Cần thiết phải có đánh giá lại

- Thứ Hai, 21/09/2020, 09:30 - Chia sẻ
Bão. Cây đổ, nhà sập, tốc mái; điện, đường, trường trạm, hoa màu hư hỏng hoặc thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Nhưng trong cơn bão số 5 vừa qua, việc có nhiều cột điện bị gãy đổ khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng...

Chỉ riêng ở Thừa Thiên Huế, bão số 5 đã khiến gần 200 cột điện bị đổ hoặc gãy ngang thân, trong đó nhiều cột mới được đưa vào sử dụng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Công ty điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, hậu quả của cơn bão số 5 gây thiệt hại lớn nhất cho ngành điện kể từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên không có chuyện hệ thống cột điện của Công ty bị gãy đổ là do chất lượng kém. Hầu hết cột điện bị gãy đổ là cột bê tông ly tâm dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn mới TCVN 5487:2016, được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thẩm định và Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Loại cột này sử dụng cốt thép bê tông cường độ cao, được kéo căng bằng máy kéo ứng suất trước, đạt tới một giá trị ứng suất nhất định. Trước khi xuất xưởng đưa ra hiện trường dựng, các cột đều phải trải qua thí nghiệm đạt đúng tiêu chuẩn Việt Nam mới được sử dụng, nghiệm thu. Bão số 5 với cường độ gió lớn kèm lốc xoáy, các cột điện chịu lực uốn và lực xoắn của gió bão nên bị gãy đổ - vị Phó Giám đốc này nhấn mạnh.

Còn tại Đà Nẵng, khi thông tin trên báo chí về cột điện bị gãy ngang do ảnh hưởng của bão nhưng không nhìn thấy cốt thép, đại diện Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, đây là cột dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 và TCVN 6284-1997. Với loại cột dự ứng lực, các sợi thép chịu lực được kéo giãn khi gia công đúc cột tại nhà máy. Khi có lực tác động lớn làm gãy cột, các sợi thép có xu hướng tụt vào bên trong thân cột khoảng 1cm do trước đó đã được kéo giãn. Vì vậy, khi cột điện bị đứt gãy, nhìn bằng mắt thường sẽ không thấy lõi sắt thép. Theo đại diện Công ty, vị trí bị cột điện bị sự cố là do cây đổ đè vào đường dây, tác động lực quá lớn làm gãy cột...

Thiệt hại do bão lũ là khó tránh và khó lường. Vậy nhưng, với việc hàng loạt cột điện bị gãy do ảnh hưởng của bão số 5 vừa qua ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và một số địa phương khác khiến dư luận còn nhiều nghi ngại. Bởi bão số 5 có cường độ không lớn, vậy phải chăng các tiêu chuẩn áp dụng khi sản xuất cột điện đã bị "lạc hậu" hoặc không phù hợp với điều kiện thời tiết mưa bão hay do nguyên nhân nào khác?

Như khẳng định của một Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung là từ thực tế hàng trăm cột điện gãy đổ trong cơn bão số 5 vừa qua, cần phải xem xét, đánh giá lại khả năng chống chịu mưa bão của các cột dự ứng lực. Theo chúng tôi đánh giá, khi thiết kế đã tính toán lựa chọn cột cũng như kết cấu đường dây dựa trên tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam và đã được thẩm duyệt. Tuy nhiên một số vị trí cột dự ứng lực bị gãy đổ trước bão sẽ được đánh giá lại đầy đủ, xem những khu vực bão lụt có nên tiếp tục sử dụng cột dự ứng lực nữa hay không? Có đánh giá lại xem cột này có phù hợp với môi trường hay bị bão lụt hay không và sẽ có khuyến cáo từ cơ quan quản lý tiêu chuẩn.

Rõ ràng qua sự việc này, cần thiết phải có đánh giá lại, không nên để dư luận phải "lấn cấn" bởi lý do cột điện chịu lực uốn và lực xoắn của gió bão nên bị gãy đổ...

Ninh Khương