Cơ hội hàn gắn

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:19 - Chia sẻ
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga mới đây đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để trao đổi các vấn đề trong quan hệ song phương cùng nhiều vấn đề quốc tế quan tâm. Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi người tiền nhiệm Abe Shinzo và ông Moon Jae-in gặp nhau tại cuộc họp hàn gắn mà Trung Quốc tổ chức cuối tháng 12 năm ngoái tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Động thái trên cho thấy, tân lãnh đạo của đất nước mặt trời mọc đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với quốc gia láng giềng, vốn leo thang căng thẳng thời gian qua.

Gác lại quá khứ

Nhật Bản và Hàn Quốc vốn là các đồng minh thân cận của Mỹ. Một số căn cứ quân sự ở nước ngoài lớn nhất của xứ sở cờ hoa là ở hai quốc gia trên. Thực tế cả ba thường xuyên tập trận chung nhằm răn đe Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, những năm qua, quan hệ Nhật - Hàn xấu đi đáng kể do tranh chấp về lịch sử thời chiến và thương mại, đặc biệt là vấn đề lao động Hàn Quốc bị buộc phải làm việc tại các công ty Nhật Bản từ năm 1910 - 1945, khi Hàn Quốc còn là thuộc địa của Nhật Bản. Năm 2017, Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là ông Abe Shinzo từng rất tức giận khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từ bỏ thỏa thuận đã được nhất trí giữa Nhật Bản và cựu Tổng thống Park Geun-hye, trong đó Tokyo thanh toán cho những phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho quân đội Nhật thời Thế chiến II. Lý do người đứng đầu Nhà Xanh đưa ra là thỏa thuận có sai sót.

Căng thẳng song phương đặc biệt leo thang từ tháng 10.2018 khi tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng bức lao động và cả con cháu họ. Thực tế, đây là một trong những bất đồng gay gắt nhất giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo Tokyo, thỏa thuận năm 1965 bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã bao gồm các khoản bồi thường. Trong khi đó, Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, họ không thể can thiệp vào sự độc lập của tòa án và tài sản của các công ty Nhật Bản ở Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ được thanh lý để trang trải các khoản bồi thường trong những tháng tới. Tình hình tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Nhật Bản vào tháng 7 năm ngoái hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chip điện tử và màn hình, vốn là các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, đồng thời loại đất nước kim chi ra khỏi “Danh sách Trắng” gồm các quốc gia được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.

Thực tế, động thái trên đã gây ra nhiều cuộc biểu tình rộng rãi và tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản ở khắp đất nước kim chi. Hàn Quốc cũng trả đũa bằng đe dọa sẽ không gia hạn Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo (GSOMIA) được hai bên ký năm 2016. Mặc dù Hàn Quốc đã tạm đình chỉ thông báo hủy bỏ GSOMIA hôm 24.8, nhưng chính quyền Seoul cảnh báo có thể chấm dứt hiệp định đó bất cứ lúc nào. Đòn “ăn miếng, trả miếng” liên tục tung ra khiến cho kinh tế của cả hai bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngay từ năm 2019, xuất khẩu của Hàn Quốc sang nước láng giềng đã giảm 6,9% xuống còn 28 tỷ USD so với một năm trước đó, trong khi xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc giảm hơn 12,9% xuống còn 47 tỷ USD. Vì vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều tổn hại tới kinh tế, việc loại bỏ các rào cản thương mại song phương rất quan trọng, nhất là đối với những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như hai nước láng giềng Đông Bắc Á này.

Nguồn: Korea Times

Hướng tới tương lai

Sau khi trở thành người kế nhiệm ông Abe Shinzo, người xin từ chức Thủ tướng với lý do sức khỏe cách đây hơn 1 tuần, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết, “đã đến lúc phải cải thiện quan hệ với Hàn Quốc”. Trong cuộc điện đàm, ông nhấn mạnh, cả đất nước mặt trời mọc lẫn xứ sở kim chi phải bắt tay nhau để thắt chặt quan hệ song phương, thảo luận các vấn đề quốc tế quan tâm cũng như đối phó với nhiều mối đe dọa chung.

Phát biểu với các nhà báo sau cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật Bản Suga cho biết: “Tôi đã nói với Tổng thống Moon Jae-in rằng, chúng ta không thể rời bỏ mối quan hệ hiện tại vốn dĩ đang rất khó khăn”. Ông đồng thời nhấn mạnh: “Hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là đặc biệt quan trọng để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cũng như nhiều vấn đề khác”.

Theo tin mới nhất, mặc dù chưa được Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến sẽ có chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài trong 2 ngày vào đầu tháng 10, sau đó ông có thể sẽ tới thăm Nhật Bản để gặp gỡ tân Thủ tướng Suga Yoshihide. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo có vẻ sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ - Nhật, và yêu cầu sự hợp tác của hai đồng minh.

Thực tế, việc ông Suga được bầu làm Thủ tướng đã làm dấy lên một số hy vọng trong giới quan sát quốc tế về khả năng thiết lập lại quan hệ Nhật - Hàn. Theo một số cuộc thăm dò dư luận, mối quan hệ đôi bên trở nên xấu đi rõ rệt dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Abe, người thậm chí còn không được yêu thích bằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở xứ Hàn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị nhận định, sự khác biệt sâu sắc giữa hai quốc gia láng giềng về những tranh chấp liên quan đến thương mại, lịch sử, nhân quyền và an ninh quốc gia, sẽ khiến khả năng tìm ra giải pháp ngay cả dưới thời lãnh đạo mới ở Tokyo sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, bản thân Thủ tướng Suga, người vốn có ít kinh nghiệm ngoại giao, cho biết sẽ vẫn chỉ đạo đường lối tương tự như người tiền nhiệm Abe Shinzo trong chính sách đối ngoại.

Ông Jin Chang-soo, Giám đốc Trung tâm Nhật Bản của Viện Sejong, một viện tư vấn và nghiên cứu chính sách ở Seoul, cho biết: “Có tới 99% khả năng khó cải thiện mọi thứ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc”, chỉ “hy vọng rằng nó không trở nên tồi tệ hơn”.

Linh Anh