Trước thềm Đại hội Thi đua yêu nước Văn phòng Quốc hội lần thứ IV (2020 - 2025)

Chủ động, sáng tạo, tham mưu tốt, phục vụ chu đáo

- Thứ Hai, 21/09/2020, 06:08 - Chia sẻ
Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc, 5 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị của Văn phòng Quốc hội đã nỗ lực, cố gắng, rèn luyện, thi đua, nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công việc, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ của Văn phòng Quốc hội với các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Trước thềm Đại hội Thi đua yêu nước Văn phòng Quốc hội lần thứ IV (2020 - 2025), phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã ghi lại ý kiến chia sẻ của một số tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào này.

Phó Giám đốc Trung tâm Tin học Phạm Lê Hằng:
Bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, an toàn - an ninh thông tin

Là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, có chức năng nghiên cứu, tham mưu, quản lý và tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (VPQH), Trung tâm Tin học đã triển khai thực hiện nhiều công việc, đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Ảnh: Hoàng Ngọc

Nổi bật là, từ Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2019), với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo VPQH, Trung tâm Tin học đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC đưa phần mềm cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội (ĐBQH) qua thiết bị di động và một số phần mềm ứng dụng khác như ứng dụng tương tác nội bộ, Netview (điểm tin báo chí nhanh). Ngoài ra, để phục vụ công tác gỡ băng ghi âm các kỳ họp Quốc hội, Trung tâm còn đưa phần mềm nhận dạng tiếng nói chuyển thành văn bản vào sử dụng thử nghiệm từ Kỳ họp thứ Bảy.

Trung tâm đang phối hợp với Công ty AIC để xây dựng các phần mềm ứng dụng cho Trung tâm điều hành Quốc hội điện tử được đặt tại Nhà Quốc hội. Các ứng dụng này sẽ phục vụ lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, VPQH trong công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi, nắm bắt thông tin về hoạt động lập pháp, giám sát, và giúp cho việc đưa ra những vấn đề quan trọng của đất nước để xin ý kiến Quốc hội được chính xác, nhanh chóng.

Đặc biệt lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2020), với sự đóng góp của Trung tâm và các cơ quan liên quan, Quốc hội đã tổ chức thành công 18 phiên họp trực tuyến cho đợt 1 của kỳ họp, với điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng và 63 điểm cầu tại Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Gần đây nhất, từ ngày 8 - 10.9 vừa qua, Quốc hội Việt Nam với vai trò là Chủ tịch AIPA 41, đã tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 41 theo hình thức họp trực tuyến. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử AIPA, Đại hội đồng tổ chức họp với hình thức trực tuyến. Để góp phần vào thành công chung, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo VPQH, Trung tâm Tin học đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm tốt về hạ tầng kỹ thuật đường truyền, an toàn, an ninh thông tin cho kỳ họp Đại hội đồng.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Trung tâm Tin học rất mong lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo VPQH tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ để tiến tới xây dựng thành công Quốc hội điện tử phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập với thế giới.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thị Mai:
Nỗ lực học hỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Ảnh: Trung Thành

Với nhiều năm làm công tác văn phòng và “chung tình” với mảng hoạt động tham mưu, phục vụ các ĐBQH, tôi thường xuyên học tập để tự nâng cao trình độ, năng lực của bản thân; cùng trăn trở để hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người "lính văn phòng".

Nhiệm vụ tham mưu là mảng công tác tương đối đặc biệt đối với tôi. Bởi công việc này không chỉ đòi hỏi kỹ năng tổng hợp, phân tích mà còn đòi hỏi kỹ năng nhìn nhận, phát hiện để tìm ra những vấn đề nổi cộm, bất cập trong cuộc sống, từ đó tập hợp thành kiến nghị, hỗ trợ đại biểu luật hóa vào các văn bản. Có những sự việc cử tri phản ánh chỉ là hiện tượng, nhưng nếu phổ biến, văn phòng phải giúp cho đại biểu, lãnh đạo Đoàn tổng hợp, phân tích để nhìn ra bản chất vấn đề. Có như thế hoạt động của ĐBQH mới đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của cử tri... Quá trình này đòi hỏi tôi phải luôn tìm tòi, học hỏi để kịp thời nắm bắt thông tin trên mọi lĩnh vực - có những lĩnh vực hoàn toàn mới nhưng khi đại biểu cần, mình vẫn phải hỗ trợ đại biểu sàng lọc, thẩm định thông tin được cung cấp.

Đối với mảng công việc phục vụ, để làm tốt, "tròn vai" phần việc của mình, tôi đã rèn cho mình thói quen quan sát và học hỏi, linh hoạt theo từng hoàn cảnh. Mọi người thường hay nói, công việc của Văn phòng là “làm dâu trăm họ”. Tôi thấy điều đó cũng đúng vì để có thể duy trì được sự thuận lợi, tạo điều kiện hoạt động tốt nhất cho các ĐBQH, chúng tôi phải có sự hiểu biết về tâm lý nhất định, phải biết sắp xếp, bố trí sao cho khoa học để phù hợp điều kiện, thời gian của tất cả đại biểu trong Đoàn...

Được vinh dự là một trong những gương mặt tiêu biểu của VPQH, với niềm vinh dự, tự hào, tôi xác định tiếp tục nỗ lực học hỏi để đáp ứng được yêu cầu công tác, luôn tìm tòi nghiên cứu để không phụ lòng tin tưởng, giao phó của lãnh đạo các cấp và anh, chị, em đồng nghiệp.

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Chế Quốc Tuấn:
Nhiều sáng kiến thiết thực

Được chọn là một trong những gương điển hình tiên tiến tại Đại hội Thi đua yêu nước lần này là niềm vinh dự, tự hào đối với cá nhân tôi và tập thể Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận. Đây là sự ghi nhận của VPQH đối với quá trình nỗ lực phấn đấu của bản thân và tập thể; vừa là niềm động viên, khích lệ để tôi cùng công chức, viên chức trong Văn phòng Đoàn tiếp tục phấn đấu, rèn luyện với phương châm “đoàn kết, sáng tạo, tham mưu tốt, phục vụ chu đáo nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị”.

Với tâm niệm tất cả vì sự nghiệp dân cử, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ, giúp việc của cá nhân và Văn phòng Đoàn, trong 5 năm qua, tôi đã chủ động đề xuất những sáng kiến thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác, được cấp có thẩm quyền công nhận.

Cùng với việc tăng cường hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH thì việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho các ĐBQH trong Đoàn là nhiệm vụ cấp thiết. Xuất phát từ quan điểm này, năm 2016, tôi có sáng kiến cấp cơ sở về “Giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và ĐBQH đơn vị tỉnh Ninh Thuận”, phân công mỗi công chức trong Văn phòng định kỳ hàng tháng, hàng quý liên hệ với từng ĐBQH trong Đoàn để tham mưu, đề xuất nội dung giám sát phù hợp với thời gian và lĩnh vực công tác của từng ĐBQH; đồng thời, chủ động đi cơ sở nắm bắt tình hình kinh tế, xã hội và việc thực thi chính sách, pháp luật nhằm tham mưu, đề xuất các ĐBQH tổ chức giám sát tinh gọn, hiệu quả nhất. Từ việc thực hiện sáng kiến nêu trên, hoạt động giám sát của các ĐBQH trong Đoàn ngày càng hiệu quả.

Trong các năm 2017, 2018, tôi đã xây dựng các sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ ĐBQH, Đoàn ĐBQH trong hoạt động tiếp xúc cử tri, trong đó có sáng kiến cấp cơ sở về “Nhật ký tiếp xúc cử tri”, giúp lãnh đạo Văn phòng và công chức trực tiếp tham mưu nắm bắt toàn diện, chính xác, tiết kiệm thời gian, công sức.

Năm 2019, tôi có sáng kiến cấp cơ sở về “Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc tham mưu Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận giám sát vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phức tạp, kéo dài”. Theo sáng kiến này, qua quá trình nghiên cứu đơn thư hoặc qua phản ánh của công dân, Văn phòng chủ động phân công công chức phụ trách lĩnh vực tiếp công dân đến trực tiếp địa phương nơi phát sinh khiếu nại, tố cáo để nắm bắt thông tin, khảo sát tình hình, nội dung cụ thể mà công dân khiếu nại, tố cáo để có cơ sở tham mưu Đoàn ĐBQH, ĐBQH xử lý, giám sát đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Quá trình thực hiện cho thấy nội dung sáng kiến đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng tham mưu Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong xử lý, giám sát việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Đoàn ĐBQH và các ĐBQH trong Đoàn.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Cao Văn Thắng:
Định lượng tiêu chí, nâng cao chất lượng phong trào thi đua

Được chọn là một trong những gương điển hình tiên tiến lần này, tôi nhận thấy, bên cạnh nỗ lực của cá nhân, các kết quả đạt được thời gian qua là kết quả triển khai phong trào thi đua yêu nước tại Văn phòng Đoàn. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện, phát động hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên của Hội đồng Thi đua VPQH, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ nỗ lực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Văn phòng xây dựng kế hoạch, phát động các đợt thi đua dài ngày, ngắn ngày gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước, của địa phương và sát với nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan.

Để đưa hoạt động thi đua đi vào nền nếp, Văn phòng Đoàn đã xây dựng, ban hành bộ tiêu chí chấm điểm, đánh giá, xếp loại thi đua. Các mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu thi đua, biện pháp thực hiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng đều được cụ thể hóa, công khai trong chấm điểm, bình xét thi đua theo nguyên tắc thành tích đến đâu bình bầu và xét khen thưởng đến đó. Đồng thời, chú trọng, quan tâm hoạt động xét, công nhận sáng kiến, tạo nền tảng quan trọng trong việc phát hiện, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.

Nhờ có sự duy trì nền nếp, triển khai các phong trào thi đua phù hợp với cơ quan, cho nên các phong trào thi đua của Văn phòng Đoàn được triển khai thực hiện hiệu quả. Thông qua các phong trào thi đua, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Đoàn đã trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn cả về tư tưởng và chuyên môn nghiệp vụ để tiếp nối, phát huy truyền thống, nỗ lực làm tốt công tác tham mưu, phục vụ, đạt được nhiều thành tích quan trọng. Có thể kể đến một số sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao là tham mưu tổ chức nhiều cuộc tham vấn ý kiến nhân dân, đi thực tế tìm hiểu, xác minh làm rõ thông tin và những vấn đề quan tâm trước khi tổ chức giám sát, khảo sát... Qua đó, giúp cho Đoàn ĐBQH tỉnh có thông tin sát với thực tiễn để đưa ra các kết luận chất lượng, hiệu quả.

Văn phòng cũng có đề xuất với lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất với HĐND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân chung và thực hiện quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo một đầu mối góp phần quan trọng để việc xử lý đơn thư khiếu nai, tố cáo bảo đảm kịp thời, chính xác, hiệu quả; tránh chồng chéo, luân chuyển lòng vòng và giảm thời gian, chi phí đi lại cho công dân. Từ đó, góp phần giải quyết dứt điểm những khiếu kiện phức tạp kéo dài nhằm ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Trần Văn Đạt:
Cụ thể hóa nội dung thi đua thành các tiêu chí phù hợp 

Hưởng ứng Lời phát động thi đua yêu nước, hàng năm, Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ đã quán triệt, cụ thể hóa nội dung do VPQH, Cụm thi đua Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh miền Tây phát động thành các tiêu chí phù hợp với điều kiện công tác; đề ra các giải pháp để tập thể và cá nhân thực hiện, gắn với nhiệm vụ chính trị.

Trong đó, chú trọng các giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương, kịp thời lắng nghe, phản ánh, kiến nghị đến Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc từ thực tiễn, xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật có liên quan…

Nội dung công tác thi đua của đơn vị luôn bám sát chủ đề hàng năm do VPQH phát động, gắn với đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và văn hóa công vụ, văn hóa công sở theo quy định, hướng dẫn của VPQH; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương; công tác bình xét, đề xuất khen thưởng hàng năm bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đúng người, đúng tiêu chuẩn, thành tích, quy trình theo quy định.

Tuy nhiên, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị đôi lúc còn hạn chế, chưa thật sự tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các đơn vị thuộc VPQH.

Năm 2021, thực hiện quy định của Luật và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được thành lập. Tuy nhiên, công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các ĐBQH và Đoàn ĐBQH không chỉ có những hoạt động tại địa phương mà còn có các hoạt động đặc thù, như tham dự các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội... ngoài phạm vi địa phương, và ít nhiều có ảnh hưởng đến công tác thi đua, khen thưởng của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Do đó, tôi kiến nghị VPQH quan tâm hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn, nhất là vào các đợt cao điểm thi đua mang tính đặc thù, chào mừng các sự kiện quan trọng của Quốc hội; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức trực tiếp tham mưu, phục vụ hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới và phát triển của Quốc hội.

P. Thủy - H. Ngọc - T. Chi - T. Thành - V. Châu ghi