Cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Cần tổ chức lại

- Chủ Nhật, 20/09/2020, 08:53 - Chia sẻ
Biện pháp cai nghiện ma túy tại cộng đồng được quy định tại Điều 27, Luật Phòng, chống ma túy năm 2008. Biện pháp này nhằm gắn quá trình cai nghiện với cuộc sống và công việc thường ngày, phát huy tối đa sự chia sẻ của gia đình, cộng đồng, giúp người nghiện có thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe, khả năng học tập, lao động để nâng cao năng lực hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây biện pháp này đã bộc lộ một số hạn chế, dẫn tới câu hỏi có nên tiếp tục duy trì hình thức này hay không?

Sợ kỳ thị, lo lộ danh tính

Giai đoạn từ 2009 - 2016, cả nước đã tổ chức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 51.962 lượt người (chiếm 27,38% tổng số người được cai nghiện theo các hình thức). Đến tháng 12.2018, có 2.719 xã, phường, thị trấn thuộc 20 tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, đáng lo ngại là từ năm 2014, số người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng giảm mạnh. Hiện cả nước chỉ còn 13 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Lê Văn Khánh thẳng thắn khi cho rằng, nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, điều hành ở nhiều địa phương chưa quyết liệt, thiếu cơ sở vật chất và nhân lực, chuyên môn hạn chế; hoạt động chủ yếu mới dừng ở khâu cắt cơn, thiếu các giải pháp quản lý, hỗ trợ sau cắt cơn, người cai tự nguyện không được hỗ trợ kinh phí nên không khuyến khích được nhiều người tự nguyện tham gia. Trong khi đó, cơ sở vật chất hiện có chủ yếu chỉ có trạm y tế cấp xã, nhưng phần lớn người nghiện không muốn cai nghiện tại đây vì sợ lộ danh tính, bị kỳ thị. Thiết kế, trang bị và nguồn nhân lực của phần lớn các trạm y tế cấp xã hiện nay không phù hợp để cắt cơn và hỗ trợ y tế thực hiện quy trình cai nghiện. Hơn nữa, việc đầu tư cơ sở điều trị cắt cơn trên địa bàn xã hoặc liên xã khó khăn về vốn và năng lực vận hành; sự kết hợp với các cơ sở cai nghiện và các cơ sở khác được phép điều trị cắt cơn, rất khó thực hiện do cơ chế phối hợp chưa rõ ràng và nhiều cơ sở cai nghiện ở xa khu dân cư tập trung.

Đồng tình với ý kiến của ông Khánh, không ít đại diện các địa phương cho rằng, người nghiện ở cộng đồng thì bị kì thị nhưng cơ quan có thẩm quyền chỉ thực sự quan tâm, vào cuộc khi người nghiện gây mất trật tự an ninh, nên thực tế biện pháp cai nghiện tại cộng đồng không hiệu quả, đây chỉ là cơ sở ban đầu để xác định đưa vào cai nghiện bắt buộc. Thực tế, trong các trường hợp người nghiện cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng chỉ có một số ít là tự nguyện cai nguyện, còn lại là do gia đình lo lắng đưa đi cai nghiện, một số được cộng đồng đưa đến các trung tâm cai nghiện, nhiều nhất vẫn là công an đưa đến do người nghiện đã vi phạm nhiều lần.

Đánh gíá hiệu quả của biện pháp cai nghiện tại cộng đồng  

Nguồn: INT 

Tổ chức lại kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa

Nghiện ma túy là một tình trạng đặc biệt, phải can thiệp dưới nhiều góc độ, từ hành vi, tâm lý, nhận thức đến sinh kế. Chính vì thế, không thể chỉ sử dụng biện pháp quản lý và giáo dục để thay thế các hoạt động điều trị hỗ trợ về y tế, tâm lý, giáo dục phục hồi, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế.

Đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, vẫn phải duy trì hình thức cai nghiện ma túy tại cộng đồng nhưng cần tổ chức lại và quy định theo nguyên tắc: Đây là hình thức tự nguyện cai nghiện do cơ quan chuyên môn thực hiện (đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, xã hội) với sự tham gia phối hợp của gia đình, các tổ chức xã hội tại cộng đồng dân cư. Với những xã, phường có ít người nghiện nên tổ chức cai nghiện theo cụm xã, phường. Ủy ban nhân dân sẽ là cơ quan quản lý, chỉ đạo hoạt động cai nghiện nói chung. Việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, xã hội, y tế mang tính chuyên môn kỹ thuật và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, do vậy phải do các cơ quan chuyên môn bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn thực hiện.

Đồng tình với quan điểm này, một số ý kiến nhấn mạnh thêm, cần thu hút sự tham gia đầu tư của xã hội vào mô hình cai nghiện tại cộng đồng. Cai nghiện ở đâu cũng phải tuân thủ quy trình chung, không riêng gì cơ sở cai nghiện bắt buộc; đơn vị nào đáp ứng đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực thì nên cho phép thực hiện, nhà nước chỉ giữ vai trò chủ đạo khi các thành phần tư nhân không làm được.

Bởi thực tế cho thấy, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng do người nghiện và gia đình người nghiện tự nguyện thực hiện tại nơi họ cư trú, có sự hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể - nơi tốt nhất mà người nghiện nhận được sự quan tâm, chăm sóc và chia sẻ. Hình thức này phù hợp Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức này chỉ hiệu quả đối với người thật sự có quyết tâm. Bên cạnh đó, gia đình phải được hướng dẫn đầy đủ, chính quyền có sự hỗ trợ kịp thời, thực chất và đặc biệt cán bộ y tế, xã hội hỗ trợ cai nghiện phải chuyên nghiệp, vì người nghiện không được cách ly với môi trường có ma túy.

Hải Vân