Bạn đọc viết

Cầu vượt hay “điểm nghẽn” giao thông?

- Thứ Tư, 29/07/2020, 05:43 - Chia sẻ
Cầu vượt nhẹ, cầu bê tông vĩnh cửu được xem là giải pháp cho bài toán ùn tắc giao thông rất căng thẳng ở Hà Nội. Thực tiễn cũng chứng minh, cầu vượt đã góp phần không nhỏ trong việc giảm quá tải cho các nút giao đồng mức ở nội đô, gỡ một số nút thắt ở cửa ngõ vào trung tâm thành phố.

Thế nhưng cách đây nhiều năm, khi Hà Nội ồ ạt xây lắp cầu vượt nhẹ, đã có những cảnh báo về việc “bội thực” cầu vượt, lợi bất cập hại có thể xảy ra. Bởi, một cây cầu để thông một nút giao thì dễ, nhưng giải tỏa được ách tắc trên cả trục đường lại là chuyện khác, nếu hạ tầng giao thông trên những tuyến có cầu không thay đổi. Thực tế cho thấy, thay vì “mắc” chính giữa nút giao như trước đây, ùn tắc giao thông dần dần dịch chuyển sang các điểm trước hoặc sau cầu vượt.

Đơn cử, tại khu vực chân cầu vượt Láng Hạ - Lê Văn Lương, vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều đều xảy ra tình trạng ùn tắc. Theo đó, với bề ngang đường dẫn lên cầu chỉ bằng 1/3 bề ngang mặt đường nên lối lên cầu luôn trở thành điểm nghẽn giao thông; những phương tiện từ Hà Đông, Thanh Xuân phải chờ hàng chục phút mới có thể lưu thông qua đây, không khác gì 10 năm trước khi có cầu vượt. Trục Liễu Giai - Văn Cao trước kia không nằm trên bản đồ ùn tắc của Hà Nội, nhưng kể từ sau khi xuất hiện cầu vượt, áp lực giao thông từ trung tâm đẩy sang phía Hồ Tây, khiến khu vực Văn Cao, Trích Sài, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám thường xuyên ngột ngạt.

Tình trạng này cũng xảy ra tại nhiều cây cầu vượt nhẹ khác như Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Trần Khát Chân… và cả những cây cầu vượt vĩnh cửu như Ngã Tư Sở, Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương… Không chỉ ùn tắc, mà tần suất va chạm giao thông cũng gia tăng tại các khu vực đường dẫn của cầu vượt, do sự đan cài, xung đột giữa các hướng đi ngay nút giao đầu cầu.

Để hạn chế tình trạng ùn tắc, cùng với việc điều tiết phương tiện giao thông bằng tín hiệu đèn tại khu vực đường dẫn hoặc nút giao trước khi lên cầu vượt, các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự giao thông ở khu vực xung quanh, phân luồng giao thông trực tiếp để tạo đường lên cầu bảo đảm giao thông được thông suốt. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được triệt để thực trạng này.

Không phủ nhận, những cây cầu vượt trên địa bàn Hà Nội đã góp phần giảm ùn tắc cục bộ tại một số nút giao trên địa bàn trong thời gian nhất định. Song, đây cũng không thể là giải pháp dài hạn cho bài toán giao thông đô thị. Bởi các giải pháp cầu vượt nhẹ, hay cả cầu bê tông cốt thép thiết kế vĩnh cửu của Hà Nội chủ yếu nhằm cải thiện khả năng thông xe theo một hướng. Trong khi, nguyên tắc xây cầu vượt là không đấu nối các đường ngang vào chân cầu và không cho phép rẽ ngay dưới chân cầu để giảm xung đột và bảo đảm an toàn giao thông khu vực chân cầu.

Nói các khác, để gỡ “nút thắt cổ chai” về giao thông, quy hoạch cho một nút giao, một điểm cục bộ về cơ bản khó giải quyết được vấn đề, thậm chí rất dễ rơi vào tình trạng chỉ giải quyết trước mắt, tạm thời và có thể lại xuất hiện các xung đột mới ngay tại vị trí cũ, vô hình trung biến những cây cầu vượt thành “điểm nghẽn” giao thông. Nguyên tắc tổ chức giao thông vốn phải từ xa đến gần, từ phụ cận đến trực tiếp, chính vì thế, để hiệu quả phải lưu ý về khoảng cách từ cầu vượt đến nút giao và giữa các điểm giao cắt trên cùng tuyến; phải từ góc độ quy hoạch, tái tổ chức giao thông cho cả một vùng, chứ không chỉ cục bộ một vài điểm.

Hiểu Lam