Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (TeleHealth)

Cánh tay nối dài của ngành y tế

- Thứ Bảy, 12/09/2020, 05:46 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa, bệnh tại các cơ sở y tế là phương pháp giúp hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Không chỉ giúp bệnh nhân nặng cần phẫu thuật không phải chuyển lên tuyến trên, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (TeleHealth), còn giúp các bác sĩ tuyến dưới rút ngắn thời gian học tập kinh nghiệm điều trị bệnh.

Giảm chi phí, giảm gánh nặng

Với hệ thống TeleHealth, mới đây, tại Bệnh viện K, các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, xạ trị, nội khoa, phụ khoa... đã trao đổi phương án điều trị, sử dụng thuốc để cùng đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh ung thư buồng trứng tại Điện Biên.

Khám chữa bệnh từ xa Viettel TeleHealth giúp xóa nhòa khoảng cách giữa các tuyến
Nguồn: ITN

PGS.TS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, việc triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa trong thời điểm hiện tại thể hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch Covid-19, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, mang tới nhiều lợi ích cho người bệnh và các cơ sở y tế; hạn chế người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh.

Đồng thời, tăng cường công tác khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trong trường hợp bệnh viện tuyến dưới điều trị được. “Người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh”- PGS.TS. Lê Văn Quảng cho biết.

Theo đánh giá của các bác sĩ, khám, chữa bệnh từ xa đã bắt đầu từ thế kỷ XX với sự ra đời của sóng radio. Song, ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương tiện truyền dẫn, thiết bị công nghệ cao trong y học, việc khám chữa bệnh, tư vấn phẫu thuật đã được thực hiện ở trình độ kỹ thuật cao hơn. Với TeleHealth, một cuộc tư vấn phẫu thuật nội soi 3D đã được thực hiện giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Đây là 1 trong những công nghệ mới nhất giúp người thầy thuốc nhìn qua hệ thống hình ảnh mà như đang đứng trong phòng mổ.

“Lần đầu tiên, rất nhiều bà con ở vùng sâu, vùng xa, thậm chí bà con ở miền núi nhận được sự tư vấn, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị của các giáo sư, chuyên gia mà bà con chưa bao giờ biết hoặc chỉ biết qua màn ảnh truyền hình. Đây là một lợi ích vô cùng to lớn của hệ thống khám, chữa bệnh từ xa của Viettel”, GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẳng định.

Không chỉ giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao, những buổi hội chẩn hội tụ chuyên gia hàng đầu của cả nước thông qua nền tảng trực tuyến TeleHealth cũng giúp Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận, điều trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân Covid-19.

Theo GS.TS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nền tảng trực tuyến này có ý nghĩa rất quan trọng với bệnh viện trong thời điểm cần hạn chế đi lại, các bệnh nhân ở tại chỗ vẫn nhận được sự theo dõi, điều trị của các bác sĩ ở tuyến Trung ương. Nếu như không có nền tảng trực tuyến, chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hay các bệnh viện lớn sẽ rất khó hỗ trợ cho bệnh viện điều trị trực tiếp Covid-19. Nền tảng công nghệ TeleHealth đã tạo điều kiện cho các chuyên gia được tiếp xúc với các nhân viên y tế tại chỗ, nắm chắc tình hình bệnh nhân trong các khu cách ly; giúp nhân viên y tế tiếp cận với bệnh nhân nhanh hơn, an toàn hơn, nâng cao hiệu quả điều trị.

Bảo đảm phối hợp trong điều trị

Theo các chuyên gia y tế, thông qua hệ thống này, việc đào tạo bác sĩ trở nên dễ dàng hơn, các bác sĩ tuyến dưới không cần đến tập trung tại Bệnh viện tuyến Trung ương hoặc các cơ sở y tế, bệnh viện đầu ngành để được đào tạo, mà vẫn được “cầm tay chỉ việc” nâng cao trình độ. Ngoài ra, hệ thống TeleHealth còn giúp kết nối các bệnh viện tuyến trên với nhau, phối hợp điều trị và hội chẩn các bệnh khó, bệnh hiếm trong nước cũng như trên thế giới.

Chia sẻ thêm về nội dung này, GS.TS. Trần Bình Giang cho hay, từ năm 2013 - 2019 có gần 600 cuộc hội chẩn, đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ xa được bệnh viện thực hiện thường xuyên hàng tuần với 23 điểm cầu. Đến nay, nhờ có Viettel TeleHealth, con số các điểm cầu đã tăng từ 23 lên tới hơn 100 điểm cầu, có cả các bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện công và bệnh viện tư đăng ký trở thành điểm cầu vệ tinh của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức. Điều khác biệt quan trọng nhất so với giai đoạn trước chính là sự phát triển của khoa học công nghệ. Nếu trước đây, để truyền 1 cuộc phẫu thuật, hệ thống truyền dẫn thông tin phải mất 2 tuần để tổ chức, bố trí; hơn 100 kỹ thuật viên công nghệ thông tin phải trực toàn bộ đường dây hữu tuyến để bảo đảm hệ thống hoạt động thông suốt. Ngày nay, tất cả đã được tự động hóa với băng thông rất lớn.

Hệ thống này tạo thành một thế giới phẳng, trở thành cánh tay nối dài của ngành y tế. Theo đó, các bác sĩ tại trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống để hỏi ý kiến của chuyên gia ở tuyến Trung ương, giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, xoá nhòa được sự phân cấp tuyến này, tuyến kia. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể tập trung đông người vì nguy cơ lây lan cao, hoạt động đào tạo trực tiếp đều phải dừng lại thì thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến, các bác sĩ vẫn thực hiện được các buổi hội chẩn, trao đổi về trường hợp bệnh nhân khó và tập huấn cho các điều dưỡng về vấn đề chăm sóc người bệnh, kỹ thuật phòng, chống dịch.

“Một lợi ích nữa của nền tảng trực tuyến này là giúp ngành y tế xóa nhòa khoảng cách với thế giới. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nhiều lần thực hiện chương trình hội nghị, hội thảo và truyền hình những ca mổ để rút kinh nghiệm với các bạn đồng nghiệp quốc tế, qua đó giới thiệu với bạn bè quốc tế về trình độ, năng lực thầy thuốc ở nước ta, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao”, GS.TS Trần Bình Giang nhấn mạnh. 

Minh Nhật