Cơ hội chính là thách thức

- Thứ Hai, 22/06/2020, 07:33 - Chia sẻ
Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua đánh dấu một mốc quan trọng trong chặng đường dài đàm phán, ký kết và hoàn tất phê chuẩn. EVFTA được kỳ vọng nâng mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Liên minh châu Âu lên một tầm cao mới nói riêng và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, góp phần vào công cuộc đổi mới, hướng đến xây dựng quốc gia thịnh vượng.

EVFTA đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng nhiều. Một trong những cơ hội lớn nhất về mặt kinh tế là người tiêu dùng Việt Nam và người tiêu dùng các nước EU có cơ hội tiếp cận sản phẩm của nhau với giá rẻ hơn. Khi đó, người tiêu dùng  EU có thể sẽ mua hàng hóa Việt Nam nhiều hơn và điều này sẽ kích thích sản xuất, gia tăng cơ hội việc làm và kéo GDP của Việt Nam tăng lên. Cùng với đó, thực hiện EVFTA cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi căn bản về cấu trúc kinh tế. Cấu trúc kinh tế ở đây bao gồm cấu trúc về ngành, cấu trúc về chi phí đầu vào thông qua quy định về xuất xứ sản phẩm, cấu trúc về sở hữu.

Các cơ hội thực ra cũng là thách thức nếu chúng ta không nắm bắt được. Ví dụ, sản phẩm hàng hóa không được người tiêu dùng trong EU chấp nhận hoặc chấp nhận dè dặt vì nhiều lý do sẽ khiến xuất khẩu từ Việt Nam sang EU không tăng hoặc tăng nhưng không đủ bù đắp được sự thay đổi về xuất xứ đầu vào.

Yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua khi EVFTA có hiệu lực. Ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU chưa chắc đã công nhận nguồn gốc đó vì sản phẩm của Việt Nam nói chung còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Hiện tại, nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp trong nước cơ bản từ Trung Quốc. Nếu dùng nguyên liệu khác để thay thế, giá sản phẩm có thể tăng từ 5% - 7%. Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, việc thay đổi xuất xứ hàng hóa (thay cho đầu vào từ Trung Quốc) sẽ khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng từ 3,5% - 5%. Như vậy, giá trị xuất khẩu phải tăng từ 10 - 15% mới bù được.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực trong nước luôn nhập siêu và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn xuất siêu. Năm 2010, khu vực trong nước nhập siêu 14,8 tỷ USD, đến năm 2018 con số này tăng lên 25,5 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực FDI năm 2010 xuất siêu 2,2 tỷ USD, đến năm 2018 xuất siêu 32 tỷ USD.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, luồng tiền chảy ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua chi trả sở hữu khoảng 18 tỷ USD; tỷ lệ xuất khẩu của khu vực FDI chiếm 72% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa (2018). Điều này cho thấy việc xuất siêu hay nhập siêu của cả nước hoàn toàn do khu vực FDI quyết định. Như vậy, khi Việt Nam tham gia EVFTA, khu vực FDI có lợi nhất và nguồn lực nền kinh tế ngày càng bị bào mòn bởi lợi nhuận của khu vực FDI có thể được chuyển về nước của họ.

Thách thức đáng kể nữa khi EVFTA có hiệu lực đó là ngân sách sẽ gặp khó khăn do thuế suất thuế nhập khẩu từ EU giảm xuống còn 0%. Về lâu dài, ngân sách có thể bù lại khi sản lượng và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, những điều tốt đẹp như thế chỉ xảy ra khi chúng ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thực thi Hiệp định này. Tiếc rằng nhìn vào Dự thảo Kế hoạch hành động thực thi EVFTA được Chính phủ gửi tới Quốc hội trong Kỳ họp vừa qua, có thể thấy đó chỉ là bản “mô phỏng” kế hoạch thực thi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), trong khi EVFTA là một hiệp định rất khác và bối cảnh bây giờ của cả Việt Nam lẫn EU cũng hoàn toàn khác trước. Cho dù đây chỉ là một bản dự thảo nhưng sự sơ sài của nó cũng nói lên rất nhiều điều.

TS. Bùi Trinh