Chưa đủ thuyết phục

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 03:54 - Chia sẻ
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ giới thiệu Tổng Công ty Sông Đà tham gia xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo hình thức chỉ định thầu.

Lý do Bộ Xây dựng đưa ra là trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là thủy điện, Tổng công ty đã huy động lượng lao động lớn, đầu tư nhiều thiết bị. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, Tổng công ty gặp nhiều khó khăn, áp lực để duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động và thiết bị đã đầu tư. Bộ Xây dựng nhấn mạnh thêm, việc này còn nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực con người, máy móc thiết bị sẵn có và kinh nghiệm của doanh nghiệp trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.

Có thể thấy, lý do Bộ Xây dựng đưa ra là khó thuyết phục. Bởi thứ nhất, pháp luật đã quy định cụ thể trường hợp nào mới được chỉ định thầu. Trong trường hợp này, không thể chỉ định thầu chỉ bởi những lý do như duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động, thiết bị đã đầu tư hay phát huy hiệu quả nguồn lực con người, máy móc thiết bị sẵn có và kinh nghiệm của doanh nghiệp. Thứ hai, muốn bảo đảm chất lượng công trình và mức đầu tư hợp lý, cần thiết phải tổ chức đấu thầu công khai, qua đó lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực với mức giá cạnh tranh nhất. Vậy nên, không có lý do gì để chỉ định thầu, nhất là khi đã biết rõ doanh nghiệp này đang nợ đầm đìa, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay...

Theo phân tích của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh, phương án chỉ định thầu hoặc đấu thầu để chọn nhà đầu tư đều có ưu, nhược điểm. Về nguyên tắc, đấu thầu công khai sẽ chọn được nhà thầu đủ năng lực, trình độ triển khai tốt nhất yêu cầu của gói thầu. Còn khi chỉ định thầu, cái khó là làm sao chọn được doanh nghiệp đủ năng lực kỹ thuật, tài chính làm dự án. Nhưng dù thế nào thì cả phương án đấu thầu hay chỉ định thầu đều phải xác định được năng lực thi công, khả năng tài chính. Nếu không có năng lực tài chính thì lấy đâu tiền thi công? Doanh nghiệp "khỏe" về mọi mặt sẽ làm tốt hơn. Cạnh tranh chọn nhà thầu vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Ý kiến khác thì cho rằng, chỉ định thầu có thể sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh... Muốn phát triển, muốn xây dựng được công trình chất lượng với giá cạnh tranh chỉ có đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà thầu. Trong trường hợp rất cấp bách, cần triển khai nhanh, có thể phải chỉ định thầu nhưng phải chọn những doanh nghiệp đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính làm dự án. Doanh nghiệp yếu kém, làm ăn thua lỗ mà lại được chỉ định thầu thì không hợp lý...

Dù khi trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh rằng, về công nghệ xây dựng, làm đường ở Việt Nam, không chỉ Tổng Công ty Sông Đà mà còn nhiều đơn vị khác làm được. Nhưng về mặt kinh tế - xã hội, đây là doanh nghiệp có truyền thống nên ủng hộ. Việc Bộ giới thiệu Tổng Công ty Sông Đà tham gia xây dựng cao tốc Bắc - Nam với hình thức chỉ định thầu cũng chỉ là một trong những phương thức thầu và phải kèm theo nhiều điều kiện khác. Rằng nếu chỉ định thầu sẽ giải quyết được cho Tổng Công ty Sông Đà trong bối cảnh khó khăn hiện nay - nhưng rõ ràng từng đó lý do chưa đủ để thuyết phục.

Khánh Ninh