Chống tiêu cực trong đấu thầu trang thiết bị y tế

- Thứ Tư, 30/09/2020, 06:11 - Chia sẻ
Trước thực tế các vụ việc “thổi giá" máy móc, thiết bị nhằm ăn chia lợi ích trong hoạt động đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tại Phiên họp toàn thể đang diễn ra, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội yêu cầu ngành y tế phải làm rõ nguyên nhân của những sai phạm này và có giải pháp chống tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, xã hội hóa y tế.

Làm rõ nguyên nhân sai phạm

Việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhiều tồn tại trong quá trình thực hiện chủ trương này cũng đã được Thường trực Ủy ban Về các đề xã hội chỉ rõ như: Cơ chế hợp tác công - tư chưa toàn diện, đầy đủ; hình thức liên doanh, liên kết tài sản chưa đa dạng, chủ yếu mới chỉ thực hiện đối với trang thiết bị y tế. Giá dịch vụ y tế chưa kết cấu đủ chi phí (mới chỉ tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản) gây ra những khó khăn nhất định khi thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, thậm chí đã xảy ra tình trạng sai phạm trong công tác quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, như vụ án kê khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai gây nhức nhối dư luận gần đây.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu tại phiên họp.
Ảnh: Quang Khánh

Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế cũng còn một số hạn chế như: Có địa phương phê duyệt giá thuốc trúng thầu cao hơn giá trúng thầu bình quân của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam công bố. Chưa cập nhật giá trúng thầu của vật tư, hóa chất trên toàn quốc làm cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Còn tồn tại song song hai tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc tập trung làm tăng nhiệm vụ của các bệnh viện. Vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế ngay cả khi diễn ra dịch bệnh nguy hiểm, điển hình là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, phải làm rõ nguyên nhân của những sai phạm trong mua bán thiết bị y tế tại bệnh viện công vừa qua. Ngành y tế phải tăng cường kiểm tra, rà soát vấn đề này.

Nhìn nhận thực tế này ở bình diện rộng hơn, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt câu hỏi: Phải chăng có lỗ hổng trong cơ chế kiểm tra, kiểm soát, thanh tra vấn đề tự chủ của các cơ sở y tế? Nhiều năm qua, cơ chế kiểm tra, thanh tra của Bộ Y tế như thế nào? Ông cũng cho rằng, đây là câu chuyện ngành y tế phải nhìn nhận, đánh giá lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế công lập thực hiện xã hội hóa; đồng thời, phải bảo đảm cơ chế giám sát, hạn chế tối đa các tiêu cực có thể phát sinh.

Một số ý kiến khác cho rằng, mặt trái của chính sách xã hội hóa y tế không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai mà ở hầu hết các bệnh viện công. Nếu không giải quyết rốt ráo thì những trường hợp trục lợi khác sẽ còn gây nhức nhối.

Lành mạnh hóa thị trường mua sắm thiết bị y tế công 

Xã hội hóa đầu tư dịch vụ y tế là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Khẳng định điều này, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực tiễn triển khai xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đã cho thấy những kết quả tích cực. Hình thức này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, thời gian qua đã nảy sinh tiêu cực trong hoạt động đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở công lập. Đặc biệt, một số vụ việc sai phạm đã bị phát hiện và đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, không phải vì những tiêu cực này mà dừng chủ trương xã hội hóa y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nêu rõ quan điểm này, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra lý do, nếu không huy động nguồn lực xã hội hóa sẽ không đáp ứng được nhu cầu nguồn lực đầu tư cho toàn ngành. Tổng nhu cầu nguồn lực đầu tư của toàn ngành y tế trong 5 năm tới là khoảng 230 nghìn tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư của ngành y tế thì phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước theo hình thức đầu tư xã hội hóa. “1 đồng Nhà nước cấp thì có 1 đồng của xã hội hóa”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết. 

Cũng theo quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay, Bộ Y tế đang rà soát lại chính sách xã hội hóa y tế và phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Nghị định của Chính phủ về xã hội hóa y tế nhằm bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động xã hội hóa. Mặt khác, để giảm tiêu cực trong việc thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa lĩnh vực y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế thực hiện công khai giá trang thiết bị y tế.

Bộ sẽ yêu cầu tất cả nhà sản xuất trang thiết bị y tế, các đơn vị đại lý độc quyền, đại lý cấp 1 cung ứng trang thiết bị y tế phải công khai giá bán của máy móc, thiết bị y tế trên Cổng thông tin của Bộ; đồng thời, thực hiện công khai toàn bộ kết quả đấu thầu. "Hiện, có khoảng 80.000 kết quả đấu thầu được công bố trên cổng thông tin của Bộ Y tế", quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Tới đây, Bộ Y tế cũng sẽ ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả cơ sở y tế chỉ mua sắm trang thiết bị y tế khi đã được công khai giá và giá này được so sánh với tất cả các giá bán ở tất cả khu vực trên thế giới, tránh tình trạng “vào Việt Nam thì giá cao mà ở thị trường khác thì giá thấp”. Việc công khai giá các thiết bị y tế, cấu hình thiết bị y tế cũng như giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế trên Cổng thông tin sẽ giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán và xây dựng hồ sơ đấu thầu nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và làm lành mạnh thị trường trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Điều này cũng khắc phục và hạn chế tình trạng đội giá nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh.

“Chúng tôi đã trao đổi với các giám đốc bệnh viện thì các đồng chí rất phấn khởi, vì thấy công khai như vậy rất dễ làm và tránh những sai phạm mắc phải vừa qua”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Nhật An