Chủ động phối hợp phòng, chống dịch bệnh

- Thứ Hai, 21/09/2020, 13:18 - Chia sẻ
Ngày 21.9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020, tại điểm cầu Bộ Y tế và điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.

Gia tăng dịch bệnh truyền nhiễm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, đại dịch Covid-19 đã lây lan rộng đến 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và toàn cầu, tác động tiêu cực đến tâm lý và đời sống người nhân và còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết mức độ ảnh hưởng nguy hại của dịch. Bên cạnh đó, các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi vẫn ghi nhận số mắc cao, gây tăng gánh nặng trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở khu vực Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ La Tinh. Trên toàn cầu, kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết đến nay vẫn là vấn đề nan giải vì chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Số mắc sốt xuất huyết trên thế giới có xu hướng gia tăng cả về số mắc và phạm vi địa lý, khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề với số mắc và tử vong hàng đầu trong nhóm bệnh truyền nhiễm lưu hành.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị

Việt Nam đã từng bước kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm; công tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 được thực hiện hiệu quả. Năm 2020, các bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh sốt rét giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều bệnh truyền nhiễm khác diễn biến ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn tại cộng đồng, không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A khác. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết vẫn có số mắc cao, tăng cục bộ tại một số địa phương; ghi nhận nhiều ca bệnh bạch hầu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Trung, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng có hiệu quả, nhưng còn có hạn chế cần được giải quyết.

Dự báo trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Ngoài nguy cơ và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả như: cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét, và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là các bệnh có vaccine phòng bệnh như bệnh bạch hầu, bệnh ho gà có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc. Bên cạnh đó, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như thay đổi bất thường về khí hậu, thiên tai, quá trình đô thị hoá, toàn cầu hóa nhanh, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, hành vi, lối sống và tập quán người dân vẫn còn nhiều hạn chế; nguồn lực đầu tư cho phòng chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn ở cả Trung ương và địa phương.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương GS.TS. Nguyễn Văn Kính đã cập nhật phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết ở người (Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22.8.2019 của Bộ Y tế); cập nhật phác đồ điều trị bệnh bạch hầu (Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10.7.2020 của Bộ Y tế). Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh PGS.TS. Phạm Văn Quang cũng cập nhật phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em.

Áp dụng nghiêm ngặt biện pháp phòng dịch

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương PGS.TS. Trần Như Dương đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. Tại Quyết định 3593/QĐ-BYT ngày 18.8.2020 của Bộ Y tế, đã xác định định nghĩa, tiêu chuẩn chẩn đoán các trường hợp bệnh bạch hầu nghi ngờ, trường hợp bệnh xác định để có các biện pháp xử lý, phòng chống thích hợp. Lưu ý về định nghĩa các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu trong thời kỳ mắc bệnh (người bệnh và người lành mang trùng) để áp dụng các biện pháp phòng bệnh, xử lý ổ dịch nghiêm ngặt.

Theo các chuyên gia, bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh, tiêm phòng bệnh bạch hầu đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần lựa chọn đúng vaccine bạch hầu về liều lượng và thời điểm tiêm chủng. Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. Biện pháp sử dụng kháng sinh dự phòng có tác dụng quyết định, nhằm loại trừ nguồn lây trong cộng đồng (bệnh nhân và người lành mang trùng) rất hiệu quả.

Hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Viện trưởng Viện Pasteur Hồ Chí Minh PGS.TS. Phan Trọng Lân cho biết, bệnh sốt xuất huyết được WHO phân loại là vấn đề y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu. Tại Việt Nam, công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết được đẩy mạnh, có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và ban ngành đoàn thể, của mỗi người dân nên đã có những kết quả nhất định, cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương PGS.TS. Dương Thị Hồng báo cáo về Quy trình tiêm chủng an toàn và quy định giám sát tai biến sau tiêm chủng, nhấn mạnh việc tổ chức tiêm chủng bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo, đối với công tác tiêm chủng, đề nghị ngay sau Hội nghị này, Sở Y tế báo cáo UBND xây dựng và triển khai tiêm chủng đầy đủ, an toàn theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại 4 kế hoạch tiêm chủng (kế hoạch uống bổ sung OPV, kế hoạch tiêm vaccine MR, kế hoạch bảo đảm dây chuyền lạnh cho vaccine, kế hoạch tiêm vaccine Td cho trẻ em 7 tuổi). Đồng thời, trong thời gian tới, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, không để dịch, bệnh lây lan; để chủ động phòng chống dịch bệnh.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Ngăn chặn dịch bệnh phát sinh

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các Sở Y tế đẩy mạnh các hoạt động như tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các hoạt động phòng chống dịch, lồng ghép trong phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế. Có kế hoạch cụ thể triển khai ngay các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự phát sinh và bùng phát của dịch bệnh; lưu ý đặc biệt đối với các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với nguy cơ cao về dịch bệnh, có hạn chế về tiếp cận dịch vụ y tế và biến động dân cư cao.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, truyền thông đến người dân các thông điệp, khuyến cáo tới người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân; thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch và bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tự giác thực hiện diệt lăng quăng, bọ gậy; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình; tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh và đưa trẻ đi tiêm chủng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục ngay từ đầu năm học 2020 - 2021. Thực hiện vệ sinh lớp học thường xuyên, bố trí đủ xà phòng, nước sạch và các phương tiện rửa tay cho học sinh; hướng dẫn học sinh và người chăm sóc trẻ em cách rửa tay bằng xà phòng, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời. Huy động học sinh tham gia các hoạt động vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, hướng dẫn các hoạt động nhằm loại bỏ lăng quăng, bọ gậy tại các vật dụng chứa nước trong nhà và khu vực xung quanh; tham gia truyền thông cho gia đình và cộng động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị.

Tăng cường chỉ đạo triển khai hoạt động tiêm chủng tại các tỉnh trên địa bàn phụ trách, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô xã, phường. Đặc biệt tại các tỉnh có ghi nhận các trường hợp bạch hầu khu vực Tây Nguyên, tiếp tục triển khai Quyết định số 3054 /QĐ-BYT ngày 15.7.2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu. Đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine Td năm 2020 - 2021 theo quyết định 2155/QĐ-BYT ngày 25.5.2020 của Bộ Y tế. Thực hiện tiêm chủng an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng, truyền thông an toàn tiêm chủng trên địa bàn. Tăng cường giám sát, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện các quy định hiện hành bảo đảm chất lượng tiêm chủng.

Mặt khác, phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương và đơn vị liên quan trong việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, đặc biệt là cúm ở gia cầm, xử lý triệt để ổ dịch không để lây nhiễm sang người; phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm nói chung và các hoạt động bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu. Chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để bảo đảm nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các đơn vị trực thuộc, các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng.

Minh Nhật