Kênh bán lẻ truyền thống:

Chiếm thị phần lớn nhưng lại bị “bỏ quên”

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 16:53 - Chia sẻ
Kênh bán lẻ truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng tạp hóa, hàng rong chiếm thị phần 75%, đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các loại hình bán lẻ hiện đại, kênh bán lẻ truyền thống cũng cần có những thay đổi để giữ vững sức cạnh tranh trên thị trường.

Tốc độ phát triển chỉ 2-3%

Số liệu từ Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho thấy, đã gần 30 năm liên tục phát triển, nhưng đến nay kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm 25 - 26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa, cửa hàng lẻ và cả hàng rong chiếm khoảng 75% thị phần, trong đó chợ chiếm khoảng 40%. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%) hay Singapore (90%).

Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú đánh giá, kênh truyền thống đã có từ lâu, là nét văn hóa và thói quen của người tiêu dùng, chủ yếu phục vụ các đối tượng thu nhập trung bình thấp trở xuống trong xã hội. Lý giải nguyên nhân, ông Phú cho biết, cả nước ta hiện nay có khoảng 8.700 chợ và 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa. Người dân tìm đến các cửa hàng tạp hóa, một là bởi sự thuận lợi, “tiện đâu mua đấy”. Hai là thuế ở các cửa hàng tạp hóa là thuế khoán, không phải thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% như trong siêu thị dẫn đến đến giá cả rẻ hơn. Ba là, ở chợ, các tiệm tạp hóa bán theo kiểu thân quen, thường có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng. Bốn là, bản thân các siêu thị cũng chưa hoàn thiện, vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng phẩm chất kém.

Cũng theo vị chuyên gia này, thực tế từ thị trường bán lẻ, kênh thương mại hiện đại dù tỷ lệ bao phủ thấp nhưng lại phát triển nhanh chóng với tốc độ bình quân 10-12%/năm. Kênh bán hàng truyền thống tỷ lệ bao phủ rộng lớn nhưng tốc độ phát triển chỉ ở 2-3%. Sự cạnh tranh giữa kênh bán lẻ hiện đại và kênh truyền thống ngày càng gay gắt, trong đó phần yếu thế thua thiệt thuộc về kênh truyền thống.

Phân tích cụ thể, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga cho biết, hiện nay có đến 2 triệu hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống, tuy nhiên kênh thương mại hiện đại lại có tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây. Sự cạnh tranh rất “khốc liệt”, khi mà các siêu thị, trung tâm thương mại hiện nay đều được đầu tư rất lớn, lại có thêm những kinh nghiệm quản lý từ nước ngoài, những kênh xúc tiến thương mại trực tuyến. Đặc biệt, có rất nhiều các hệ thống phân phối lại mở ngay trước cửa các chợ truyền thống và khu đô thị đông dân. Thực tế, thương mại ở khu vực chợ đang giảm dần, một bộ phận người dân bắt đầu chuyển sang thích đi siêu thị, nhất là các siêu thị có tương tác trực tuyến trên các trang mạng xã hội như facebook, youtube; chưa kể đến những chương trình khuyến mại hấp dẫn người tiêu dùng, những quảng cáo bán hàng không lợi nhuận; tích hợp bán hàng đa kênh giữa mua sắm trực tuyến và kênh trải nghiệm cho khách hàng, bà Lê Việt Nga cho hay.

Kênh bán lẻ truyền thống chiếm 75% thị phần. Nguồn: ITN
Kênh bán lẻ truyền thống chiếm 75% thị phần. Nguồn: ITN

Có cơ chế, chính sách khả thi

Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú thông tin, những năm gần đây, mặc dù các tỉnh và thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và cải tạo các chợ, Bộ Công thương cũng có cả một đề án phát triển chợ tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên vấn đề đầu tư và phát triển, duy trì sự hoạt động của chợ lại là một chuyện khác. Thực tế cả nước chỉ có 15 - 20% chợ loại I, còn lại là chợ loại II và III. Hạ tầng nhiều chợ đã xuống cấp, các vấn đề vệ sinh môi trường, tổ chức nguồn hàng, an toàn thực phẩm hàng hóa bán trong chợ còn nhiều tồn tại, kinh phí cải tạo ở các địa phương còn ít. Bộ máy quản lý chợ chưa được chuyển đổi, dẫn đến việc chủ động hạch toán kinh tế còn nhiều lúng túng bất cập, hoạt động còn ỉ lại, dựa dẫm. An toàn phòng chống cháy nổ cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

Nhiều thành phố đã chọn một số chợ để cải tạo lại thành trung tâm thương mại theo mô hình mới. Tuy nhiên, từ thiết kế tới cơ chế vào chợ sau cải tạo còn nhiều khúc mắc, dẫn tới tình trạng chợ hoạt động không hiệu quả. Đầu tư vào chợ sau cải tạo kinh phí rất lớn, tiểu thương "không chịu được", dẫn tới việc bỏ chợ, giảm sạp kinh doanh khá phổ biển. Điển hình như ở Hà Nội đã phải tạm dừng việc cải tạo chợ cũ thành trung tâm thương mại để đi tìm các mô hình khác hiệu quả hơn.

Nhấn mạnh việc cải tạo và xây dựng phát triển chợ là vô cùng quan trọng, theo ông Phú, nhà nước cần phải quy hoạch, có những cơ chế, chính sách thỏa đáng, hợp lý, mang tính khả thi để tiếp tục gây dựng lại bộ mặt của kênh thương mại truyền thống đang bị sa sút. Đặc biệt sau khi cải tạo và xây dựng chợ, cần có bộ máy tổ chức hợp lý, đủ các quy chế, quy định để có thể tự chủ trong việc hạch toán, quản lý chi phí trong chợ. Coi trọng việc tổ chức nguồn hàng, có nguồn gốc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Xây dựng văn hóa kinh doanh chợ, mục tiêu quan trọng là nâng cao năng lực cạnh tranh của chợ với các kênh bán hàng có ưu thế hơn mình đang lấn át thị phần đối với chợ.

Để thích nghi với bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kênh bán lẻ truyền thống, mà cụ thể là các chủ cửa hàng, chủ bán lẻ phải xây dựng được những phần mềm bán hàng, quản lý tồn kho, thúc đẩy các hình thức giao hàng tận nhà, bán hàng qua điện thoại thay vì chỉ chăm chăm bán hàng tại chợ cũng như tại mặt bằng cửa hàng kinh doanh. Bên cạnh đó, kênh truyền thống bên cạnh mảng bán lẻ thì cần mở rộng và đẩy mạnh mảng bán buôn, ông Vũ Vinh Phú khuyến nghị thêm.  

Ngoài ra, dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước xúc tiến và dự kiến sẽ có mặt trong năm nay, điều này có nghĩa là ngay ở các sạp hàng, các chợ, ở những khu vực đông đúc ở xa đã có những hình thức thanh toán không tiền mặt, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kênh bán lẻ truyền thống theo hướng hiện đại hơn, bắt nhịp được với bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết.

Thảo Anh