Phòng, chống dịch Covid-19

Chưa có chỉ định tiêm vaccine BCG

- Thứ Tư, 29/04/2020, 07:22 - Chia sẻ
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc nghiên cứu để tìm ra vaccine phòng đại dịch này là mục tiêu chung của các quốc gia. Một số nghiên cứu quan sát cho thấy, những nước có chính sách sử dụng vaccine phòng lao (BCG) phổ cập dường như ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, cho tới giờ, vẫn chưa có bằng chứng nào khẳng định vaccine BCG có thể phòng Covid-19 và đây vẫn là vấn đề nóng đang được nghiên cứu, tìm hiểu.
Mới chỉ nghiên cứu, thử nghiệm

Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại Việt Nam, vaccine BCG được sử dụng từ hơn 30 năm nay và là một trong những vaccine cơ bản dành cho trẻ nhỏ, được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh. 
Theo TS. Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) hiện nay, có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng vaccine BCG trong việc tăng cường miễn dịch, chống lại virus SARS-CoV-2, đang được triển khai tại Australia và Đức với đối tượng nghiên cứu là các cán bộ y tế làm việc ở bệnh viện có nguy cơ cao bị nhiễm virus. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế đã có công văn giao Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp nghiên cứu, đánh giá mối liên hệ giữa vaccine BCG và bệnh do virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19.

Theo TS. Nguyễn Ngô Quang, trước mắt, hai đơn vị được giao triển khai sẽ đề xuất hướng nghiên cứu và phương án triển khai ứng dụng vaccine BCG trong phòng, chống dịch Covid-19, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, quyết định. Hiện các đơn vị liên quan mới đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, xây dựng đề cương nghiên cứu.

Chia sẻ về nhiệm vụ này, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, với chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thảo luận, đề xuất với Bộ hai hướng nghiên cứu. Thứ nhất, Việt Nam tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phối hợp với Pháp và Campuchia đánh giá xem BCG có tác dụng phòng bệnh Covid-19 cho người có nguy cơ cao là cán bộ y tế hay không. Với hướng nghiên cứu này, dự kiến Việt Nam có thể thu nhận 800 mẫu, Campuchia thu nhận 400 mẫu, Pháp là 1.000 mẫu. Hiện, Bệnh viện cũng đã có báo cáo với Bộ Y tế về ý tưởng có thể cộng tác thử nghiệm lâm sàng quốc tế. Đối với nghiên cứu hợp tác đa trung tâm, đa quốc gia dự kiến sẽ theo dõi trong 9 tháng từ khi bắt đầu tiêm BCG và đánh giá sau 3, 6 và 9 tháng. Trong thời gian đó nhân viên y tế làm việc bình thường.

Bên cạnh đó, ở hướng nghiên cứu thứ hai, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung cho rằng, có thể làm ngay là nghiên cứu khảo sát trên những ca mắc tại Việt Nam. Đối với hướng nghiên cứu này sẽ không tốn kém, bởi dựa trên các ca mắc Covid-19, có thể khảo sát được mối liên quan giữa vaccine lao BCG với các ca bệnh; đồng thời, khảo sát với những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 nhưng lại không nhiễm virus SARS-CoV-2. Mối liên quan ấy được thể hiện xem người mắc bệnh nặng hay nhẹ và trường hợp nặng có phải do không tiêm BCG không. Đây là một trong những khảo sát có thể làm nhanh và cho kết quả ban đầu trước khi làm thử nghiệm lâm sàng lớn hơn. 

Tiêm phòng lao cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh

Người dân không tự ý sử dụng

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, với những nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng (thực hiện trên người tình nguyện), Bộ Y tế yêu cầu đơn vị nghiên cứu cần xây dựng đề cương và chỉ được triển khai sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trước khi được phê duyệt và triển khai, tất cả nghiên cứu y sinh học liên quan đến con người đều phải được Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế xem xét, nhận xét, hướng dẫn và chấp thuận về đạo đức và khoa học. Trong quá trình triển khai, Hội đồng sẽ theo dõi, giám sát việc tuân thủ đề cương và các quy định về đạo đức trong nghiên cứu; đánh giá việc ghi nhận, báo cáo, xử lý các biến cố bất lợi xảy ra trong quá trình nghiên cứu.

Khẳng định cho đến bây giờ, chưa có bằng chứng nào nói vaccine BCG có thể phòng Covid-19 và đây là vấn đề nóng đang được nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết, người dân có thể gặp tác dụng phụ đáng tiếc nếu tự ý sử dụng vaccine lao để phòng Covid-19.

Bởi vaccine BCG là miễn dịch phòng, chống lao, chủ yếu phòng bệnh lao lan tràn, hạn chế mắc các thể lao nặng như lao màng não, lao kê… BCG không có khả năng ngăn chặn nhiễm lao. Vaccine này được tiêm cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, không có chỉ định tiêm cho người lớn. Thực tế cho thấy, có những ca tiêm vaccine BCG ở người lớn và có tác dụng phụ. Do vậy, người dân không nên quá nôn nóng mà cần chờ các nhà khoa học thêm một thời gian nữa, khi kết quả nghiên cứu đã được tiến hành làm sáng tỏ.

Mặt khác, hiện các nhà nghiên cứu cũng chưa hiểu nhiều về cách cơ thể phản ứng với Covid-19, đặc biệt, có thể xảy ra hiện tượng bão Cytokine (chất trung gian tế bào khi sản sinh ra tiêu diệt tác nhân xâm nhập vào cơ thể), tức nếu tế bào này sản sinh vừa phải thì sẽ tiêu diệt kháng nguyên gây bệnh, nhưng nhiều quá sẽ tiêu diệt cả tế bào lành khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Điều này có thể giải thích cho trường hợp bệnh nhân 91 là phi công người Anh khỏe mạnh nhưng diễn biến bệnh rất nặng, có thể do bão Cytokine. 

Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo, đối với Covid-19, không có bằng chứng gì nói rằng BCG có thể tác động tốt hơn hay xấu hơn. Tổ chức này cũng bày tỏ sự lo ngại thiếu vaccine BCG để tiêm phòng lao cho trẻ em nếu các nước tùy tiện sử dụng.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế, gồm đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, thực hiện giãn cách xã hội... tránh dịch bùng phát, lây lan trong cộng đồng. 

Cao Linh