Thông qua Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh

Chúng ta đã làm rất kỹ và thận trọng!

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 06:41 - Chia sẻ

Sáng qua 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cho HĐND và mỗi Văn phòng sẽ có 3 phòng “cứng” và một phòng “mềm”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Q. Khánh

Giao thẩm quyền thành lập Văn phòng cho HĐND cấp tỉnh

Một trong những vấn đề được tập trung thảo luận tại Phiên họp đó là nên giao thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cho Thường trực HĐND cấp tỉnh, hay giao cho HĐND?

Theo lý lẽ nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, thì nếu giao cho Thường trực HĐND cấp tỉnh thành lập Văn phòng thì “chưa thực sự phù hợp về mặt pháp lý”. Bởi, khoản 4 Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội giao chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh là đã “gián tiếp” quy định thẩm quyền cho HĐND hoặc UBND. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 6 và Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HĐND cấp tỉnh không có thẩm quyền này. Trong khi đó, cũng theo quy định tại Điều 19 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp (sở và tương đương sở), quyết định tổng biên chế công chức ở địa phương và nhiều nội dung quan trọng khác về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước ở địa phương và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật (bao gồm pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Do đó, nếu xác định Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh là cơ quan tương đương Sở nhưng lại giao thẩm quyền thành lập cho Thường trực HĐND cấp tỉnh sẽ không bảo đảm tính tương đồng, có thể làm giảm vai trò, vị thế của Văn phòng trong mối quan hệ với các cơ quan hành chính khác ở địa phương.

Mặt khác, tại 11 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4.10.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi sắp xếp, tổ chức lại các Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh sẽ thể hiện rõ tính phức tạp, thiếu thống nhất khi HĐND quyết định thành lập lại Văn phòng UBND cấp tỉnh còn Thường trực HĐND lại quyết định thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

Đối với các lo ngại về việc giao HĐND quyết định thành lập Văn phòng sẽ tạo thêm thủ tục, không kịp đáp ứng yêu cầu về thời điểm thành lập và hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND, theo Ủy ban Pháp luật, việc các cơ quan trình HĐND cấp tỉnh quyết định nội dung này hoàn toàn có thể thực hiện sớm ngay từ kỳ họp cuối năm nay của HĐND, còn thời điểm Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh chính thức hoạt động thì có thể chậm hơn phụ thuộc vào điều kiện chuẩn bị, công tác bàn giao về cơ sở vật chất, biên chế của các cơ quan hữu quan.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án giao cho HĐND. Lý lẽ chung là bởi theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì “Thường trực HĐND không có thẩm quyền này”.

Sẽ có 3 phòng “cứng” và một phòng “mềm”

Một nội dung nữa cũng được nhiều ý kiến thảo luận, đó là số lượng các phòng trực thuộc Văn phòng bao nhiêu là hợp lý. Phương án nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội nhận được sự đồng tình của đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND sẽ có 3 phòng: Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH có thể quyết định thành lập thêm một phòng để phụ trách mảng công việc có tính chất tương đối độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

“Lúc đầu chúng tôi cũng dự thảo thành lập 3 phòng thôi”, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhưng sau khi tổ chức Hội nghị toàn quốc, tất cả các ý kiến, từ Văn phòng Đoàn và Chánh văn phòng, đến HĐND, Thường trực HĐND, Phó trưởng đoàn… đều đề nghị phải cho thêm một phòng, vì “chúng tôi còn rất nhiều vị trí đặc thù” (có Văn phòng có Phòng Công nghệ thông tin, có Văn phòng có Phòng Dân nguyện…). Vì vậy, phương án “3 cứng - một mềm” (3 phòng là cơ cấu cứng, và một phòng là cơ cấu “mềm” do địa phương tự chọn tên và nhiệm vụ) sẽ thuận hơn - ý kiến này được đa số địa phương đồng tình.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết đã có báo cáo gửi xin ý kiến của Chính phủ, Chính phủ cũng đồng tình quan điểm này: Đề nghị có 3 phòng “cứng” và một phòng “mềm” để địa phương quyết định. “Địa phương nào không có nhu cầu, chỉ cần 3 phòng thôi thì hoan nghênh, trong Nghị quyết không ghi bắt buộc phải 4 phòng mà cứng có 3 phòng, còn một phòng thì tùy theo điều kiện thực tế, địa phương sẽ quyết định việc có hay không có thêm một phòng”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: “Chúng ta hoàn toàn có thể thành lập 4 phòng thuộc Văn phòng, và riêng phòng thứ tư là phòng “mềm” mà nếu thành lập thì nên đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương, cụ thể là về biên chế. Theo đó, phòng “mềm” này “phải có nhiệm vụ, có tính chất độc lập, và phải có đủ số khối lượng công việc để sắp xếp một lượng biên chế tối thiểu theo quy định của Trung ương”.

Ngay sau quá trình thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng (Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND) theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4.10.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tổng kết và báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, trong đó có nội dung quy định: Chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND (với yêu cầu hoàn thành trước ngày 1.7.2021).

Để cụ thể hóa quy định của Luật, một Hội nghị toàn quốc để lấy ý kiến của Thường trực HĐND và ý kiến của các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH cũng đã được tổ chức. Sau Hội nghị này, mặc dù theo thủ tục rút gọn không yêu cầu phải lấy ý kiến của các tỉnh, thành phố và các ĐBQH, nhưng đại biểu dự Hội nghị cũng thống nhất là đang còn thời gian thì nên lấy ý kiến của các Đoàn ĐBQH, các địa phương, và kết quả đã tập hợp lấy được nhiều ý kiến. Và, văn bản này cũng đã có sự đồng ý của Chính phủ... “Chúng ta làm rất kỹ và rất thận trọng khi ban hành Nghị quyết này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, và “hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về sự cần thiết, hồ sơ đã đầy đủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua…”.

Sau khi được hoàn thiện và ký ban hành, Nghị quyết sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng, kịp thời triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đặc biệt là tạo cơ sở pháp lý cho việc khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc phục vụ Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh ở địa phương trong bối cảnh các địa phương đang hoàn tất quá trình tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, kiện toàn, chuẩn bị nhân sự của các cơ quan thuộc chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới.

Anh Phương