Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2019)

Cờ ngày nào tung bay trên phố (*)

- Thứ Hai, 07/10/2019, 08:13 - Chia sẻ
Chiều 10.10.1954, trong không khí tưng bừng của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, một buổi lễ đặc biệt đã diễn ra ngay sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội giải phóng đã qua 65 năm, nhưng vẫn là dấu ấn không phai mờ trong ký ức các chiến sĩ ngày ấy.

Hà Nội ngày trở về

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang khắp năm châu và Hiệp định Geneve được ký kết, theo quy định của Hiệp định, Hà Nội là khu vực tập kết 80 ngày. Qua nhiều ngày đấu tranh, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội đã được ký kết giữa ta và Pháp vào các ngày 30.9.1954 và 2.10.1954 tại Ủy ban Liên Hợp đình chiến Trung ương. Ngày 8.10.1954, đại diện các đơn vị tiếp quản vào Hà Nội gặp đại diện của Pháp để nhận bàn giao các vị trí và giám sát quân Pháp rút đi. Ngày 9.10, toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, Thủ đô sạch bóng quân thù.


Tái hiện lễ chào cờ lịch sử tại Hoàng Thành Thăng Long sáng 6.10 Ảnh: Lại Tấn

Đúng 8h ngày 10.10.1954, từ năm cửa ô, đoàn quân tiên phong đã tiến vào tiếp quản Thủ đô sau 9 năm bị tạm chiếm. Đoàn cơ giới và pháo binh, cùng chỉ huy tiếp quản Hà Nội do Chủ tịch Ủy ban Quân quản, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu, xuất phát từ sân bay Bạch Mai, qua Bờ Hồ, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào Thành cổ Hà Nội bằng Cửa Bắc.

Khi ấy, ông Vũ Kiểm thuộc Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, được về tiếp quản Thủ đô. Ông nhớ lại: “Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ cùng đơn vị vào nhận tiền trạm để chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô. Ngày 9.10, tôi phụ trách một trung đội vào nhận vị trí tiền trạm là khách sạn Metropole bây giờ. Sáng 10.10, tôi bàn giao cho đại quân điểm tiếp quản ấy và được vinh dự rút về Thành Thăng Long. Vừa bước vào cổng thành, tôi thấy có 3 xe ô tô, 2 xe con và 1 xe tải. Mọi người cũng thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cùng hoan hô. Đại tướng vào nhìn sân rồng và hỏi chúng tôi: Có anh em nào ở Hà Nội không? Chúng tôi giơ tay lên. Đại tướng nói: Ta lên xe đi thăm Hà Nội. Hơn chục anh em tôi phấn khởi, vác balô lên xe và cùng tiến thẳng đến trường Chu Văn An, ra đường Cổ Ngư, xuống Yên Phụ, Đồn Thủy (khu vực Bệnh viện 108 hiện nay)... rồi đi xung quanh Bờ Hồ, trước khi quay trở lại địa điểm dự lễ chào cờ đầu tiên sau khi giải phóng Thủ đô”.

Tái hiện lễ chào cờ lịch sử tại Hoàng Thành Thăng Long sáng 6.10 Ảnh: Ng. Phương

Chào mừng 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô, sáng 6.10, Thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức chương trình “Ký ức mùa thu” tại sân Đoan Môn, Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long, trong đó điểm nhấn là Lễ chào cờ lịch sử. Theo PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Lá cờ Tổ quốc là biểu tượng cho nền độc lập của đất nước. Ngày 2.9.1945, trong Lễ Quốc khánh, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, từng được sử dụng trong khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, đã được kéo lên giữa bầu trời Thủ đô. Sau đó, chúng ta phải rút khỏi thành phố để tiếp tục cuộc kháng chiến. Ngày 10.10.1954, lá cờ ấy lại tung bay trên cột cờ lịch sử. Có thể nói, sự kiện ấy mang ý nghĩa lịch sử, không chỉ với quân và dân Thủ đô, mà còn với quá trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước”.

Muôn dặm một nhà

Trung úy Nguyễn Văn Tròn, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 cho biết: Chiều hôm đó, trên sân vận động Manzin (sân Đoan Môn), các đơn vị tham dự lễ chào cờ đã tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh. Tất cả ăn mặc chỉnh tề, lúc bấy giờ không có quân hàm, chỉ đeo sao vải viền trắng, vàng trên mũ... Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt, đứng vòng trong vòng ngoài, tràn cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ).

Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào. 15h ngày 10.10.1954, lễ chào cờ lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức diễn ra tại sân Đoan Môn. Lá cờ được kéo lên tại Cột cờ Hà Nội cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng, hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Trong hồi ký “Trưởng thành trong chiến đấu”, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ từng viết: Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, tôi được vinh dự đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể”. Lời Bác thân mật, tha thiết. Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng. Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!... Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút, vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô”.

Cột cờ Hà Nội là kết cấu dạng tháp được xây dựng dưới triều nhà Nguyễn, vào đầu thế kỷ XIX, nơi đây được coi là một trong những biểu tượng của thành phố. Ông Vũ Kiểm xúc động chia sẻ: “Khi dự lễ chào cờ đầu tiên sau ngày giải phóng, tôi vô cùng sung sướng vì sau 9 năm gian khổ kháng chiến, tham gia 16 chiến dịch của Sư đoàn 308, lại được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc và thầm mong lá cờ ấy mãi mãi tung bay trên bầu trời Thủ đô”
______________
(*) Lời bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao

Ngọc Phương