Đại hội đồng lần thứ 41, Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41):

Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp toàn thể thứ hai

- Thứ Năm, 10/09/2020, 11:11 - Chia sẻ
Sáng nay, 10.9, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì Phiên họp toàn thể thứ hai.

Cùng dự Phiên họp từ điểm cầu Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội...

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu và chủ trì Phiên họp toàn thể thứ hai

Tham dự Đại hội đồng AIPA 41 tại các điểm cầu có: Trưởng đoàn đại biểu nghị viện các nước thành viên AIPA; Lãnh đạo nghị viện các nước quan sát viên AIPA; Tổng Thư ký AIPA và Ban Thư ký AIPA...  

Tại Phiên họp, các đại biểu đã nghe: Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Chủ trì Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA) Nguyễn Thúy Anh báo cáo các kết quả chính của WAIPA; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, Chủ trì Phiên họp Ủy ban Chính trị Bùi Thanh Sơn báo cáo kết quả phiên họp của Ủy ban Chính trị; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ trì phiên họp của Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo kết quả phiên họp Ủy ban Kinh tế; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Chủ trì phiên họp của Ủy ban Xã hội Phan Thanh Bình báo cáo kết quả phiên họp Ủy ban Xã hội; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ trì phiên họp Ủy ban Tổ chức Vũ Hải Hà báo cáo kết quả phiên họp Ủy ban Tổ chức; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ trì Hội nghị không chính thức Hội nghị Nghị sỹ trẻ Lê Quốc Phong báo cáo về kết quả Hội nghị Nghị sỹ trẻ.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng tại Phiên họp

Rà soát khung pháp lý quốc gia về việc làm, thu nhập, bảo đảm khả năng thích ứng với vấn đề giới

Cụ thể, về kết quả của WAIPA, Hội nghị đạt được sự nhất trí cao và đã thông qua Nghị quyết về “Vai trò của nữ nghị sĩ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ”. WAIPA kêu gọi các Nghị viện thành viên AIPA và các Quốc gia thành viên ASEAN tiến hành rà soát khung pháp lý quốc gia về việc làm và thu nhập, và bảo đảm khả năng thích ứng với vấn đề giới cũng như đề xuất và thông qua quan điểm chung của ASEAN đối với Mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới; nâng cao năng lực, sự tham gia và các khung khổ giám sát liên quan đến việc làm bền vững và thu nhập của lao động nữ.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo kết quả chính của Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA

WAIPA cũng đề nghị các Nghị viện thành viên AIPA quan tâm hơn đến việc phân bổ nguồn lực cho các chính sách, chương trình để giải quyết các vấn đề mới nổi nhằm thúc đẩy việc làm, tăng thu nhập như: phát triển kỹ năng kinh doanh và lãnh đạo số cho phụ nữ, kiện toàn các dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái trong và sau khủng hoảng đại dịch Covid-19; bảo đảm rằng, bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi và cần thiết trong mọi nỗ lực tái tạo việc làm sau đại dịch. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của WAIPA trong việc trao quyền cho phụ nữ; thừa nhận trách nhiệm quan trọng, cộng đồng của các Nghị viện thành viên AIPA; nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới; kêu gọi các nữ nghị sĩ ASEAN, trong quan hệ đối tác với các nam nghị sĩ, tiếp tục phát huy vai trò của mình trong hoạt động lập pháp để đảm bảo quyền phụ nữ trong việc tiếp cận công bằng đối với việc làm bền vững và thu nhập.

WAIPA cũng kêu gọi các Nghị viện thành viên AIPA phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của ASEAN để tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy việc làm bền vững và tăng thu nhập cho lao động nữ; tăng cường an sinh xã hội, bao gồm cả tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề, dành cho phụ nữ và trẻ em gái.         

Tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Về kết quả phiên họp Ủy ban Chính trị, Ủy ban đã xem xét và thông qua 6 Báo cáo gồm: Báo cáo của cuộc họp lần thứ 9, lần thứ 10, và lần thứ 11 Nhóm Tư vấn AIPA (AIPA Caucus); Nghị quyết về thông qua Báo cáo Đối thoại Lãnh đạo ASEAN-AIPA tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30, lần thứ 34 và lần thứ 36.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Bùi Thanh Sơn ​​​​​​báo cáo kết quả phiên họp của Ủy ban Chính trị

Phiên họp đã trao đổi sâu rộng về chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì hoà bình, an ninh bền vững và thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN”. Các Nghị viện thành viên AIPA nhất trí nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ngoại giao Nghị viện trong thúc đẩy hợp tác khu vực, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao năng lực khu vực ứng phó với các thách thức về chính trị, an ninh trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường, với nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Ủy ban Chính trị khẳng định cam kết mạnh mẽ của kênh lập pháp ủng hộ những nỗ lực chung của kênh hành pháp ASEAN thúc đẩy một “ASEAN gắn kết và Chủ động thích ứng”, cũng như xây dựng một Cộng đồng hòa bình, ổn định, vì người dân, hướng tới người dân, tự cường và dựa trên luật lệ.

Các Nghị viện thành viên AIPA tham dự cuộc họp nhấn mạnh tầm quan trọng của xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong quan hệ giữa quốc gia, thúc đẩy hợp tác đa phương, xây dựng một trật tự khu vực và thế giới dựa trên luật lệ, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và dựa trên luật lệ.

Ủy ban Chính trị tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nguyên tắc thượng tôn pháp luật, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm hoàn thiện bộ Quy tắc Ứng xử của các bên  ở Biển Đông (COC) hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982.

Ủy ban Chính trị nhất trí đẩy mạnh nỗ lực hợp tác chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có nỗ lực khắc phục tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 đối với đời sống xã hội của các quốc gia, thúc đẩy phục hồi bền vững, toàn diện ở khu vực.

Tại cuộc họp, Ủy ban Chính trị đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết với chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì hoà bình, an ninh bền vững của ASEAN”. Đây là Nghị quyết tổng hợp nội dung của các Nghị quyết đề xuất của Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cũng như các gợi ý, đóng góp của tất cả các Nghị viện thành viên AIPA. Mặc dù đạt được thống nhất về hầu hết các nội dung trong dự thảo Nghị quyết, do còn quan điểm khác biệt giữa hai Nghị viện thành viên về 2 đoạn số 9 và 10, cuộc họp đã không đạt được đồng thuận về toàn bộ dự thảo Nghị quyết. 

Khẳng định tầm quan trọng của Nghị viện trong giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19

Về kết quả phiên họp Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Kinh tế đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid – 19”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo kết quả phiên họp Ủy ban Kinh tế

Ủy ban Kinh tế bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tổn thất to lớn do đại dịch Covid – 19 gây ra cho nền kinh tế các nước ASEAN. Ủy ban khẳng định tầm quan trọng của liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phục hồi toàn diện của các nước thành viên ASEAN và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nghị viện trong giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19.

Ủy ban quyết nghị ủng hộ việc triển khai các sáng kiến của ASEAN nhằm chủ động và kịp thời ứng phó, đồng thời phối hợp khu vực để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo đảm sự ổn định tài chính, kinh tế vĩ mô và từng bước khôi phục hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Ủy ban kêu gọi các nước thành viên ASEAN duy trì các biện pháp phòng ngừa ứng phó với đại dịch Covid - 19, ban hành những chính sách về giáo dục, việc làm và cải thiện hệ thống y tế công, đồng thời, thực hiện các biện pháp chính sách phù hợp nhằm giảm tác động về mặt kinh tế của đại dịch Covid – 19 đến các ngành, nghề chịu tác động mạnh nhất trong ASEAN, bao gồm ngành vận chuyển, du lịch, bán lẻ, sản xuất và ngành dịch vụ khác. Ủy ban hoan nghênh việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó đại dịch Covid – 19 như một công cụ để đáp ứng các nhu cầu cấp bách và mục tiêu dài hạn của các nước thành viên ASEAN phát sinh từ đại dịch.

Ghi nhận công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong tăng cường liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự sẵn sàng của ASEAN để ứng phó với các thách thức từ đại dịch Covid - 19, Ủy ban quyết nghị thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an ninh và bảo mật số, kiến thức và kỹ năng số giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số; tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong đại dịch Covid - 19.

Ủy ban khuyến nghị các Nghị viện thành viên AIPA tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và các chuỗi cung ứng không gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; nghiên cứu các khuôn khổ lập pháp mới và thiết yếu để thể chế hóa các cơ chế chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19 và các đại dịch trong tương lai; tăng cường việc triển khai kinh tế tuần hoàn và sử dụng năng lượng tái tạo vì sự phát triển bền vững.

Ủy ban hoan nghênh và khuyến khích những nỗ lực từ phía các khuôn khổ hợp tác vùng, bao gồm khu vực Mê Công, thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong Cộng đồng ASEAN bằng cách gắn tăng trưởng tiểu vùng với sự phát triển toàn diện của ASEAN; khuyến khích sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan theo từng ngành trong ASEAN và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng nhằm đạt được mục tiêu chung là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN.

Thiết lập cơ chế thảo luận thường niên về hợp tác nghị viện vì sự phát triển bền vững

Về kết quả Ủy ban Xã hội, Ủy ban Xã hội đã thảo luận và thông qua 3 Nghị quyết sau. Nghị quyết thông qua Báo cáo Hội nghị Hội đồng AIPA về hiểm họa ma túy lần thứ ba (AIPA CODD 3) kèm theo Nghị quyết về Biến lời nói thành hành động hướng tới một Cộng đồng ASEAN không có ma túy, thể hiện mối quan tâm và sự nỗ lực hành động chung của các Nghị viện thành viên AIPA trong xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng trong phòng, chống ma túy vì sự phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh cho mọi người. Nghị quyết thông qua Báo cáo kèm theo Nghị quyết Hội nghị về Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục và văn hóa vì sự phát triển bền vững, nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục và văn hóa đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc nói riêng cũng như trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc nói chung. Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm về phát triển văn hóa, giáo dục cũng như các giải pháp khắc phục và thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid - 19, tán thành việc thiết lập cơ chế thảo luận thường niên về thúc đẩy hợp tác nghị viện trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và hợp tác văn hóa, giáo dục nói riêng trong Cộng đồng ASEAN.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình báo cáo kết quả phiên họp Ủy ban Xã hội

Nghị quyết về nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch Covid 19. Với việc bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động chưa từng thấy của đại dịch Covid đến toàn thế giới nói chung và cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng, Ủy ban khẳng định vai trò quan trọng của các nghị viện thành viên ASEAN trong hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch Covid - 19 nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa, xã hội và mục tiêu Tầm nhìn 2025 về xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm. Ủy ban kêu gọi các nước thành viên ASEAN tiếp tục hành động và tăng cường hợp tác giảm thiểu các tác động của thiên tai và đại dịch đối với người dân các nước ASEAN.

Thông qua 15 Nghị quyết tại Ủy ban Tổ chức

Về kết quả của Ủy ban Tổ chức, Ủy ban đã thông qua 15 nghị quyết gồm: Nghị quyết về Báo cáo tài chính của Ban Thư ký AIPA năm tài chính 2019-2020. Nghị quyết về dự toán ngân sách cho Ban Thư ký AIPA, quỹ đặc biệt và dự toán ngân sách bổ sung 2020-2021; Nghị quyết về Báo cáo hoạt động của Ban Thư ký năm tài chính 2019-2020; Nghị quyết về công nhận Nghị viện Norway là Quan sát viên của AIPA; Nghị quyết về công nhận Hạ viện Morocco là Quan sát viên của AIPA; Nghị quyết về sự tham gia của Nghị sĩ trẻ AIPA vào xây dựng cộng đồng ASEAN; Nghị quyết về di dời trụ sở Ban Thư ký AIPA; Nghị quyết về gia hạn hợp tác giữa Freeland và Ban Thư ký AIPA; Nghị quyết về gia hạn hợp tác giữa AIPA và ERIA; Nghị quyết về thiết lập chương trình hợp tác chung giữa AIPA và ICCF; Nghị quyết về Trao tặng Giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA cho Bà Pany Yathotou, Chủ tịch Quốc hội Lào; Nghị quyết về Trao tặng Giải thưởng cống hiến xuất sắc AIPA cho Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước CHXHCNViệt Nam; Nghị quyết về cảm ơn sự hỗ trợ của Hạ viện Indonesia đối với Ban Thư ký AIPA;  Nghị quyết về Đánh giá cao sự đóng góp của Bà Nguyễn Thị Kim Ngân với vai trò là Chủ tịch AIPA 2020; Nghị quyết về Thời gian và Địa điểm của Đại hội đồng AIPA lần thứ 42.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà báo cáo kết quả phiên họp Ủy ban Tổ chức

Đối với dự thảo Nghị quyết về “Quy trình Thủ tục đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA” , Ủy ban chưa thông qua nghị quyết này và yêu cầu Ban Thư ký AIPA tuân thủ đúng quy trình thủ tục trình Đại hội đồng tiếp theo xem xét thông qua. Ủy ban nhất trí chưa thông qua dự thảo Nghị quyết về “Hướng dẫn và Quy trình Đối thoại AIPA-ASEAN” và đề nghị Ban Thư ký AIPA trao đổi với Ban Thư ký ASEAN hoàn thành thủ tục nội bộ để tiến hành hoạt động này tại kỳ họp Đại hội đồng tiếp theo.

Ủy ban hoan nghênh sáng kiến về “Đổi mới Ban Thư ký AIPA”, tuy nhiên nhất trí để lại xem xét vào thời gian phù hợp khi điều kiện cho phép. Ủy ban đề nghị Tổng Thư ký AIPA đề xuất thành lập Nhóm công tác nghiên cứu toàn diện cho việc đổi mới này.

Dấu ấn lịch sử hình thành cơ chế dành cho các nghị sỹ trẻ

Về kết quả Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA, Hội nghị đánh giá cao sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA, cho rằng Hội nghị là dấu ấn lịch sử quan trọng trong việc hình thành cơ chế gặp gỡ, thảo luận dành cho các nghị sĩ trẻ AIPA. Các đại biểu dự Hội nghị đều khẳng định mạnh mẽ vai trò và sự đóng góp quan trọng của thanh niên nói chung và nghị sĩ trẻ nói riêng trong việc tham gia vào quá trình hoạch định chính sách phát triển quốc gia thông qua tư duy táo bạo và đổi mới. Hội nghị nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình hiện nay, với sự phát triển của cách mạng 4.0, tác động của dịch bệnh Covid-19, sự tham gia của thanh niên, các nghị sĩ trẻ vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thành viên ASEAN, các hoạt động của các nghị viện thành viên AIPA và các hoạt động của AIPA nói chung là rất cần thiết, cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Hội nghị thống nhất tăng cường hợp tác giữa nghị sĩ trẻ AIPA và Diễn đàn Thanh niên ASEAN trong thực hiện Chương trình hành động thanh niên ASEAN giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong báo cáo về kết quả Hội nghị Nghị sỹ trẻ

Hội nghị biểu thị sự đồng thuận cao về các nội dung của dự thảo Nghị quyết về “Sự tham gia của nghị sĩ trẻ AIPA vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”. Theo đó, Hội nghị ủng hộ và hoan nghênh sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về việc thành lập Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA được tổ chức trong khuôn khổ các kỳ Đại hội đồng AIPA; nhất trí việc thành lập một Ủy ban đặc biệt gồm Ban Thư ký quốc gia các nghị viện thành viên AIPA phối hợp với Ban Thư ký AIPA soạn thảo Quy trình thủ tục của Hội nghị để xem xét thông qua trong kỳ Đại hội đồng AIPA tiếp theo. Nghị quyết  này sẽ được xem xét thông qua tại Phiên họp toàn thể thứ hai của Đại hội đồng AIPA 41.

Thông qua Thông cáo chung Đại hội đồng AIPA 41 bằng hình thức ký điện tử

Báo cáo kết quả các phiên họp đã được Phiên họp toàn thể thông qua. Tiếp đó, Lãnh đạo Nghị viện các nước thành viên AIPA đã ký thông qua Thông cáo chung Đại hội đồng AIPA 41 bằng hình thức ký điện tử.

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ hai, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trân trọng cảm ơn và đánh giá cao “sự điều hành tuyệt vời”,  “tài tình” của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân và công tác tổ chức hết sức chu đáo của Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là sự chuẩn bị về mặt nội dung, kỹ thuật đường truyền, bảo đảm thành công của Đại hội đồng AIPA – 41 vượt qua những thách thức của đại dịch Covid – 19.

Các Trưởng đoàn khẳng định, Đại hội đồng AIPA 41 là cơ hội rất tuyệt vời để Nghị viện các nước thành viên AIPA thảo luận về các vấn đề đang đặt ra trong khu vực và vai trò của nghị viện, những vấn đề mà nghị viện, nghị sỹ các nước cần đoàn kết và nỗ lực thúc đẩy. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất và sự điều hành tuyệt vời, Quốc hội Việt Nam đã thu thập được tất cả các ý kiến và soạn thảo các nội dung để đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên AIPA.

Trưởng đoàn Malaysia khẳng định, Đại hội đồng rất ý nghĩa, các vấn đề đã được giải quyết với tinh thần đoàn kết và thiện chí. “Chúng tôi đồng thuận với các nội dung báo cáo và dự thảo Thông cáo chung. Hy vọng khi dịch bệnh có tiến triển tốt hơn, chúng ta có thể sớm gặp lại nhau một cách trực tiếp”, Trưởng đoàn Malaysia nói.

Trưởng đoàn Myanmar, Philippines bày tỏ cảm kích đối với Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân vì trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, các nghị viện thành viên của AIPA vẫn tiếp tục tiến lên và có các cuộc đối thoại trực tuyến thành công như Đại hội đồng lần này. “Philippines đồng thuận với tất cả các nội dung trong dự thảo Thông cáo chung; gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch và Quốc hội Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò chủ nhà Đại hội đồng AIPA 41”. Trưởng đoàn Singapore mong sớm có dịp trở lại Việt Nam; cảm ơn Việt Nam đã làm việc rất tích cực để tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41. Trưởng đoàn Thái Lan tin rằng, Đại hội đồng đã được những kết quả rất thành công.

Trưởng đoàn Việt Nam chúc mừng và tự hào về kết quả điều hành của Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân; đồng thuận với tất cả các nội dung trong dự thảo Thông cáo chung; đồng thời, trân trọng cảm ơn các đại biểu, các nghị viện thành viên đã cùng nỗ lực đóng góp cho thành công của Đại hội đồng.

Phạm Thúy