Phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cho ý kiến Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020

- Thứ Năm, 10/09/2020, 19:35 - Chia sẻ
Chiều nay, 10.9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Đạt nhiều chỉ tiêu đề ra

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, công tác giảm nghèo tiếp tục được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, được các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Do vậy, kết quả giảm nghèo đã đạt và vượt các mục tiêu nhiệm vụ Quốc hội đề ra.

Từ việc thực hiện Nghị quyết 76, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiểu. Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Về giải quyết đất ở và đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025.

Tuy nhiên, dự báo trong giai đoạn cuối năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, một số hộ gia đình rơi vào tình trạng nghèo đói, tái nghèo, thậm chí thiếu đói, thiếu lương thực do mất nguồn thu nhập và mất việc làm, sinh kế. Công tác giảm nghèo gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, bảo đảm người nghèo có thu nhập, ổn định cuộc sống; đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo 1-1,5%/năm.

Về tồn tại, hạn chế của việc thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm.

Cần làm tốt hơn nữa

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhất trí với kết quả mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa nêu. Cơ bản hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những ưu tiên hoặc từng bước vừa thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, đất định canh.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh lưu ý, việc giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở hoặc đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn hạn chế. Nguyên nhân do quá trình chuyển đổi còn phức tạp và quá nhiều văn bản chính sách được ban hành trong một thời gian dài nên khó xác định. Chuẩn nghèo chưa sát thực tế. Mặt bằng dân trí, trình độ sản xuất hạn chế đặc biệt là điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo còn khó khăn đòi hỏi nguồn lực rất lớn, bên cạnh đó tác hại lũ lụt, dịch bệnh diễn ra thường xuyên trên diện rộng. Nguồn lực thực hiện chính sách giảm nghèo còn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn Trung ương và bị phân tán, dàn trải bởi nhiều chính sách giảm nghèo, mức đầu tư cơ sở hạ tầng còn giàn trải, việc lồng ghép nguồn lực còn hạn chế. Đội ngũ công tác giảm nghèo ở cơ sở còn thiếu ổn định và kinh nghiệm trong nhận thức và thực thi chính sách. Nhận thức trách nhiệm giảm nghèo bền vững ở các ngành, các cấp chưa đồng đều, phối hợp chưa chặt chẽ và xử lý còn chậm, kéo dài.

Phải tạo sinh kế cho người dân

Các đại biểu đồng tình kết quả đạt được trong giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất sinh hoạt cho người dân. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, đây là vấn đề cấp thiết nhất cho đồng bào dân tộc do hiện nay còn 58.123 hộ thiếu đất ở, 96.256 hộ có nhu cầu vay vốn, 313.219 hộ thiếu nước sinh hoạt. Mục tiêu đề ra năm 2020 là cơ bản giải quyết đất ở, đất sản xuất, sinh hoạt, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được nên cần có giải pháp tập trung.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đất sản xuất, đất ở là “điều kiện tiên quyết để tạo sinh kế cho người dân mới có thể giảm nghèo bền vững”. Phải hết sức quan tâm thực hiện chủ trương đến 2025 cần có đất ở, sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu, cần quan tâm và đánh giá thêm hiệu quả việc giao đất sản xuất, đất ở và rừng cho các vùng miền núi và dân tộc thiểu số; đề nghị Chính phủ chủ trì Hội nghị tổng kết toàn quốc và hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Mười tới.

Hồ Long