Có cơ chế đặc thù để trường y thực hiện tự chủ

- Thứ Năm, 13/08/2020, 18:26 - Chia sẻ
Sáng 13.8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã làm việc với Trường ĐH Y Hà Nội về việc thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó tập trung vào chính sách học phí.

Theo báo cáo, ngày 6.8.2020 vừa qua, Trường ĐH Y Hà Nội đã có tờ trình Bộ Y tế về việc thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch, Thư ký Hội đồng theo đúng hướng dẫn. Trường là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, thực hiện thu học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ. Đại diện Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, việc tính chi phí đào tạo trong khối ngành y đang gặp khó khăn vì thời lượng thực hành nhiều, các quy định khấu hao vẫn chưa được sửa đổi, cơ chế đặt hàng của Nhà nước với dịch vụ đào tạo chưa được hướng dẫn cụ thể. Một cán bộ phải đảm nhiệm nhiều vai trò, nhưng cơ chế để chi trả chưa hợp lý…

Các ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực y tế, vì đây là ngành đào tạo cần nhiều thời gian và nguồn lực. Cần có thông tư hướng dẫn chi tiết lộ trình thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục đại học; đồng thời cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tránh tình trạng tự chủ hình thức. Với các trường đại học đào tạo nhân lực ngành y tế, cần có cơ chế đặc thù để thực hiện tự chủ, và để thực hiện tự chủ toàn diện cần có điều kiện đi kèm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc  

Ảnh: Cao Hoàng 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định: “Hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”, đề nghị làm rõ đại diện của chủ sở hữu có được quyết định thay cấp có thẩm quyền được quy định trong các quy định pháp luật có liên quan không, và với những trường đại học đặc thù, cũng cần có cơ chế riêng. Chính phủ cũng cần đánh giá hiệu quả thực hiện mô hình trường đại học tự chủ tại một số cơ sở giáo dục đại học đã triển khai, từ đó rút kinh nghiệm, xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện nhân rộng trong cả nước.

Nhấn mạnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học ở mức độ lớn hơn, rộng hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, chính nhà trường sẽ quyết định hướng đi cho mình chứ không phải ai khác. Và Hội đồng trường rất quan trọng, bởi là nơi đề ra cụ thể chiến lược, kế hoạch phát triển, quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ… của trường.

CTV