Thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội Khoá XV:

Cần ưu tiên cho quy hoạch phân khu sông Hồng

- Thứ Hai, 13/07/2020, 15:27 - Chia sẻ
Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị Thành phố quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch của TP nhất là các quy hoạch lớn, quan trọng như quy hoạch phân khu sông Hồng. “Cần phải có một quyết tâm chính trị lớn và ưu tiên cho quy hoạch này để giải quyết các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về các văn bản pháp luật của bộ, ngành, Trung ương để đáp ứng nong mỏi của cử tri và nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước” - đại biểu đề nghị.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 tại Vũ Hán, quét qua châu Á, châu Âu và nay tâm dịch đang ở nước Mỹ và các nước Mỹ la tinh. Việt Nam là một trong những nước chiến thắng đại dịch Covid bằng ý chí, trí tuệ, bản lĩnh tình đoàn kết của con người Việt Nam. Qua đại dịch chúng ta càng thấy của ý Đảng lòng dân trên dưới một lòng, tính hiệu lực hiệu quả của chính quyền, sự nhân văn của một chế độ luôn vì dân, vì cuộc sống của người dân. Đại dịch cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến quản điều hành quốc gia, vấn đề môi trường, giao thông, giáo dục, vai trò của CNTT…

Trong đó, cần tạo môi trường thông thoáng, thực hiện các chính sách cụ thể để hỗ trợ khuyến khích sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Quan tâm hơn nữa đến phát trển các ngành sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng, lợi nhuận cao như: CNTT, dược phẩm,…

Hai là, cùng với tích cực thu hút đầu tư là phải quyết tâm, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thủ tục đầu tư…

Cần thiết có quy định, quy trình cụ thể trong mối quan hệ làm việc giữa cấp quận huyện với sở ngành; giữa các sở ngành với nhau; giữa sở ngành với VP UBND TP bằng việc quy định cụ thể về quy trình, thời gian để chấm dút tình trạng kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị Thành phố quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch của TP nhất là các quy hoạch lớn, quan trọng như quy hoạch phân khu sông Hồng. “Cần phải có một quyết tâm chính trị lớn và ưu tiên cho quy hoạch này để giải quyết các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về các văn bản pháp luật của bộ, ngành, Trung ương để đáp ứng nong mỏi của cử tri và nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước”, đại biểu đề nghị.

Quan tâm đến chính trang xây dựng các tuyến phố nội thành, bao gồm chính trang công trình, kiến trúc, chỉnh trang cây xanh, hè đường, cống thoát nước, hạ ngầm… cùng với việc triển khai thực hiện thiết kế chỉnh trang chi tiết các tuyến phố để nâng tính thẩm mỹ, mỹ quan đô thị cho Hà Nội.

Cùng với thực hiện tốt thu gom rác, xử lý rác là vấn đề kiểm soát khói bụi từ đốt rơm rạ, than tổ ong và đặc biệt là khí thải từ ô tô, xe máy. TP cần có kế hoạch sớm để thực hiện nội dung này. Về mặt pháp lý, nếu Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định thì TP cần ban hành một nghị quyết riêng quy định về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy. “Qua dịch Covid-19, trong những ngày cách ly cũng là thời điểm Hà Nội có không khí trong lành nhất, từ đó, có thể thấy rất rõ khí thải từ xe máy, than tổ ong, đốt rơm rạ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường”, đại biểu bày tỏ.

Đại biểu cũng đề nghị, tiếp tục tuyên truyền về ý thức an toàn giao thông cho người dân cùng với việc hoàn thiện hạ tầng lòng đường, vỉa hè; đầu tư đủ để làn đường, biển bảng chỉ dẫn rõ ràng, thuận tiện cho người dân khi tham gia giao thông. Tập trung giải quyết, khơi thông các điểm nghẽn giao thông…

Thành phố cũng cần quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp công ích, lực lượng những người lao động vì thành phố sáng- xanh- sạch- đẹp của TP. Cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách đầy đủ, kịp thời như ban hành định mức, giao kế hoạch tài chính kịp thời để đảm bảo kinh phí cho sản xuất.

ĐB Đỗ Mạnh Hải (Tổ ĐB quận Long Biên) cho rằng việc triển khai các dự án đầu tư là một trong những lĩnh vực tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế xã hội. Tuy nhiên, TP vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai. Cách đây 2 năm, HĐND TP cũng đã có những giám sát về các dự án này.

Tuy nhiên, sau 2 năm vẫn chưa có dự án nào triển khai được vì vẫn đang thanh tra, kiểm tra; vì vậy, bao giờ các dự án này triển khai được cũng cần có đầu tư thời gian và có những giải pháp tích cực để quy hoạch năng lực chủ đầu tư, để dứt khoát đẩy nhóm này lên. “Nếu chỉ cần 50% dự án chậm triển khai được khởi công là đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng KTXH TP” – ĐB Đỗ Mạnh Hải nói.

Ngoài ra, TP còn có những dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ, thường có 3 nhóm nguyên nhân: GPBM, nguồn vốn, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu. ĐB Hải đề nghị TP tiếp tục nghiên cứu có cơ chế chính sách GPMB linh hoạt hơn nữa, nhất là về chính sách tái định cư.

Đối với các dự án triển khai mới, TP cần rút bài học kinh nghiệm từ các dự án chậm triển khai và các dự án triển khai chậm. Khi và chỉ khi TP kiểm soát được năng lực của chủ đầu tư, chuẩn bị dự án một cách bài bản, chắc tay thì mới khởi công. Khi đã khởi công thì phải ấn định ngày hoàn thành, như vậy sẽ khẳng định được hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng cứ khởi công, động thổ nhưng không biết bao giờ hoàn thành. “Các dự án chỉ có giá trị khi là sản phẩm hoàn chỉnh, góp phần tích cực đến tăng trưởng kinh tế” – ĐB Hải nói.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ đại biểu Thạch Thất) cho rằng, từ bài học qua thời gian phòng chống Covid-19 cho thấy, tới đây TP cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân tự giác đồng thuận thì mọi việc sẽ thành công. Nhất là trong việc thu hồi GPMB đất đai, câu chuyện công khai minh bạch trong thực hiện các cơ chế chính sách quan trọng hơn việc phải tổ chức cưỡng chế, để người dân đồng thuận.

Nếu công tác tuyên truyền không tốt, chính quyền cơ sở làm không minh bạch, vận động Nhân dân để hiểu, tự giác thì không thể thành công. Trong đó, cơ chế chính sách hỗ trợ cho cán bộ cơ sở được người dân rất mong chờ được TP quyết định trong Kỳ họp này, tin chắc Nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống.

PHI LONG