Tản mạn

Chảy đi kìa, sông ơi!

- Chủ Nhật, 20/09/2020, 09:10 - Chia sẻ
Vậy là từ nay "bộ tứ sông Hồng" đã khuyết mất một trong bốn góc thật đẹp của hình tứ giác, người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết! Vĩnh biệt "con sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa, thiết tha ấp ôm bến bờ xứ sở, miệt mài chảy mãi khôn nguôi/ Chuyện bao đời sông biết cả, mà sao vẫn trẻ mãi không già..."!

Tôi nghĩ mình hẳn là may mắn, để lúc này có thể phần nào thanh thản trước sự ra đi của người nhạc sĩ đáng kính mà tôi vô cùng gắn bó: Nhạc sĩ Phó Đức Phương, khi đã được làm và làm được hai đêm nhạc về chú, kịp trước khi chú qua đời (vào trưa qua, 19.9). Một là đêm nhạc riêng của chú ("Khúc hát phiêu ly", tháng 7.2020), trong đó tôi đảm nhận vị trí biên tập âm nhạc; hai là đêm nhạc "Tùng Dương hát "Bộ tứ sông Hồng" (gồm các sáng tác của 4 nhạc sĩ tài năng vùng châu thổ: Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường và Phó Đức Phương) vào tháng 6.2018.

Nếu như đêm nhạc "Khúc hát phiêu ly" là một quyết định nhanh chóng, tức thời, "như một lời chia tay" khi biết tin chú Phương đã mang trong mình trọng bệnh, thì "Bộ tứ sông Hồng" phải nói là một ý tưởng nghệ thuật độc đáo mà tôi ấp ủ từ rất lâu trước đó. Có người hỏi tôi, nếu coi đây là một bộ tranh tứ bình, anh sẽ “gọi tên bốn mùa” như thế nào, thì tôi bảo: Thật khó mà phân định được ai trong 4 người là mùa xuân hay mùa hạ, mà dễ thường, tự trong mỗi người đã chứa đựng cả 4 mùa ấy, thì mới có thể tạo ra được những nhạc phẩm vượt thời gian và quyến rũ lòng người đến thế.

Tôi yêu “bố Tiến” vì cái chất du ca lãng tử của ông, rất bụi, rất đời mà cũng lại có lúc thấm đẫm chất thiền trong đó. Yêu chú Thụ vì vẻ đẹp buồn trong trẻo dịu nhẹ trong âm nhạc của chú, xét cho cùng cũng chính là sức mạnh của nam tính và sự từng trải. Chú Phương và "bố Cường" thì cùng khai thác chất liệu văn hóa dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng ở mỗi tấm gương phản chiếu, lại ra hai bức chân dung khác hẳn nhau. Nghe những “Trên đỉnh Phù Vân”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Thần chim lạc”, “Bên dòng sông Cái”, “Chảy đi sông ơi”... của Phó Đức Phương, đủ biết cái tình của ông với quê hương đất nước, vừa phơi phới rộng mở, lại cũng vừa thăm thẳm ưu tư, dù có trèo non hay xuống bể thì cuối cùng cũng vẫn nặng tình với “bánh đa bánh đúc” quê mình. Nguyễn Cường thì hào sảng, bụi bặm mà cũng lại hết sức bí ẩn như chính chiếc mũ phớt - vật bất ly thân của "bố" vậy.

Bốn nhạc sĩ, cũng có thể gọi họ là những “tráng sỹ sông Hồng”, bằng cá tính riêng mạnh mẽ và tâm hồn lộng gió của mình, đã gom hết gió mây để tạc nên bức chân dung toàn cảnh không thể đẹp hơn về mảnh đất thiêng châu thổ sông Hồng mà họ được sinh ra và mãi mãi thuộc về.

Cả bốn người, đặc biệt là chú Phương, dù cùng đi qua và nếm trải những hệ lụy, cú sốc của chiến tranh, hậu chiến, rồi những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, những thử thách của thời kinh tế thị trường..., nhưng kỳ lạ sao trong âm nhạc của họ, ta chỉ thấy những niềm vui phơi phới của những cánh buồm căng no gió, của những cái ngẩng đầu; hoặc nếu có buồn, thì cũng đều là những nỗi buồn thật đẹp, thật thoát tục, chứ chưa bao giờ bế tắc bi lụy, vụn vỡ hay bất mãn...

Ở cương vị của những người kế thừa và sáng tạo di sản âm nhạc mà các nhạc sĩ lớp trước đã để lại, tôi cho rằng “bộ tứ sông Hồng” đã hoàn thành một phiên đổi gác quá xuất sắc mà đó cũng chính là một phần lý do khiến một ca sĩ 8X như tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm viết tiếp bằng tiếng hát của mình.

Vậy là từ nay "bộ tứ sông Hồng" đã khuyết mất một trong bốn góc thật đẹp của hình tứ giác, người tráng sĩ sông Hồng mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết! Vĩnh biệt "con sông hiền hòa, chở đầy nước ngọt phù sa, thiết tha ấp ôm bến bờ xứ sở, miệt mài chảy mãi khôn nguôi/ Chuyện bao đời sông biết cả, mà sao vẫn trẻ mãi không già..."!

"Chảy đi kìa, sông ơi!"...

Tùng Dương