Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Chuẩn bị bài bản để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

- Thứ Bảy, 25/07/2020, 07:00 - Chia sẻ
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1. Theo các chuyên gia, cần lường trước những khó khăn, tiếp tục chuẩn bị bài bản, chu đáo, với sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, để triển khai thành công lần đổi mới này, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Tính toán kỹ hơn cho những bước ngoặt

Tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, sáng 24.7, theo GS. VS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, người tham gia xây dựng Nghị quyết 88: Chúng ta đang chuẩn bị khâu cuối cùng để triển khai Nghị quyết 88 vào năm học mới 2020 - 2021, với lớp 1. Theo dõi quá trình chuẩn bị và những gì đã làm được, như đến nay đã có chương trình tổng thể và chương trình các môn học, 5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt, dư luận không có nhiều phàn nàn như trước.

Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có ý nghĩa quan trọng

Ảnh: Thảo Nguyên 

Đây là lần đầu tiên, ngành giáo dục nước ta có quan niệm bài bản về quy trình biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình, SGK, được thực hiện khoa học, dân chủ, chặt chẽ và hợp lý, huy động được đông đảo thầy cô trực tiếp giảng dạy ở cơ sở tham gia. Nội dung chương trình bám sát mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Rút kinh nghiệm những lần trước, đội ngũ xây dựng chương trình, SGK lần này đã vận dụng sáng tạo các phương thức, phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại, biên soạn và chuẩn bị phù hợp với năng lực của đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp và khả năng học tập của học sinh... Ở lớp 1 về cơ bản chưa có gì thật mới, mang tính chất bước ngoặt, tuy nhiên, cần có sự tính toán kỹ hơn cho việc đổi mới các cấp THCS và THPT, có sự thay đổi nhiều hơn về chương trình, tinh thần dạy học tích hợp và phân hóa rõ ràng hơn...

Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là việc làm ý nghĩa cần thiết, có ý nghĩa quan trọng

Ảnh: ITN 

Với sự thay đổi một chương trình, nhiều SGK, chưa bao giờ người dạy có trong tay nhiều tài liệu giáo dục như vậy, và học sinh cũng được hưởng lợi. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội chia sẻ: “Nhà trường trang bị đủ cho thầy cô 5 bộ SGK để tham khảo và chỉ chọn 1 bộ để cha mẹ học sinh mua cho đồng nhất. Nên việc chọn SGK nhẹ nhàng. Về giáo viên, vốn được đào tạo cơ bản, nên có chương trình và cứ trao SGK là dạy được, do vậy tập huấn cho giáo viên là tập huấn về phương pháp, không phải “cầm tay chỉ việc”. Khó là bắt đầu từ những năm sau, với THCS, THPT, dạy tích hợp, trong khi giáo viên từ trước đến nay chưa được đào tạo theo định hướng tích hợp...

Nhiều chuyên gia cho rằng, với Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, dù đã qua 6 năm chuẩn bị, nhưng chương trình, SGK tốt hay không, triển vọng ra sao phải đợi thực tiễn kiểm nghiệm.

Gỡ vấn đề định biên

TS. Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý: Phải có đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu chủng loại và có năng lực dạy học, giáo dục theo mục tiêu - nội dung và phương pháp của chương trình mới đề ra. Về cơ sở vật chất (trường học, phòng học) dù có điều chỉnh lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (Nghị quyết 51), nhưng thực tế việc chuẩn bị các điều kiện vẫn gấp gáp, khó tránh khỏi tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng” như những lần cải cách giáo dục hay đổi mới chương trình, SGK trước đây. Nguyên nhân chính của những khó khăn trên được chỉ ra là: Mọi khó khăn thuộc phần trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo, nhưng về nguồn gốc sâu xa mọi khó khăn của ngành giáo dục nằm ngoài ngành: “tiền và người đều không trong tay”...

Đổi mới chương trình, SGK là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng

Ảnh: ITN 

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội cho rằng: Chương trình là pháp lệnh, nhưng không chỉ là pháp lệnh cho ngành giáo dục, cho giáo viên mà còn cần sự vào cuộc của các ngành tài chính, xây dựng... để chuẩn bị các điều kiện thực hiện Nghị quyết 88. Học 2 buổi/ngày cần các điều kiện về diện tích đất, kinh phí, con người. Như Hà Nội, bậc tiểu học hiện nay lên tới 60 học sinh/lớp. Hằng năm số học sinh tăng nhanh, thành phố quan tâm xây trường nhưng không kịp, trong khi biên chế giáo viên phải giảm. Thiếu giáo viên, mà không được phép hợp đồng... là mâu thuẫn.

Theo TS. Nguyễn Thầy Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nếu không có đội ngũ giáo viên đủ chất lượng thì không thể thực hiện thành công đổi mới chương trình, SGK. Vì thế, Quốc hội phải giám sát mạnh hơn về vấn đề đội ngũ, mà vấn đề trước mắt là bồi dưỡng giáo viên, gỡ được vấn đề định biên, còn lâu dài là phải giao quyền tự chủ cho nhà trường, tôn vinh nhà giáo và tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực và làm việc. "Nhà trường phải dân chủ và tự chủ, đó là môi trường tốt nhất để phát huy sáng tạo...".

Thông thường, cứ sau chu kỳ 10 - 15 năm, Quốc hội lại phải ra một nghị quyết đổi mới chương trình, SGK. GS. VS. Đào Trọng Thi hy vọng lần này sẽ được làm bài bản để những sửa đổi (nếu có) phải gắn với mục tiêu phát triển mới của đất nước, không phải sửa chữa các khiếm khuyết của Nghị quyết đương thời của Quốc hội.

Box: "Nghị quyết 88 thể hiện một tư duy mở trong chương trình giáo dục phổ thông, nhằm phát huy tính tự chủ của địa phương và nhà trường trong việc tham gia thiết kế chương trình. Điều này cũng đã được phản ánh phần nào trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên, việc trao quyền chủ động cho địa phương còn rất hạn chế so với xu thế chung trên thế giới. Do vậy, trong tiến trình triển khai, đánh giá việc thực hiện chương trình mới, cần xem xét để tăng dần độ mở của chương trình thông qua trao quyền chủ động cho địa phương và nhà trường trong thiết kế nội dung giáo dục địa phương và chương trình nhà trường phù hợp với nhu cầu người học, nhà trường và địa phương".

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thảo Nguyên