Có nên mở đầu vào, siết đầu ra?

- Thứ Năm, 17/09/2020, 22:33 - Chia sẻ
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có 643.122 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, chiếm 71,45%. Cùng với đó, 240 trường đại học trong cả nước đang tuyển sinh với nhiều phương thức nên cánh cửa giảng đường đại học rộng mở với hầu hết các thí sinh...

Nhận định này là hoàn toàn xác đáng bởi Hiệu trưởng Trường Đại Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh khi trả lời báo chí đã cho biết, có rất nhiều thí sinh trúng tuyển với các phương thức khác nhau. Tôi đi tư vấn nên được biết số thí sinh trúng tuyển bằng xét học bạ rất nhiều, không ít em đỗ tới 10 trường. Chưa bao giờ các trường áp dụng số phương thức tuyển sinh nhiều như năm nay, trong đó có trường sử dụng tới 6 phương thức xét tuyển.

Một lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Theo số liệu của trường, năm nay, chỉ tiêu dành cho xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT vào đại học giảm mạnh, chỉ còn gần 57%, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức khác tăng lên hơn 43%. Các năm trước tỷ lệ này khoảng 72% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi THPT, gần 28% cho phương thức khác. Không chỉ trường tư, trường top dưới mới "rộng cửa" mà gần đây, các trường top trên cũng "thông thoáng" hơn rất nhiều.

Cũng bởi "rộng cửa" như vậy nên mới có chuyện 191 trong tổng số 259 học sinh lớp 12 một trường ở huyện Phú Quốc, Kiên Giang cùng nhận được giấy báo trúng tuyển của một trường đại học. Hoặc tình trạng chưa thi tốt nghiệp THPT nhưng đã biết đỗ đại học vì nhiều trường xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng hoặc ưu tiên xét tuyển, xét học bạ... Với sự "thông thoáng" như vậy, câu hỏi đặt ra là có nên cho phép các trường tuyển sinh theo hình thức ghi danh, sau đó siết đầu ra?

Trả lời trên báo chí, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc nên có những thay đổi đột phá trong tuyển sinh đại học bằng cách mở đầu vào và siết chặt đầu ra, đồng thời phải có các quy định chặt chẽ để bảo đảm chất lượng đào tạo. Rằng điểm thi THPT hiện nay không còn là tiêu chí quan trọng trong tuyển sinh, không nên tập trung quá nhiều vào chuyện thi cử, xét tuyển mà nên cho phép các trường tuyển sinh bằng cách ghi danh. Sau đó thực hiện sàng lọc trong quá trình đào tạo để sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng...

Ý kiến khác thì cho rằng, dù pháp luật giao quyền tự chủ cho các trường, trường có phương thức tuyển sinh riêng, tuy nhiên vẫn cần nền tảng kiến thức chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên là cơ quan "cầm trịch" thành lập các trung tâm khảo thí để có mặt bằng kiến thức chung trên toàn quốc, sau đó các trường sẽ căn cứ vào đây để có chính sách tuyển sinh riêng. Việc tuyển sinh đầu vào rất quan trọng, không thể buông lỏng, đồng thời để bảo đảm chất lượng thì phải kiểm soát rất chặt đầu ra.

Ở một góc nhìn khác, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng: Thực tế nhiều nước phương Tây cũng tuyển theo kiểu ghi danh, đặc biệt là các trường khoa học, còn những trường nghề thì phải thi tuyển. Vấn đề là các trường này có quy trình đào tạo nghiêm, sàng lọc kỹ càng. Đây là cách nên học tập, tuy nhiên với nước ta, nếu "buông" đầu vào quá thì không được...

Quyền tuyển sinh đã được giao cho các trường. Và cũng khó có phương án tuyển sinh hoàn hảo. Thế nhưng không vì thế mà quá dễ dãi. Trường nào đào tạo dễ dãi thì sẽ không có sinh viên, muốn hút sinh viên phải giữ được chất lượng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Khương Ninh