Các nghị viện thành viên AIPA - Nghị viện Campuchia

Cơ quan lưỡng viện

- Chủ Nhật, 30/08/2020, 06:11 - Chia sẻ
Nghị viện Vương quốc Campuchia là một lưỡng viện lập pháp gồm Quốc hội (Hạ viện) và Thượng viện.

Nghị viện Campuchia với AIPA

Nghị viện Campuchia trở thành thành viên thứ 8 của Tổ chức Liên Nghị viện ASEAN (AIPO) vào năm 1999, sau 5 nước sáng lập gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan (năm 1977), Việt Nam (1995) và Lào (1997). Trong 21 năm là gia nhập AIPO nay là AIPA, Nghị viện Campuchia luôn chứng tỏ là một thành viên trách nhiệm. Campuchia đã giữ vai trò Chủ tịch AIPO 25 năm 2004 và Chủ tịch AIPA 32 năm 2011; đã có nhiều đề xuất, sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của AIPA. Chẳng hạn năm 2011, Campuchia đã đề xuất thành lập một Ủy ban giám sát gồm đại diện Quốc hội các quốc gia ASEAN, xây dựng một nhóm nghị sỹ AIPA để làm chức năng tham vấn và kiểm tra thường xuyên tiến trình thực hiện các thỏa thuận của AIPA. Tại cuộc họp Đại hội đồng AIPA 41 sắp tới, Campuchia sẽ tiếp quản chức Chủ tịch AIPA từ Việt Nam.

Quốc hội hiện nay có 125 thành viên, được bầu với nhiệm kỳ 5 năm theo hình thức trực tiếp. Tiền thân của Quốc hội chính là Hội đồng Lập hiến. Theo Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991, cuộc tổng tuyển cử do Liên Hợp Quốc bảo trợ đã được tổ chức vào tháng 5.1993 để bầu ra thành viên của Hội đồng Lập hiến nhằm soạn thảo Hiến pháp mới. Hiến pháp của Vương quốc Campuchia đã được thông qua và ban hành vào tháng 9.1993. Theo các điều khoản của Hiệp định Hòa bình Paris và các điều khoản chuyển giao của Hiến pháp mới Vương quốc Campuchia, Hội đồng Lập hiến được đổi thành Quốc hội Campuchia cùng lúc với sự ra đời của Hiến pháp.

Theo Điều 83 của Hiến pháp, Quốc hội họp định kỳ 2 lần 1 năm, mỗi kỳ họp kéo dài ít nhất 3 tháng.

Quốc hội có quyền biểu quyết các vấn đề như: ngân sách quốc gia, kế hoạch Nhà nước, tài chính, sửa đổi hay hủy bỏ các loại thuế, thông qua việc ân xá các loại tội phạm.

Quyền hạn của đại biểu Quốc hội là chất vấn các thành viên của Chính phủ thông qua Chủ tịch Quốc hội. Quốc hội có thể phế truất thành viên Chính phủ khi có 2/3 tổng số đại biểu biểu quyết thông qua bản kiến nghị khiển trách. Bản kiến nghị này phải được ít nhất 30 đại biểu Quốc hội đề xuất mới được Quốc hội họp để biểu quyết.

Thượng viện có 62 nghị sĩ, nhiệm kỳ 6 năm. Trong số đó, hai thành viên được chỉ định bởi Quốc vương, 2 thành viên do Quốc hội chỉ định, và 58 thành viên còn lại do hội đồng cấp xã và các nghị sĩ bầu.

Phiên họp Thượng viện đầu tiên được tổ chức vào ngày 25.3.1999 và cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào ngày 22.1.2006. Cuộc bầu cử Thượng viện gần đây nhất bầu ra Thượng viện Khóa IV diễn ra vào năm 2018 với việc đảng CPP giành toàn bộ 58 ghế bầu cử; 2 ghế thượng nghị sĩ khác thuộc về đảng FUNCIPEC và 2 ghế thuộc về hai ứng cử viên độc lập. Đây cũng là lần đầu tiên cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Thượng viện diễn ra cùng một năm.

Theo Điều 107 của Hiến pháp, Thượng viện nhóm họp mỗi năm 2 lần. Mỗi kỳ họp sẽ kéo dài ít nhất ba tháng. Trong trường hợp Quốc vương, Thủ tướng, hoặc ít nhất một phần ba tổng số thượng nghị sĩ yêu cầu, Thượng viện có thể triệu tập một phiên họp bất thường.

Nghị viện Campuchia có ba chức năng lập pháp, giám sát, bao gồm cả giám sát ngân sách, và đại diện. Phần lớn các dự luật do các bộ soạn thảo và trình, nhưng nhóm nghị sĩ với 1/10 tổng số nghị sĩ có thể trình dự luật. Nghị viện áp dụng các cuộc điều trần, tham vấn công chúng, tham gia các cuộc hội thảo, tham quan học hỏi về hoạt động lập pháp. Điều này đã cải thiện kết quả lập pháp được thể hiện qua các đạo luật đã ban hành như Luật bạo lực gia đình, Luật bầu cử Thượng viện, Luật công chức Nghị viện…

Trong giám sát, các công cụ thường được Nghị viện Campuchia sử dụng gồm chất vấn, xem xét báo cáo, hoạt động của ủy ban, nhất là điều trần. Về giám sát tài chính - ngân sách, cả 9 ủy ban đều có nhiệm vụ giám sát tài chính theo lĩnh vực, và có Ủy ban Kinh tế - Tài chính đóng vai trò quan trọng trong chống tiêu cực, tham nhũng.

Nói chung, cán cân quyền lực chính trị ở Campuchia hiện nay đang nghiêng nhiều về hành pháp. Cũng như nhiều nước khác, ở Campuchia các dự luật do các bộ soạn thảo, nhưng vấn đề là Nghị viện Campuchia không đủ nguồn lực, năng lực để thẩm định và quyết định một cách đúng đắn về các dự luật đó. Cũng tương tự, theo ý kiến của một số chuyên gia, cả hai viện của Nghị viện Campuchia chưa thể hoàn thành vai trò quyết định và giám sát ngân sách.

Mỗi nghị sĩ có một vài cán bộ giúp việc. Họ là cán bộ giúp việc riêng, nhưng được Nhà nước trả lương. Tuy nhiên, đây không phải là vị trí cố định và sẽ bị hủy bỏ một khi nghị sĩ đó không còn đương chức. Ngoài ra, mỗi nghị sĩ còn có 2 - 3 người giúp việc ở văn phòng tại địa phương, (chỉ ở cấp tỉnh/thành phố) và họ là cán bộ nhà nước.

Nghị viện Campuchia có các dịch vụ thư viện dành cho các nghị sĩ. Các hoạt động nghiên cứu thường được thực hiện bởi các tổ chức riêng lẻ, gồm cả tổ chức phi chính phủ hoặc các viện nghiên cứu. Các dịch vụ đi lại được cung cấp bằng hình thức thanh toán tiền mặt hoặc cung cấp xăng dầu cho các chuyến đi công tác của nghị sĩ. Chỉ một số nhỏ các nghị sĩ được cấp máy tính và hỗ trợ truy cập internet.

Đạt Quốc