Công bố kết quả liên kết chuỗi giá trị lúa gạo dự án VnSAT

- Thứ Năm, 24/09/2020, 03:54 - Chia sẻ
Chiều 23.9, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công bố các kết quả liên kết chuỗi giá trị dự án VnSAT (Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam), thuộc hợp phần lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết bao tiêu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao giữa 4 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo chủ lực ở đồng bằng sông Cửu Long và 8 hợp tác xã tiêu biểu của các tỉnh, thành tham gia dự án VnSAT.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những hỗ trợ từ dự án VnSAT đã tác động mạnh mẽ giúp thay đổi trình độ sản xuất, năng lực quản lý, giảm thất thoát sau thu hoạch. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo lớn đến tìm hiểu bao tiêu và liên kết sản xuất.

Theo đó, sau gần 5 năm triển khai dự án, tính đến vụ Hè Thu năm 2020 đã có 56.554ha diện tích trồng lúa có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Theo đó, có 19.801ha lúa vụ Hè Thu của VnSAT được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn so với giá lúa cùng chủng loại trên thị trường từ 100 - 300 đồng/kg. Đơn cử như Cần Thơ có 3.561ha được bao tiêu bởi 5 doanh nghiệp, 2.303ha ở Hậu Giang được 8 doanh nghiệp bao tiêu; Kiên Giang có 2.870ha được 3 doanh nghiệp bao tiêu…

Đặc biệt trong năm 2018, dự án VnSAT đã triển khai hoạt động tư vấn hỗ trợ liên kết chuỗi giúp nâng cao trình độ quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm lúa, lúa giống và gạo của hơn 100 hợp tác xã. Trong đó, có hơn 30 hợp tác xã được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm và 8 hợp tác xã tiêu biểu nhất được dự án án hỗ trợ  xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, mẫu mã bao bì, trang thương mại điện tử.

Dự án được triển khai trên 13 tỉnh, gồm 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) và 8 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang). 

Mục tiêu chung của dự án là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành lúa gạo, cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa lớn của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Chương Đài