Còn nhiều việc phải làm

- Thứ Ba, 15/09/2020, 06:37 - Chia sẻ
Sau 1 năm Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (VPA/FLEGT) có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).

Có thể nói, đây là nỗ lực của Việt Nam trong nội luật hóa các quy định để có thể tiến tới cấp giấy phép FLEGT (văn bản pháp lý của Việt Nam để khẳng định một lô hàng sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Liên minh châu Âu được sản xuất hợp pháp và được xác minh theo các tiêu chí qui định tại Hiệp định VPA/FLEGT).

VPA/FLEGT là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU. Theo đó, hai bên cam kết chỉ buôn bán sản phẩm gỗ hợp pháp. Khi hệ thống Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) hoạt động, dựa vào đó giấy phép FLEGT sẽ được cấp cùng với các sản phẩm gỗ được chứng nhận là hợp pháp vào EU. Như vậy, Nghị định 102/2020/NĐ-CP về việc quy định VNTLAS phải bảo đảm được các nội dung nêu trên.

Theo đó, Nghị định này quy định gỗ nhập khẩu, xuất khẩu phải đảm bảo hợp pháp, được làm thủ tục xuất - nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan. Chủ gỗ nhập khẩu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc hợp pháp của gỗ nhập khẩu theo các quy định pháp luật có liên quan của quốc gia nơi khai thác gỗ; tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về cung cấp thông tin theo tiêu chí đánh giá vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam và tiêu chí xác định loại gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định.

Gỗ xuất khẩu phải có giấy phép CITES (giấy tờ do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp để xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loại động, thực vật quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES) hoặc giấy phép FLEGT; hoặc bảng kê gỗ theo quy định. Lô hàng gỗ xuất khẩu đã được cấp phép FLEGT được ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

Như trên đã nói, việc ban hành Nghị định 102/2020 là nỗ lực nội luật hóa việc thực hiện VPA/FLEGT, tuy nhiên để thực hiện được VPA/FLEGT với tư cách là thành viên thì Việt Nam còn phải làm nhiều việc. Theo, Kế hoạch triển khai thực hiện VPA/FLEGT ban hành kèm theo Quyết định số 1624/QĐ-TTg ngày 14.11.2019 của Thủ tướng Chính phủ thì ngoài việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, Việt Nam còn phải cải thiện hạ tầng kỹ thuật để vận hành VNTLAS; xây dựng và vận hành phần mềm phân loại doanh nghiệp điện tử kết nối với cơ sở dữ liệu vi phạm pháp luật lâm nghiệp và hệ thống cấp phép FLEGT điện tử...

Đặc biệt, đánh giá năng lực và xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, trong đó đáng chú ý là Hệ thống VNTLAS cho các bên liên quan, như các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương (kiểm lâm, hải quan, cơ quan cấp phép FLEGT); các hiệp hội gỗ, doanh nghiệp, làng nghề, hộ gia đình tham gia trong chuỗi cung ứng; soạn thảo tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đối tượng liên quan về các yêu cầu và quy định của Hệ thống VNTLAS và cấp phép FLEGT. Đây là những phần việc quan trọng và khó khăn nhất, nhận thức về Hiệp định VPA/FLEGT và VNTLAS chưa thực sự đồng đều, nhất là đối với các hộ gia đình tham gia vào chuỗi cung ứng.

Nguyễn Minh