Chúng ta đang “đi trên dây”

- Thứ Năm, 25/06/2020, 05:18 - Chia sẻ
Được Quốc hội quyết định điều chỉnh phạm vi từ sửa đổi, bổ sung một số điều thành sửa đổi toàn diện tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) không chỉ được đánh giá cao về tinh thần cải cách mạnh mẽ mà còn cả về sự cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo, thể hiện rõ nét qua việc tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các nội dung cụ thể qua từng phiên bản.

Với dự luật được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, “chúng ta có tư tưởng hết sức cách mạng. Người Việt Nam có quyền được sống trong một môi trường trong lành với tiêu chuẩn ngang bằng với các nước phát triển”.

Dù vậy, với tính chất là khung pháp lý cho một trong 3 trụ cột phát triển bền vững của đất nước gồm kinh tế - xã hội - môi trường, dự luật này vẫn chưa thật sáng rõ một vấn đề cốt lõi, đó là sự cân bằng, hài hòa giữa yêu cầu bảo vệ môi trường với năng lực sản xuất, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay và tương lai gần 5 - 10 năm nữa.

Ở thời điểm hiện nay, dù chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước khẳng định và thể hiện ngày càng rõ cả trong quyết sách lẫn hành động thực tế. Nhưng cũng phải thấy rằng, chúng ta đang trong tình thế như “người đi trên dây”, tức là vừa muốn phát triển kinh tế nhưng lại cũng muốn có những cơ chế thật mạnh mẽ, chặt chẽ, tiến bộ và đột phá để bảo vệ môi trường. Trong khi đó, hai mục tiêu này, trên thực tế, hoặc là khó có thể song hành với nhau, hoặc là để song hành được thì sẽ phải chấp nhận “trả giá” rất đắt đỏ. Nếu dự luật này yêu cầu phải áp dụng những tiêu chuẩn rất cao về môi trường như các nước phát triển thì nhiều câu hỏi phải trả lời cặn kẽ, như: Tổng chi phí xã hội sẽ là bao nhiêu? Giá thành, sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ thế nào? Và khi đó, chúng ta có còn đủ sức để cạnh tranh không? Muốn bảo vệ môi trường thì trình độ công nghệ, quản lý, hạ tầng phải thay đổi, nhưng có bao nhiêu doanh nghiệp trong nước đủ khả năng đầu tư chuyển đổi công nghệ? Và nếu chi phí đầu tư tăng lên, Việt Nam có còn là “địa chỉ đỏ” hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài?...

Mấy tháng vừa qua, do tác động của đại dịch Covid-19, ô nhiễm môi trường đã giảm hẳn, không khí trong lành hơn rất nhiều nhưng đi cùng với đó là những thiệt hại về kinh tế khiến biết bao doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, sản xuất đình trệ, kinh tế suy giảm sâu, Nhà nước cũng đã phải chi nguồn ngân sách rất lớn để hỗ trợ kinh tế hồi phục. Thực tế nhãn tiền này càng cho thấy, nếu không đặt ra yêu cầu gắt gao về việc bảo đảm sự hài hòa, cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ môi trường và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, minh định về lộ trình, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của một đất nước đang phát triển thì tư tưởng cách mạng cũng khó đi vào cuộc sống, thậm chí có thể trở thành những rào cản ngược đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước trong cuộc đua với các doanh nghiệp nước ngoài. “Chúng ta phải tiến bộ nhưng là tiến bộ hơn thôi chứ không thể là tiến bộ vượt bậc trong trường hợp này”, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn) nêu quan điểm.  

Làm thế nào để hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội không phải là vấn đề nan giải của riêng nước ta mà là vấn đề toàn cầu. Những ý tưởng, những tư tưởng tiến bộ được cơ quan chủ trì soạn thảo đưa vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là rất đáng trân trọng. Đó là chưa kể với dự luật này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động từ bỏ khá nhiều quyền, không ôm đồm nhiều việc như Luật hiện hành - điều mà không phải cơ quan nào cũng làm được khi được giao nhiệm vụ soạn thảo các dự luật thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Sẽ không có gì phải tranh luận nếu những ý tưởng cách mạng của dự án Luật đều được cụ thể hóa rõ ràng và khả thi. Nhưng rõ ràng, nhiều ý tưởng trong dự thảo Luật cũng mới chỉ xới xáo lên và chưa đủ để khiến cho các đại biểu Quốc hội thấy yên tâm. Vì thế, sau Kỳ họp thứ Chín, cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu chỉnh lý dự án Luật này cần mở rộng các diễn đàn thảo luận, tranh luận, phản biện về các nội dung của dự luật. Cần lắng nghe thật nhiều quan điểm, soi xét các chính sách ở nhiều chiều cạnh khác nhau để đi đến mục tiêu cuối cùng là tạo dựng một khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển hợp lý và hài hòa giữa kinh tế và môi trường. Không được để hai mục tiêu này có gì cản trở hay gây ách tắc lẫn nhau. 

Lam Anh