Chống dịch Covid-19 ở Đà Nẵng: Truy vết F0 đầu tiên không còn là mục tiêu chủ yếu nữa!

- Thứ Tư, 05/08/2020, 23:17 - Chia sẻ
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết ở Đà Nẵng. Mỗi ngày trôi qua, con số ca nhiễm Covid-19 cứ tăng lên. Đại dịch như “chiến sự” ngày càng lan rộng. Bằng chứng là ngoài địa phương láng giềng Quảng Nam liên tục ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2, nhiều tỉnh/thành khác cũng phát hiện người mắc, hầu hết liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng…

Cần chi viện để tăng tốc xét nghiệm 

PGS-TS Nguyễn Trường Sơn Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, cho rằng: “Truy vết F0 đầu tiên tại Đà Nẵng hiện không còn là mục tiêu chủ yếu nữa. Mục tiêu bây giờ là sử dụng xét nghiệm kháng thể phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng”. 

Xét nghiệm SARS-CoV-2 có 2 loại, đó là xét nghiệm Realtime-PCR và xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh). Xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có thời gian ngắn, vận hành đơn giản nhưng phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp Realtime-PCR, dễ nhầm và bỏ sót. Vì vậy, phương pháp Realtime-PCR thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm nhanh.  

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng vẫy tay chào cảm ơn món quà 5 máy thở trị giá 2,75 tỷ đồng từ những người chơi lan ở Đà Nẵng trao tặng

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đối với Đà Nẵng hiện nay, 2 loại xét nghiệm này đang rất cần thiết. Thứ nhất, do bệnh dịch đã lây lan tương đối lâu trong cộng đồng nên việc tìm ra những người mang kháng thể rất cần thiết. Bên cạnh đó thì vẫn còn những bệnh nhân nguy cơ, bệnh nhân mới, bệnh nhân tiềm tàng, cần phải sử dụng xét nghiệm Realtime-PCR để phát hiện kịp thời. 

Hiện Đà Nẵng chỉ có 4 đơn vị đủ điều kiện cấp phép xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 bằng phương pháp Realtime-PCR là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 199 (Bộ Công an) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng. Ngày 5.8, Đà Nẵng bắt đầu công tác tập huấn phương pháp lấy mẫu theo nhóm để tăng tốc xét nghiệm Covid-19. Việc xét nghiệm tại Đà Nẵng đã tăng công suất lên, đạt được mức từ 8.000 – 10.000 xét nghiệm/ngày. Trong khi đó, nhu cầu xét nghiệm chỉ định của Đà Nẵng cần 20.000 mẫu/ngày, nên các đơn vị chỉ đáp ứng một nửa.

“Việc xét nghiệm tại TP Đà Nẵng đã tăng công suất lên, đạt được mức từ 8.000 – 10.000 xét nghiệm/ngày. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá vẫn còn những nhu cầu về mặt xét nghiệm nên phải tăng thêm lực lượng xét nghiệm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận. 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, những ca dương tính ở Đà Nẵng trong đợt này rất đặc biệt, có rất nhiều bệnh nhân nặng và việc truy vết trong cộng đồng cũng đòi hỏi của sự tham gia của rất nhiều chuyên gia. Vì thế, bên cạnh sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, Đà Nẵng rất cần sự chi viện từ Trung ương, từ các bệnh viện bạn đến để tham gia vào công tác hỗ trợ cho điều trị, xây dựng cơ sở để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19…  

Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 cho người dân

Cả nước hướng về Đà Nẵng

Từng giờ, từng phút, hàng ngàn chiến sĩ thầm lặng, họ là những y-bác sĩ, nhân viên y tế, là công an, bộ đội, là tình nguyện viên… đang căng mình trên mặt trận đẩy lùi đại dịch Covid-19. Họ bỏ lại sau lưng những niềm riêng, hy sinh rất nhiều thứ để siết tay nhau quyết tâm chiến thắng cuộc chiến cam go này.

Hằng ngày, chúng ta chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động, có khi nhói lòng từ họ. Đó là hình ảnh những nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng ngất xỉu, kiệt sức vì làm việc quá tải suốt hơn 10 ngày qua. Đó là hình ảnh nữ điều dưỡng tranh thủ chợp mắt trên tấm bìa carton. Đó là sự hy sinh mái tóc dài của các y-bác để hạn chế lây nhiễm… 

Bên trong các bệnh viện cách ly phong tỏa ở Đà Nẵng hiện nay, các bác sĩ làm việc gần như 24/24. Bởi thế, tiếng hát, tiếng đàn họ cất lên từ đó trong những giây phút nghỉ ngơi hiếm hỏi là liều biệt dược. Và trên những chốt chặn cửa ô thành phố, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, bộ đội biên phòng, tình nguyện viên đang căng mình chống dịch. Ngay cả lãnh đạo TP Đà Nẵng, họ cũng căng mình với cuộc chiến vì phải họp chỉ đạo liên tục, rồi thị sát nắm tình hình thực tế, chưa kể đối nội đối ngoại… Bản thân người dân Đà Nẵng cũng đang chịu sự bất tiện, ảnh hưởng nặng nề mà dịch bệnh Covid-19 mang lại. Tất nhiên, lúc này chúng ta chưa kể đến những thiệt hại về kinh tế do đại dịch…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng tiếp nhận ủng hộ cho quỹ phòng, chống Covid-19

Nhưng Đà Nẵng không đơn độc trong cuộc chiến này. Chính phủ chỉ đạo và dồn toàn lực dập cho được ổ dịch Đà Nẵng. Bộ Y tế đã cử những đoàn chuyên gia tăng cường cho Đà Nẵng. Người dân cả nước đang hướng về Đà Nẵng bằng những hành động thiết thực, bằng những lời động viên tinh thần rất tích cực.  

Từ ngày bùng phát dịch, góc ngã ba đường Hải Phòng – Ngô Gia Tự luôn đều đặn những chuyến hàng đến, trong đó có các tổ chức, cá nhân từ nhiều tỉnh, thành khắp cả nước tặng ủng hộ những bệnh viện cách ly phong tỏa. Thật ấm lòng khi chứng kiến những cái vẫy tay chào cảm ơn của các bác sĩ sau khi nhận hàng ủng hộ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng và nhiều điểm tiếp nhận, hàng ngày liên tục đón nhận tiền, hàng từ các nhà hảo tâm…

Đà Nẵng đang ở trong tâm dịch. Đặc biệt, nhân lực ngành y tế đang rơi vào thời điểm rất khó khăn. Đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên y tế đang công tác tại các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế của TP đã bị phong tỏa, đang trong tình trạng cách ly toàn bộ hoặc cách ly một phần nên không đủ nhân lực để điều phối, sử dụng phục vụ điều trị bệnh nhân nói chung và bệnh nhân mắc Covid-19 nói riêng, nhất là tại các bệnh viện dã chiến chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đà Nẵng đã gửi công văn “cầu viện” đến TP Hải Phòng và Bình Định. Đà Nẵng gọi, Hải Phòng và Bình Định nhanh chóng trả lời. Họ quyết nhanh việc cử đoàn cán bộ cùng ủng hộ tiền, vật tư y tế để chung tay cùng Đà Nẵng chống dịch. 

Bản thân người dân Đà Nẵng, họ đang bằng mọi cách kêu gọi, thể hiện tinh tầnđoàn kết để cùng song hành với chính quyền trong cuộc chiến này. Hàng ngàn bạn trẻ, sinh viên xung phong đăng ký làm tình nguyện viên, xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, chỉ sau một ngày chính quyền phát lời kêu gọi. Hàng ngàn tổ chức, cá nhân đang ngày đêm vận động, quyên góp để mua nhu yếu phẩm tiếp tế cho đội quân chống dịch, cho người dân khó khăn trong những vùng phong tỏa… Đó là sức mạnh cộng đồng!

Đà Nẵng đã qua 12 ngày chống dịch. Cuộc chiến cam go đang ở phía trước vì virus SARS-CoV-2 ngày càng lây lan rộng hơn, phức tạp hơn. Thế nhưng, người Đà Nẵng vẫn bình tĩnh trước cuộc chiến, vững một niềm tin sẽ sớm đẩy lùi Covid-19. Sẽ sớm thôi!

Box: Tối 5.8, Bộ Y tế công bố thêm 41 ca mắc Covid-19 mới, trong đó Đà Nẵng có 34 ca. Như vậy, tính từ ngày 25.7 đến tối 5.8, Đà Nẵng ghi nhận 193 ca dương tính với virus SARS CoV-2.  

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp cách ly đối với toàn bộ nhân viên y tế, người phục vụ người bệnh, người nhà người bệnh của Trung tâm Y tế quận Hải Châu. Trước đó, Đà Nẵng tiến hành cách ly, phong tỏa 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. 

Chiều cùng ngày, Bệnh viện dã chiến ở Cung Thể thao Tiên Sơn đã được Sun Group bàn giao cho Đà Nẵng để tiến hành đưa vào vận hành, tiếp nhận bệnh nhân. 

QUANG HẢI