Chiến lược truyền thông cho startup

- Thứ Sáu, 24/07/2020, 15:26 - Chia sẻ
Chiều 24.7, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo: “Chiến lược truyền thông cho startup: Định vị thương hiệu – Phát triển thị trường” với sự tham dự của hơn 150 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, người làm truyền thông và đại diện từ gần nhiều cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên cả nước.

Trong những năm vừa qua, Đề án 844 đã dành nguồn lực để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên 5 trụ cột chính: Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái; Hỗ trợ các hoạt động ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hình thành và phát triển các Mạng lưới khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy liên kết quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Theo đó, phát triển công tác truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ có vai trò bổ trợ cho các hoạt động nói trên mà còn nhằm thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, cũng như quảng bá sản phẩm, mô hình kinh doanh cho startup để phát triển thị trường và thu hút đầu tư. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, đã có 16 đơn vị có năng lực và uy tín tham gia thực hiện các nhiệm vụ truyền thông thuộc Đề án 844, hỗ trợ được hơn 200 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn quốc.

Tuy nhiên, một số vấn đề trong công tác truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua vẫn xuất hiện do còn khoảng cách giữa những người làm truyền thông với đội ngũ nhà sáng lập, điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các thông tin về startup tuy có tính thời sự nhưng chưa có nội dung sâu để cộng đồng có thể nắm bắt và đồng hành với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thậm chí là vượt qua khó khăn cùng với doanh nghiệp. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần truyền thông hỗ trợ nhưng lại chưa biết cách làm việc này hiệu quả. Bên cạnh đó, để có thể đạt khả năng tăng trưởng như dự kiến, nhất là phát triển ra toàn cầu, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến xây dựng thương hiệu với công chúng cũng như với các đối tác, nhà đầu tư, ... nhất là trong bối cảnh biến động của xã hội vừa qua.

Giám đốc Văn phòng Đề án 844, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Phạm Dũng Nam
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Phạm Dũng Nam phát biểu

Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Phạm Dũng Nam, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về xây dựng chiến lược truyền thông phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hay còn gọi là các “startup”, trước bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19; kết nối, thúc đẩy sự trao đổi thông tin và quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và người làm truyền thông; và chia sẻ các hoạt động hỗ trợ từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận xoay quanh vai trò của thương hiệu và công tác truyền thông đối với mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phương pháp xây dựng thương hiệu và phát triển mối quan hệ với các cơ quan thông tấn báo chí; đồng thời thảo luận với các chuyên gia về phản ứng báo chí Việt Nam trước câu chuyện thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như gợi ý chiến lược cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trước những cơ hội mới.

Xuân Tùng