Phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh mở rộng:

Cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

- Thứ Ba, 08/09/2020, 15:25 - Chia sẻ
Sáng 8.9, tiếp tục Phiên họp Thường trực mở rộng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt chủ trì và phát biểu tại phiên họp

Cần thiết xây dựng Luật

Tờ trình về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ trình bày, nêu rõ, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001, được Quốc hội khóa XII Kỳ họp thứ Tư thông qua ngày 13.11.2008, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2009.

Qua hơn 10 năm thực hiện, việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ trình bày Tờ trình về dự thảo luật

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 6 Chương, 102 Điều. So với Luật Giao thông đường bộ 2008, dự thảo Luật đã bỏ 2 Chương: Chương quy định về quy tắc giao thông đường bộ và Chương về người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Tại Chương II, Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm 41 Điều (từ Điều 9 đến Điều 49), Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, dự thảo Luật có một số điểm mới khi bổ sung hệ thống nông thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, theo đó đường giao thông nông thôn thuộc đường địa phương do chính quyền địa phương quản lý.

Dự thảo cũng quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường bộ; các trường hợp mà hành lang an toàn giao thông chồng lẫn giữa đường bộ với đường sắt, đường thủy, đê điều, công trình thủy lợi,… làm cơ sở để đền bù, giải phóng mặt bằng hành lang an toàn đường bộ theo quy hoạch các tuyến đường, cắm mốc lộ giới và phân định trách nhiệm quản lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án luật, liên quan đến quy định tại Chương II, khoản 2, Điều 12 về tỉ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh cho biết, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật không quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn hiện nay. Pháp luật hiện hành quy định: “Tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26%” (khoản 2 Điều 42 Luật Giao thông đường bộ hiện hành) và quy định cụ thể Đô thị đặc biệt ≥ 26%, Đô thị loại I ≥ 24%, Đô thị loại II ≥ 22%, Đô thị loại III ≥ 19%, Đô thị loại IV ≥ 17% và Đô thị loại V ≥ 16% theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Ngọc Khánh nhấn mạnh, thực tiễn thực hiện cho thấy, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn nhiều so với quy định, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới chỉ đạt khoảng 9%, hay các đô thị lớn khác chỉ đạt từ 5 -12% theo từng khu vực. Ngoài ra, mật độ đường phố tại khu vực trung tâm cũng rất thấp, như nội đô Hà Nội chỉ khoảng 0.74km/km2; tỷ lệ quỹ đất cho giao thông mới đạt dưới 1%.

Cũng trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ, có ý kiến cho rằng, quy định pháp luật hiện hành nêu trên chỉ áp dụng cho đô thị xây dựng mới, còn đô thị xây dựng từ trước thì việc áp dụng quy định trên lại không khả thi. Vì thế, cần có quy định riêng để hạn chế ùn tắc giao thông tại các đô thị.

Đa số đại biểu đều quan tâm tới vấn đề tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị và cho rằng, với các chỉ tiêu về quỹ đất dành cho giao thông cũng như quy hoạch giao thông, các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm túc. Khi đưa ra chỉ tiêu 20- 25%, trong đó 5-7% đối với diện tích giao thông tĩnh, nhưng xét cụ thể thì "phấn đấu mãi không được" nên việc phát triển hạ tầng giao thông không bám sát mục tiêu đề ra một cách xuyên suốt.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp

Các đại biểu cũng lưu ý thêm, ngay cả khi ngân sách thúc đẩy giải phóng mặt bằng để bảo đảm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn vẫn không giải quyết được, bởi quỹ đất khi quy hoạch không được duy trì.

Các đại biểu đánh giá cao sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo hướng đã gọn gàng hơn và tách nội dung để xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với Công ước Vienna về giao thông đường bộ năm 1986 và luật của nhiều nước trên thế giới.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, hồ sơ dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được chuẩn bị rất công phu, bảo đảm đầy đủ các điều kiện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp sắp tới cũng như trình Quốc hội cho ý kiến. 

Chiều cùng ngày, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc.

Hồ Long