Gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay trả lương

Chỉ cần một điều kiện để giải ngân

- Thứ Hai, 28/09/2020, 06:13 - Chia sẻ
Đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam TÔ HOÀI NAM không bất ngờ với điều này. Theo ông, để tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ, chỉ cần đặt ra một điều kiện thay vì nhiều điều kiện làm khó doanh nghiệp.

Chính sách chỉ mang tính biểu tượng

- Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào được vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do tác động của dịch Covid-19. Ông nghĩ sao?

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguyên nhân khiến gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng chưa giải ngân một phần do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc, còn tích lũy kinh phí để trả lương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Chính phủ đã khống chế tốt dịch đợt 1 nên các doanh nghiệp không có lao động ngừng việc liên tục 1 tháng (không đủ điều kiện được phê duyệt danh sách vay vốn theo quy định).

Cơ quan này đang được giao đầu mối phối hợp các bộ, ngành trình Chính phủ sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.

- Quả thực tôi không bất ngờ về thông tin này nếu không muốn nói là đã lường trước được. Nó phản ánh đúng hạn chế của chính sách, cụ thể là việc đưa ra các điều kiện mà doanh nghiệp không thể đáp ứng.

- Ông có thể nói rõ hơn?

- Chẳng hạn để được vay gói này, doanh nghiệp không được phát sinh đồng doanh thu nào. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh dù có đứng trên bờ vực phá sản cũng cần giải phóng hàng hóa, theo luật đó là doanh thu. Như vậy, khó doanh nghiệp nào đáp ứng nổi điều kiện này, kể cả doanh nghiệp sắp phá sản.

Hoặc điều kiện doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1.4 đến hết ngày 30.6.2020 cũng không phù hợp vì đi quá sâu làm bó buộc khả năng phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn tồn tại thì không thể thiếu người lao động. Đó là mối quan hệ nhân quả, mật thiết với nhau. Do đó, không cần thiết quy định tỷ lệ như vậy.

- Chính sách ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng không doanh nghiệp nào được hưởng lợi thì có thể nói chính sách đã thất bại không, thưa ông?

 - Phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lần 1 là tình huống gây bất ngờ cho cả Chính phủ và doanh nghiệp. Khi ấy, những người làm chính sách nghĩ ngay tới gói hỗ trợ từ phía Chính phủ để trợ lực cho doanh nghiệp, thông qua việc giữ chân người lao động và được ban hành theo thủ tục rút gọn, giúp chính sách nhanh chóng triển khai thay vì theo quy trình thông thường. Đây là mục tiêu chiến lược rất ý nghĩa khi vừa bảo đảm thực hiện an sinh xã hội vừa giúp doanh nghiệp giữ vững lực lượng sản xuất để sau này có cơ hội sẽ bật lên.

Cũng bởi chính sách được ban hành trong tình huống rất bất ngờ nên trong quá trình làm rõ ràng chúng ta mới chỉ đạt mục tiêu về mặt chiến lược. Việc thiết kế các điều kiện chưa lường hết được những khó khăn trong triển khai, không thiết kế được quy định cụ thể, đưa ra điều kiện không cần thiết, một số điều kiện doanh nghiệp không thể đáp ứng được. ­Mặc dù không muốn nói ra nhưng vì không ai tiếp cận được nên rõ ràng, chính sách chỉ mang tính biểu tượng.

Doanh nghiệp rất cần gói hỗ trợ trả lương cho người lao động.
Ảnh: Đan Thanh

Điều kiện duy nhất là “doanh nghiệp có dùng trả lương không?”

- Theo ông, doanh nghiệp có còn cần gói hỗ trợ này nữa không?

- Sau gần 8 tháng chống chọi với dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và và vừa bắt đầu có biểu hiện đuối về trường vốn, gặp khó khăn về thị trường, nguồn cung… Có dự báo là nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch mà trên thế giới dịch vẫn diễn biến phức tạp thì tỷ lệ mất việc ở nước ta vào khoảng 72.000 - 80.000 người/tháng và nằm ở tất cả loại hình doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Một trong những nguyên nhân khiến lao động mất việc là doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cân đối chi phí để trụ vững.

Do vậy, chính sách hỗ trợ trả lương cho người lao động nói riêng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung trong lúc này vẫn vô cùng cần thiết và cần sớm được triển khai, làm càng mạnh càng tốt. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có 5 - 7 lao động, họ chỉ cần hỗ trợ 100 - 200 triệu đồng để trả lương đã có thể cứu sống doanh nghiệp. Thêm nữa, chính sách này nếu được làm sớm và hiệu quả sẽ giải quyết vấn đề về an ninh trật tự, vì thường lao động không được đào tạo sẽ có nguy cơ mất việc trước tiên và tỷ lệ vi phạm pháp luật trong nhóm lao động này cao hơn.

- Vậy gói 16.000 tỷ đồng này cần được triển khai thế nào trong thời gian tới?

- Hãy "mở toang" để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ này, bỏ bớt điều kiện. Theo tôi, chỉ nên quy định một điều kiện duy nhất là doanh nghiệp có trả lương cho người lao động không và hậu kiểm việc thực hiện quy định đó. Cơ quan quản lý hoàn toàn xử lý được vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện