Sổ tay:

Cần sự lên tiếng từ cộng đồng

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:23 - Chia sẻ
Trong quá trình tham gia giao thông, có những người bất chấp các quy định về an toàn, vừa lái xe vừa làm việc cá nhân, thậm chí, còn vừa lái xe vừa "làm xiếc" như việc vừa lái xe vừa ăn mì tôm. Dư luận cho rằng, những hành vi này không chỉ phạt nặng, mà cần được xã hội lên án.

Ô tô, mô tô, xe gắn máy được quy định là nguồn nguy hiểm cao độ, và người được cấp giấy phép điều khiển những phương tiện cơ giới này phải đạt các tiêu chuẩn về sức khỏe, về hiểu biết pháp luật, kỹ năng cũng như đạo đức của người lái xe. Tuy nhiên, trên thực tế, có những người không ý thức được về nguồn nguy hiểm cao độ mà mình đang điều khiển, hoặc xem thường các nguy cơ đó, không tập trung vào việc lái xe, mà vừa lái xe vừa làm các việc cá nhân khác, thậm chí, còn “làm xiếc” khi đang ngồi trước vô lăng, như câu chuyện tài xế xe khách giường nằm lái xe bằng khuỷu tay, hay lái xe vừa ăn mì tôm mà dư luận xôn xao trong mấy ngày vừa qua.

Theo Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An, sau khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip về tài xế nêu trên, Sở đã xác minh thông tin, nội dung clip là đúng sự thật. Theo nội dung, hình ảnh ghi lại trong clip thì sự việc xảy ra vào 14 giờ ngày 3.8, tài xế Trần Văn Bình điều khiển xe khách giường nằm mang BKS 37B-020.40 đi trên Quốc lộ 1. Khi xe đi đến đoạn qua xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tài xế Bình đã dùng khuỷu tay điều khiển vô lăng; đồng thời cầm đũa ăn mì tôm. Người điều khiển phương tiện trong đoạn clip được đăng tài là lái xe của Hợp tác xã Cổ phần Dịch vụ vận tải hành khách Nghệ An.

Những vụ việc người điều khiển phương tiện giao thông vừa lái xe vừa làm việc cá nhân đều do hành khách phát giác như trường hợp của tài xế Bình không phải vụ việc xảy ra lần đầu. Trước đó, trên mạng xã hội đã từng xuất hiện những clip tài xế xe khách buông cả hai tay trong khi đang điều khiển xe, để bưng tô mì, vừa đi vừa ăn. Khi gặp phương tiện phía trước, tài xế mới dùng một tay để bấm còi, rồi lại tiếp tục ăn trong khi xe vẫn chạy, trong khi có nhiều phương tiện đang cùng lưu thông trên đường. Hay, có clip tố giác một tài xế xe buýt đang chở hàng chục người, mà vừa lái xe vừa chơi bài… Những kiểu “làm xiếc” của các tài xế xe khách khiến bản thân hành khách trên những chuyến xe ấy thót tim, còn người dân thì vô cùng phẫn nộ.

Mặc dù, các tài xế này sau đó đã bị ngành chức năng tước bằng lái xe, xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ công việc. Nhưng vụ việc như vậy một lần nữa đã làm dấy lên những lo lắng cho người tham gia giao thông, trong bối cảnh tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, nhất là các vụ tai nạn liên quan đến xe khách để lại hậu quả thảm khốc.

Ở góc độ pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn liên quan như Nghị định số 81/2013/NĐ-CP; Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và  đường sắt; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt... thì tùy từng mức độ, tính chất hành vi vi phạm đều xử lý nghiêm minh với các chế tài kèm theo; thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song thực tế cho thấy, để góp phần hạn chế những hành vi nguy hiểm tương tự, chính bản thân hành khách đi xe cần mạnh dạn lên tiếng phản đối ngay để tự bảo vệ mình và bảo vệ mọi người, trước khi các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc. 

Hải Thanh