Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng

Chủ động, quyết liệt, hiệu quả

- Thứ Sáu, 08/05/2020, 07:13 - Chia sẻ
Theo Đại biểu Quốc hội Khóa XIII LÊ NAM, sự chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận đang được làm rất bài bản, kỹ càng. Cùng với sự chủ động và chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, chắc chắn chúng ta sẽ chọn được những cán bộ công tâm, khách quan, vì dân, vì nước.

Gắn liền với sự tồn vong của chế độ

- Thưa ông, trong không khí phấn khởi của đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, vấn đề đặt ra là phải làm sao lựa chọn được cán bộ tài, đức, trong đó đức là gốc, như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh. Ý kiến của ông về công việc này như thế nào?

- Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã có sự tổng kết lý luận rất sâu sắc, mang tính thực tiễn cao; thể hiện tư tưởng, phương châm và nguyên tắc của Đảng ta về công tác cán bộ. Đến nay, sự chuẩn bị đội ngũ kế cận được làm bài bản, ngày càng kỹ càng hơn. Tại Thanh Hóa, cán bộ, đảng viên, nhân dân rất yên tâm với sự lựa chọn, giới thiệu nhân sự của các cấp ủy đảng. Chúng ta cũng có cơ chế để ràng buộc, ngăn chặn câu chuyện chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, lợi ích nhóm, hay cốt quy hoạch cán bộ xong, rồi tìm cách "nhét con ông này, cháu bác kia" vào cấp ủy. Lần này, rõ ràng với quy trình chặt chẽ, bài bản, từng bước chắc chắn, đúng nguyên tắc, nếu không đúng tiêu chuẩn cán bộ thì dù là "COCC" (con ông cháu cha - PV) cũng sẽ rất khó lọt vào các bước cao hơn.


- Thời điểm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng cũng đúng vào thời kỳ chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là làm sao chuyển giao thế hệ một cách đúng đắn nhất, thưa ông?

- Chuyển giao thế hệ cán bộ đòi hỏi sự thận trọng và như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói là phải có “con mắt tinh đời”. Nếu chuyển giao, bàn giao không đúng người, đúng việc thì chưa nói đến vị trí cán bộ chiến lược cao nhất, mà ngay ở một xã, một huyện thôi, việc bố trí sai người để bầu làm bí thư xã, bí thư huyện, đã hại cho xã, huyện và tỉnh đó rồi. Hậu quả rất đáng lo ngại. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đã thẳng thắn chỉ ra: Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất. Tôi cho rằng, cần khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ hệ trọng này, không đơn thuần phục vụ việc tổ chức thành công đại hội Đảng, mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.

Chăm lo, hỗ trợ lẫn nhau

- Cũng có ý kiến lo ngại rằng, trong quá trình chuyển giao thế hệ cán bộ này, một số cán bộ trẻ có thể sẽ bị "chín ép" khi chưa đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để đảm nhiệm trọng trách được giao. Thực tế, trong nhiệm kỳ này, một số cán bộ trẻ đã bị xử lý kỷ luật, thưa ông?

- Vừa qua, chúng ta có không ít cán bộ trẻ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, được chọn giao trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị. Thực tiễn cũng cho thấy, các cán bộ này được nhìn nhận là rất xuất sắc. Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng thế hệ cán bộ lãnh đạo sau sẽ đủ sức gánh vác trọng trách của Đảng, của đất nước.
Tuy nhiên, cá biệt có cán bộ trẻ đã để xảy ra sai phạm, phải xử lý kỷ luật. Đúng như tổng kết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, đó là "nhân vô thập toàn”. Điều quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu của cán bộ để không chọn nhầm người. Đặc biệt, phải có cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một ê-kíp mạnh, một tập thể lãnh đạo tương đối hoàn chỉnh, không gây tổn thương cho lợi ích của Đảng, của quốc gia, của tập thể.

“Con hơn cha là nhà có phúc” - cán bộ thế hệ kế tục phải giỏi hơn cán bộ thế hệ trước là đất nước, nhân dân được nhờ. Chọn đúng người thì cách mạng được nhờ, còn ngược lại, chúng ta chọn không đúng thì hậu quả là khôn lường. Cho nên, càng phải chăm lo, xây dựng, vun xới, hỗ trợ, hổ sung lẫn nhau để mỗi cán bộ tự hoàn thiện mình, tạo ra một tập thể lãnh đạo mạnh.

- Thưa ông, một vấn đề đáng lưu ý là trong công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, đã nói về "trách nhiệm của chúng ta", nhất là trách nhiệm của người đứng đầu giới thiệu nhân sự...?

- Chúng ta cần phân định rõ hơn về sự ràng buộc trách nhiệm. Bởi, về danh nghĩa người có quyền giới thiệu nhân sự là tập thể. Ở địa phương để đưa vào quy hoạch phải là ban thường vụ, cấp ủy có thẩm quyền giới thiệu xem xét cán bộ, từ đó mới lựa chọn nhân sự để quy hoạch, giới thiệu vào các chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Có ý kiến cho rằng, đây là câu chuyện tập thể phê duyệt, chứ đâu phải một cá nhân lãnh đạo nào? Nhưng tôi cho rằng, căn cốt câu chuyện sau đó là người giới thiệu cán bộ. Ngay trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước chỉ rõ: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu”. Chúng ta phải ràng buộc trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy về công tác nhân sự. Ví dụ, trong 15 người ứng cử thường vụ Tỉnh ủy, nếu giới thiệu sai, Bí thư Tỉnh ủy phải chịu trách nhiệm, chứ không thể chỉ là tập thể Ban Chấp hành. Xác định rõ người đầu tiên giới thiệu cán bộ là ai.

- Lựa chọn cán bộ là trách nhiệm không chỉ của Đảng, của hệ thống chính trị, mà cần phát huy vai trò “tai mắt của nhân dân”..., thưa ông?

- Đúng như ý của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, không có gì là dân không biết. Nếu muốn biết cán bộ A có trong sạch không, gia đình như thế nào, hãy hỏi dân. Tôi cũng mong chúng ta phải có sự cạnh tranh, bầu cử phải có số dư thực sự, chứ không phải "quân xanh", "quân đỏ". Từ những quan điểm, yêu cầu, chỉ đạo rất cụ thể, toàn diện trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước về một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong chuẩn bị nhân sự, phải xác định rõ quy trình, bước đi, cách làm. Với những chỉ đạo quyết liệt, bài bản, khoa học của Trung ương, của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, tin rằng, chúng ta sẽ chọn được những cán bộ thật sự công tâm, khách quan, vì dân, vì nước, xứng đáng với kỳ vọng và đòi hỏi của nhân dân.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc