Xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021

Có thể ảnh hưởng tới hơn 80 nghìn hecta cây ăn quả

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:57 - Chia sẻ
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 có thể ảnh hưởng đến 50 nghìn hoặc 82 nghìn hecta cây ăn trái tùy theo kịch bản. Dự báo này được đưa ra tại Hội nghị “Triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả vùng đồng bằng sông Cửu Long 2020 - 2021” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) tổ chức ở Tiền Giang ngày 17.9.

Cây sầu riêng thiệt hại nặng nhất

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ thường xuyên, hạn hán và xâm nhập mặn những năm gần đây đã ảnh hưởng lớn sản xuất cây ăn quả tại các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết: Mùa khô 2019 - 2020, diện tích cây ăn quả vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 25,12 nghìn hecta. Trong đó có 9,64 nghìn hecta trồng sầu riêng; 5,74 nghìn hecta bưởi; 2,34 nghìn hecta chanh; 4,61 nghìn hecta chôm chôm… Vùng thượng nguồn có tỉnh Long An diện tích bị hạn khoảng 2,5 nghìn hecta, chiếm khoảng 10% diện tích hạn mặn toàn vùng. Vùng giữa là trọng điểm phát triển cây ăn quả của ĐBSCL có Tiền Giang, Vĩnh Long diện tích bị hạn mặn khoảng 8,8 nghìn hecta (chiếm 35%). Vùng giáp biển Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, diện tích bị hạn khoảng 13,8 nghìn hecta, chiếm tới 55% diện tích hạn mặn cây ăn quả toàn vùng.

Tổng cục Thủy lợi dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 có thể xảy ra 2 kịch bản. Ở kịch bản 1: lượng mưa như dự báo, mặn xâm nhập lớn nhất vào tháng 2 - 3.2021 có khả năng ảnh hưởng đến gần 50 nghìn hecta cây ăn trái. Kịch bản 2: Lượng mưa thấp hơn dự báo, mặn xâm nhập lớn nhất ở thời kỳ tháng 2 - 3.2021 có thể ảnh hưởng đến gần 82 nghìn hecta cây ăn trái.

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, bà con nông dân đang bắt tay khôi phục vườn cây ăn quả. Vì vậy, cần phải có các giải pháp kỹ thuật phục hồi sinh trưởng, phát triển vườn cây ăn quả sau hạn mặn, đồng thời chuẩn bị tốt để giảm thiểu thiệt hại.

 Để ứng phó với hạn mặn cho mùa khô tới, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước tưới, không tưới nước có độ mặn trên 1 phần nghìn cho cây. Đối với một số cây mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... không tưới nước có độ mặn trên 0,5 phần nghìn. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt. Cùng với đó, cân đối nguồn nước tưới để chủ động tích trữ nước ngọt thông qua hệ thống cống đập, bờ kè, các hồ kênh mương dự trữ nước ngọt. Đào ao, nạo vét các kênh mương trong vườn để trữ nước. Sử dụng các túi để trữ nước, kết hợp sử dụng nguồn nước tiết kiệm thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phun sương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ thành lập các đoàn công tác sớm rà soát, đánh giá công tác khắc phục trước, trong và sau hạn mặn đối với vườn cây ăn quả; ban hành giải pháp và tài liệu hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai sớm trước mùa khô 2020 - 2021.

Về lâu dài, Tổng cục Thủy lợi đề xuất rà soát quy hoạch, đẩy mạnh việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái: Lũ, ngọt, mặn - lợ. Riêng với hạ tầng nông nghiệp cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi vùng trồng cây ăn trái. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tích trữ nước hợp lý trong các vườn trồng cây ăn trái.

Toàn cảnh hội nghị  

Đã cấp gần 1 nghìn mã vùng trồng

Về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, Cục Bảo vệ thực vật cho biết việc này đang được triển khai theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đến nay Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 998 mã số vùng trồng, trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Hoa Kỳ (471); tiếp đó là Australia, New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Đối với thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8.2020 đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180 nghìn hecta cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói. Trong số này, xoài, nhãn, thanh long là các sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng được cấp nhất. Riêng đối với khu vực ĐBSCL hiện đã cấp 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, EU là thị trường tiềm năng, quan trọng, hầu hết các dòng thuế sẽ về 0% trong thời gian ngắn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, thị trường này yêu cầu rất cao về kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm nên từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến phải rất nghiêm ngặt mới tận dụng được.

Nhật Trường