Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cho ý kiến về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn

- Thứ Tư, 16/09/2020, 19:26 - Chia sẻ
Chiều 16.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành Phiên họp

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày và nêu rõ kết quả đạt được của 19 lĩnh vực, đó là các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; y tế; nội vụ; tài chính; tài nguyên và môi trường; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; công thương; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; kế hoạch và đầu tư; ngân hàng; thông tin và truyền thông; giao thông và vận tải; lao động, thương binh và xã hội; xây dựng; tư pháp; khoa học và công nghệ; về bố trí sắp xếp, ổn định dân di cư tự do đến các vùng miền núi và trung du; thanh tra.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Phiên họp

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.

Tiếp tục có nhiều tiến bộ

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Phiên họp

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo của Tòa án nhân dân về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo Tòa án các cấp khẩn trương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các nội dung liên quan tới công tác Tòa án ngay sau khi các Nghị quyết được ban hành. Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao đều ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án; đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá và phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Với việc quán triệt và triển khai kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác. Về cơ bản, các Tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; một số lĩnh vực công tác mặc dù chưa đạt được 100% theo yêu cầu nhưng tiếp tục có nhiều tiến bộ.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng phát biểu tại Phiên họp

Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII do Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng trình bày và nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến năm 2020, Quốc hội không có nghị quyết riêng về giám sát chuyên đề và chất vấn đối với VKSNDTC nhưng trong 4 nghị quyết có 4 nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND, gồm: Chống oan sai trong truy tố; thực hiện nghiêm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và tổng kết, nghiên cứu sửa đổi Luật này; đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự; nghiêm túc thực hiện các cơ chế pháp lý về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. VKSNDTC, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo việc nâng cao chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng .VKSND tối cao truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị. VKSND tối cao hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết trên, Viện trưởng VKSNDTC đã quán triệt, đưa 4 nhiệm vụ trên vào chỉ thị, kế hoạch công tác hàng năm để triển khai thực hiện trong toàn ngành. Theo đó, đã yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ trên; Thủ trưởng các đơn vị đã chủ động đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của từng đơn vị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất và phải chịu trách nhiệm khi đơn vị mình không hoàn thành.

Đề nghị ban hành Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp đang sử dụng sang mục đích khác phải thông qua đấu giá

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII do Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, về việc thực hiện Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20.11.2018, KTNN đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họp 

Kết quả kiểm toán cho thấy cơ bản các doanh nghiệp đã chấp hành phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa; các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo phương án sử dụng đất được duyệt khi cổ phần hóa hoặc phù hợp với mục đích chuyển đổi ban đầu khi được phê duyệt, song còn một số tồn tại: Trước khi cổ phần hóa còn nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai. Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch. Một số trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất sai quy định; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai còn nhiều tồn tại. Pháp luật đất đai còn bất cập về chính sách giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; phương pháp xác định giá đất; mua, bán tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; chính sách tiền thuê đất và chưa có quy định pháp lý đối với một số sản phẩm bất động sản.

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu 577 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 791 tỷ đồng; xử lý, xem xét thu hồi nếu đủ điều kiện theo quy định đối với 3 thửa đất và 7.591.427 m2 đất; kiến nghị các đơn vị có liên quan khắc phục, kiểm điểm, chấn chỉnh rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, tồn tại đã được KTNN chỉ rõ trong các Báo cáo kiểm toán; kiến nghị sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 102/2014/NĐ-CP; số 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ); đồng thời đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp đang sử dụng sang mục đích khác phải thông qua đấu giá nhằm ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước và ngân sách nhà nước.

Công tác tổ chức cán bộ vẫn còn những sai phạm

Trình bày Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, thực hiện quy định tại khoản 8 Điều 15 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của thành viên Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 20 lĩnh vực (nông nghiệp và phát triển nông thôn; y tế; nội vụ; tài chính; tài nguyên và môi trường; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; công thương; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; kế hoạch và đầu tư; ngân hàng; thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; lao động, thương binh và xã hội; xây dựng; lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp; khoa học và công nghệ; thanh tra; tòa án; kiểm sát) được nêu trong 6 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 6 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và 1 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 2 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIII.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại Phiên họp

Liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và sắp xếp đơn vị hành chính được tập trung chỉ đạo, đã đạt được những kết quả bước đầu; hệ thống chính sách, pháp luật được hoàn thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, việc ban hành một số văn bản theo yêu cầu trong Nghị quyết của Quốc hội chưa hoàn thành, vẫn còn nợ đọng nhiều văn bản quy định chi tiết. Còn xảy ra tình trạng tăng tổ chức sau khi sắp xếp; công tác tổ chức cán bộ vẫn còn những sai phạm. Việc thực hiện biên chế của ngành giáo dục còn nhiều vướng mắc; việc tinh giản biên chế trong ngành y tế chưa được giải quyết theo lộ trình. Việc hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết đã ban hành chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quốc tế hóa giáo dục đại học được đẩy mạnh. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được triển khai. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia trong thời gian qua cơ bảo đảm khách quan, công bằng, giảm áp lực và tốn kém, tạo thuận lợi cho thí sinh. Công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài còn dàn trải, nhiều chính sách chưa phù hợp, chưa tạo được môi trường tốt để cán bộ phát huy năng lực; chưa đủ sức hấp dẫn sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp loại giỏi, khá về làm việc tại địa phương vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp còn gặp khó khăn. Tiến độ rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và các trường sư phạm còn chậm. Cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ còn nhiều bất cập. Công tác quản lý dạy thêm, học thêm còn gặp rất nhiều khó khăn, khó quản lý. Việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn chưa hiệu quả…

Có nội dung yêu cầu với thời gian, tiến độ cụ thể, nhưng kết quả chuyển biến chậm

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, đây là nội dung rất quan trọng, thể hiện sự theo dõi, giám sát đến cùng những yêu cầu đã được Quốc hội đặt ra. Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, một khối lượng công việc rất lớn đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trong những lĩnh vực, vấn đề đã được Quốc hội quan tâm.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, qua xem xét các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát và các ngành có liên quan cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Có nội dung triển khai chưa đầy đủ, chưa đúng với yêu cầu của Quốc hội. Có nội dung Quốc hội yêu cầu với thời gian, tiến độ cụ thể, nhưng kết quả chuyển biến còn chậm. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chỉ ra, một số nội dung báo cáo mới dừng lại ở việc định tính, đánh giá chung chung, chưa phân tích, đánh giá hết những nguyên nhân, trách nhiệm. Chưa chỉ rõ việc nào đã hoàn thành tốt, việc nào chưa. Mặt khác, do khối lượng công việc rất nhiều, nên thẩm tra đối với một số nội dung chưa được quan tâm đầy đủ, mới chỉ nghe báo cáo là chính, do đó, việc đánh giá, triển khai kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa toàn diện, đầy đủ. Còn tình trạng chậm gửi báo cáo dẫn đến thẩm tra, tổng hợp muộn so với kế hoạch.

Trên cơ sở ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa, Viện, các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu rà soát, cần thiết có thể gửi báo cáo bổ sung. Tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng hợp và báo cáo thẩm tra để gửi Quốc hội, hai báo cáo này cần đánh giá khách quan, toàn diện; chú trọng làm rõ nội dung nào đạt, nội dung nào chưa đạt, trách nhiệm của ai làm cơ sở cho Quốc hội thảo luận. Chú ý giữa báo cáo thẩm tra và báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành phải có sự thống nhất về thông tin, số liệu. Đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo, sớm xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giám sát lại để chuyển giao nội dung, tiếp tục thực hiện cho nhiệm kỳ sau. Dự thảo Nghị quyết cần nêu rõ yêu cầu, thời gian đối với từng nội dung cụ thể.

Ông Nguyễn Trọng Thừa tham gia Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Theo đó, tại Nghị quyết số 567/NQ-UBTVQH14 ngày 4.8.2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định: “Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao gồm: ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng; ông Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên; ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên; ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên.”

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao

Ngày 27.4.2020, Bộ Nội vụ có Công văn số 1936/BNV-TCCB phân công ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham gia Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Vì vậy, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao theo như đề nghị của Bộ Nội vụ. Theo đó, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham gia Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao thay ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Hoàng Ngọc