Chọn dự án trọng điểm, mang tính dẫn dắt để làm trước

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 15:40 - Chia sẻ
Bà con đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Nghệ An rất vui mừng, phấn khởi khi được biết Quốc hội đang bàn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự thảo Chương trình được xây dựng rất công phu, tâm huyết, toàn diện và thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, sự chăm lo cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Đảng và Nhà nước ta.

Để chương trình sớm đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả, tôi đề nghị một số nội dung:

Thứ nhất, về nguồn kinh phí. Đây là vấn đề nhiều ĐBQH, người dân quan tâm, trăn trở nhất. Sự trăn trở này là có cơ sở, bởi vì trước đây, chúng ta cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhưng không có nguồn lực bảo đảm, nhất là những chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi.

Theo dự toán của Chính phủ thì tổng ngân sách cần cho giai đoạn 2021 - 2025 là 114.970 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 104.954 tỷ đồng, còn ngân sách địa phương là 10.016 tỷ đồng. Việc bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo thực hiện chính sách này đã khó thì việc địa phương đối ứng để bảo đảm kinh phí thực hiện lại càng khó khăn hơn, vì đa số các tỉnh được thụ hưởng chính sách này đều là tỉnh nghèo, hiện đang hưởng trợ cấp từ ngân sách trung ương.

Để tránh tình trạng chính sách ban hành nhưng không thực hiện được, mang tính dàn trải, lãng phí và không ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình khác, cần xây dựng lộ trình giai đoạn và hàng năm, đặc biệt là xác định những việc làm cụ thể theo hướng chọn một số dự án trọng tâm, trọng điểm, những dự án mang tính cấp thiết, đột phá và có tính dẫn dắt để làm trước, thay vì thực hiện cùng lúc 10 dự án như trong dự thảo chương trình. Chúng ta nên xác định giai đoạn đầu chỉ nên thực hiện tập trung một số dự án. Ví dụ, dự án giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dự án ổn định, sắp xếp lại dân cư, dự án phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng và phát triển giáo dục. Có như vậy mới bảo đảm được nguyên tắc mà Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã đặt ra, đó là ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm hiệu quả, hiệu lực đầu tư.

Thứ hai, về tạo sinh kế. Tôi cơ bản đồng tình với Dự án 03 của Chính phủ đã trình. Tuy nhiên, hiện nay, một trong những khó khăn của nông nghiệp miền núi là sản xuất không có đầu ra, giá cả bấp bênh, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Người dân nhiều khi không có động lực để sản xuất. Để giải quyết vấn đề này thì cần quan tâm hỗ trợ, phát huy mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để bảo đảm đúng định hướng doanh nghiệp là hạt nhân dẫn dắt bà con. Theo mô hình này, doanh nghiệp cũng không cần quá nhiều đất, trong khi nhiều hộ dân tộc thiểu số chưa có đất sản xuất và người dân lại phấn khởi sản xuất trên chính mảnh đất của mình. Bà con cũng không phải lo về kỹ thuật, không phải lo đầu ra sản phẩm. Làm ra sản phẩm nào thì được doanh nghiệp thu mua và tiền tươi thóc thật, bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, trong thực tế, mô hình này cũng chưa thực sự mạnh mẽ, còn gặp nhiều khó khăn, nhiều khi người dân cũng chưa “chung thủy” với doanh nghiệp, thị thường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp cũng không ổn định...

Thiết nghĩ, Nhà nước cần có sự quan tâm, hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp để tạo sự liên kết chặt chẽ và rộng rãi giữa người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần nghiên thêm một tiểu dự án trong Dự án 03 này, đó là tăng cường thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Quốc hội, Chính phủ cũng nên phân cấp, giao cho các địa phương tự khảo sát, xây dựng đề án riêng cho địa phương mình, vì mỗi địa phương sẽ có những tiềm năng, lợi thế, có những khó khăn riêng. Từng địa phương sẽ xác định những cây, con chủ lực và thế mạnh riêng. Tránh tình trạng Quốc hội, Chính phủ xác định một mẫu số chung về cây, con chủ lực dễ dẫn đến tình trạng không sát với thực tiễn của từng địa phương và có thể sẽ dẫn đến tình trạng người dân sản xuất ra một loạt cây, con, sau đó sẽ cung nhiều hơn cầu, dẫn đến tình trạng phải giải cứu nông sản.

Thứ ba, về cơ chế, trong 10 dự án thành phần được dự thảo Chương trình đưa ra thì cơ bản vẫn là những dự án mang tính hỗ trợ nguồn lực nhiều hơn những dự án mang tính hỗ trợ cơ chế. Trong khi nguồn lực có hạn, để làm giảm đi tính ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, phát huy được tính tự lực, tự cường của người dân thì việc hỗ trợ cơ chế sẽ phù hợp hơn và quan trọng hơn. Ví dụ, cơ chế về tài chính, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ thuế các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, thuế từ các dự án lớn trên địa bàn của miền núi như thủy điện... sẽ tạo động lực cho các địa phương chăm lo, nuôi dưỡng nguồn thu trên địa bàn.

ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An)
L. Anh