, tờ rơi... để thông tin chính xác, nâng cao nhận thức của mỗi người “quyết định lựa chọn ứng cử viên bằng trí tuệ, sự công tâm và không định kiến”.

Một số ví dụ trong việc truyền tải thông điệp bình đẳng giới cũng được các đại biểu nêu ra như “Tự tay bỏ phiếu bầu cử ứng cử viên nam, nữ ưu tú trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là niềm vinh dự, tự hào của công dân 5 năm/ lần”; “Cử tri sáng suốt lựa chọn ứng cử viên nam, nữ có đức, có tài”; “Cử tri trách nhiệm nghiên cứu kỹ về các ứng cử viên nam, nữ để bỏ phiếu có trách nhiệm”. Những thông điệp vừa rõ ràng về quyền bầu cử của nam, nữ vừa thúc đẩy ý thức chính trị trong hành động thực tế như vậy, theo các đại biểu, sẽ góp phần bảo đảm cơ hội của cả ứng cử viên nam, nữ đều tương đương nhau.

Hồ Long