Chính sách và cuộc sống

Chặt chẽ và thật “đúng vai”

- Thứ Tư, 06/05/2020, 07:04 - Chia sẻ
Được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44 nhưng hồ sơ về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hà Nội và Đà Nẵng đều phải hoàn thiện lại cả về thể thức văn bản, phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền quyết định và nhiều nội dung cụ thể khác để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Chín tới.

Với TP Hà Nội, tại Phiên họp thứ 44, Chính phủ chỉ trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19.5.2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Nhưng xem xét cặn kẽ các nội dung được nêu trong dự thảo Nghị định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ phải trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về vấn đề này.

Lý do dẫn đến sự thay đổi cơ bản như vậy trước hết là bởi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định các vấn đề được nêu trong Tờ trình về dự thảo Nghị định của Chính phủ. Cụ thể là, theo Khoản 2 Điều 74 Luật Ngân sách Nhà nước, Thủ đô Hà Nội được thực hiện cơ chế tài chính ngân sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô; Điều 74 Luật Ngân sách Nhà nước chỉ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền cho ý kiến về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại và một số cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Trong khi đó, những vấn đề Chính phủ trình sửa đổi Nghị định đều nằm ngoài quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Thủ đô.

Không chỉ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù cho Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu phải tính kỹ tên gọi và phạm vi điều chỉnh, tiếp tục rà soát lại để bảo đảm có những quy định đặc thù dành cho Thủ đô nhưng đồng thời cũng không để xảy ra những xung đột lớn với các luật hiện hành, đặc biệt là Luật Thủ đô, Luật Ngân sách Nhà nước.

Với TP Đà Nẵng, Chính phủ trình Quốc hội ban hành một Nghị quyết về phát triển thành phố này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 2 nhóm chính sách lớn: một là, thực hiện cơ chế chính sách trên các lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính, ngân sách, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; hai là, thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

Đà Nẵng không phải là địa phương đầu tiên mong muốn có cơ chế đặc thù để phát triển. Quốc hội cũng đã từng ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh với phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, cơ chế ủy quyền của các cấp chính quyền. Hay đối với thành phố Hà Nội, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết thí điểm về chính quyền đô thị.

Chính phủ hiện cũng đã ban hành Nghị định 144/2016/NĐ-CP ngày 1.11.2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý với thành phố Đà Nẵng. Như vậy, nếu Chính phủ muốn điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các chính sách đặc thù đã được quy định tại Nghị định 144 thì xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiến hành sửa đổi Nghị định. Những vấn đề muốn sửa đổi, bổ sung nhưng vượt quá thẩm quyền của Chính phủ đã được quy định tại các luật có liên quan thì phải trình Quốc hội. Nguyên tắc là như vậy và rất rõ ràng.

Tuy nhiên, đề xuất của Chính phủ vừa qua không chỉ quá rộng về phạm vi điều chỉnh mà ngay từ tên gọi của dự thảo Nghị quyết và nhiều nội dung cụ thể cũng không đúng thẩm quyền, không phù hợp với tính quy phạm của một Nghị quyết do Quốc hội ban hành. Như tên gọi chẳng hạn, phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương là vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Điều này đã được Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định sao có thể “đẩy” lên Quốc hội quyết định? Hay đến thời điểm này, Đà Nẵng là địa phương duy nhất đề nghị Quốc hội giao cho chính quyền thành phố được điều chỉnh quy hoạch. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ các nguyên tắc của Luật Quy hoạch và toàn bộ quy hoạch bởi khi chính quyền Đà Nẵng được cho phép điều chỉnh quy hoạch thì liệu chính quyền các địa phương khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có “đòi” được giao quyền tương tự hay không?  

Bóc tách từng nội dung cụ thể trong các đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hà Nội và Thành phố Đà Nẵng như hồ sơ trình của Chính phủ tại Phiên họp thứ 44 cho thấy rất nhiều nội dung phải tiếp tục làm rõ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới, đặc biệt là các nội dung về thẩm quyền quyết định cơ chế, chính sách phải làm cho thật chặt chẽ và thật “đúng vai”.

Cũng cần nói thêm rằng, luật hiện hành đã quy định đủ rõ về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương. Việc trình Quốc hội những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc ngược lại, không trình Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội đều phải tránh, không nên tái diễn. Bởi mỗi cơ quan, mỗi cấp chính quyền làm đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình thì cả hệ thống mới vận hành nhịp nhàng, thông suốt.

Lam Anh