Để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương:

Cần phối hợp chặt chẽ hơn

- Thứ Năm, 14/05/2020, 15:58 - Chia sẻ
Hoạt động của HĐND có đạt hiệu lực, hiệu quả thực sự hay không, ngoài nỗ lực của mỗi đại biểu, các cơ quan của HĐND, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp chính quyền. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt phương châm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Không can thiệp quá sâu

Trong mối quan hệ giữa HĐND với cấp ủy, về mặt tổ chức có liên hệ rất chặt chẽ, đó là Bí thư (hoặc Phó Bí thư) cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND. Nhưng, nếu không xử lý tốt dễ dẫn đến hai thái cực. Thứ nhất, Chủ tịch can thiệp quá chi tiết vào công việc của HĐND (trong khi chỉ là kiêm nhiệm), nên việc gì cũng phải chờ xin ý kiến, thậm chí các hội nghị có khi cũng phải hoãn chờ Chủ tịch do bận công tác Đảng. Tình trạng đó làm mất đi tính chủ động, sáng tạo của Thường trực, các ban HĐND và hoạt động sẽ kém hiệu quả. Thứ hai, là “phó mặc” cho cấp dưới, coi việc của HĐND là của các Phó Chủ tịch và Thường trực HĐND, chỉ đến kỳ họp, Chủ tịch mới đến ngồi ghế chủ tọa, chủ trì các phiên họp. Tình trạng này dễ dẫn đến lúng túng của Thường trực HĐND khi xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, cũng dễ dẫn đến hiệu quả hoạt động kém.

Trong mối quan hệ giữa HĐND với Thường vụ cấp ủy cũng thường xảy ra, những nội dung mà HĐND sẽ thảo luận và quyết định tại kỳ họp đã được Thường vụ cấp ủy (hoặc cấp ủy) quyết định trước đó. Đó là tình trạng cấp ủy can thiệp quá sâu, quá chi tiết vào công việc của chính quyền. Khi HĐND thảo luận và quyết định, nếu không tuân thủ theo ý kiến cấp ủy (đã quyết) thì vi phạm nguyên tắc không thực hiện nghiêm nghị quyết cấp ủy; còn nếu cứ lấy nghị quyết cấp ủy và thực hiện một cách nghiêm túc, vậy thì còn cần gì đến HĐND nữa? Nội dung mà xưa nay hay nói đến HĐND hoạt động hình thức chính là ở chỗ này, đó là sự hợp thức hóa nghị quyết của cấp ủy.

Để xử lý tốt mối quan hệ này, cấp ủy chỉ nên bàn, cho chủ trương, định hướng mang tính “chiến lược”, còn các vấn đề cụ thể để chính quyền triển khai, UBND xây dựng và trình HĐND quyết định.

Đại diện HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng ký kết Nghị quyết liên tịch phối hợp thực hiện nhiệm vụ
Ảnh: Nguyệt Thu

Phát huy tính chủ động

Mối quan hệ giữa HĐND và UBND tập trung ở hai nội dung chính là: Chuẩn bị dự thảo nghị quyết trình HĐND quyết định và hoạt động giám sát. Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, các vấn đề lớn, quan trọng ở địa phương đều do HĐND quyết định trên cơ sở UBND xây dựng và trình. Tuy nhiên, các cơ quan của HĐND không chỉ “ngồi chờ” UBND trình sang rồi thẩm tra và đưa ra kỳ họp bàn quyết định, mà cần phối hợp, tham gia ý kiến ngay từ khi chuẩn bị, nhất là những vấn đề thuộc chính sách của địa phương. Thậm chí, chủ động đề xuất những vấn đề cấp bách, yêu cầu UBND xây dựng và trình HĐND để kịp thời đáp ứng công tác quản lý nhà nước cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân địa phương.

Các bước trong quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết HĐND cần được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Từ nội dung đề nghị xây dựng nghị quyết, đến quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng chịu tác động của dự thảo nghị quyết; gửi đầy đủ hồ sơ dự thảo nghị quyết để các ban của HĐND thẩm tra, thời gian gửi tài liệu... đều phải được thực hiện nghiệm túc mới bảo đảm cho việc ban hành nghị quyết của HĐND đạt chất lượng cao.

Trong hoạt động giám sát, HĐND là chủ thể, UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND là đối tượng giám sát. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo UBND và Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn lại là đại biểu HĐND. Tình trạng nể nang, dễ dãi, xuê xoa thường xảy ra làm kém hiệu lực hoạt động giám sát. Vì thế, khi thực hiện hoạt động giám sát cần “phân vai” rõ ràng hơn, nhất là thực hiện những kiến nghị sau giám sát.

Ngoài hai vấn đề chính nêu trên, tại các hội nghị TXCT, lãnh đạo UBND, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cần phân công đến dự và tiếp thu, giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Phối hợp giữa giám sát quyền lực và giám sát nhân dân

 Với đặc điểm thể chế chính trị của nước ta, sự phối hợp chặt chẽ và xử lý tốt mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt mối quan hệ: Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.

Quan hệ giữa HĐND và Ủy ban MTTQ cùng cấp thể hiện ở hai hoạt động chính: TXCT và trong giám sát và phản biện xã hội. Trong TXCT, cần phối hợp ngay từ khi xây dựng chương trình, kế hoạch, ngoài tiếp xúc định kỳ trước, sau mỗi kỳ họp (theo quy định), cần có chương trình tiếp xúc đa dạng hơn với các nhóm đối tượng khác nhau, nhất là cử tri trực tiếp lao động sản xuất vào những thời gian thích hợp. Cần thiết, nên tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân đối với những chính sách chuẩn bị ban hành liên quan đến quyền, lợi ích của đông đảo nhân dân. Ủy ban MTTQ cần thực hiện tốt việc chủ trì các hội nghị TXCT, bảo đảm phát huy dân chủ, mọi người dân đều có quyền và được trình bày ý kiến của mình.

Đến nay, theo quy định của pháp luật và quyết định của Bộ Chính trị, ngoài giám sát của cơ quan quyền lực là QH và HĐND, còn có giám sát của nhân dân do MTTQ làm chủ thể. Vì vậy, ở mỗi cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với MTTQ thông qua việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát để tránh tình trạng trùng về nội dung, đối tượng, thời gian. Đồng thời, mỗi bên cử đại diện tham gia hoạt động giám sát của nhau, góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả giữa giám sát quyền lực và giám sát nhân dân.

Hoạt động phản biện xã hội do MTTQ các cấp làm chủ thể, phản biện những vấn đề thuộc về chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cũng là những vấn đề HĐND sẽ quyết định. Mặt khác, hoạt động thẩm tra của các ban HĐND, thảo luận, xem xét thông qua nghị quyết của đại biểu HĐND cũng chính là hoạt động mang tính phản biện, làm cho nghị quyết HĐND được ban hành sát, đúng, phù hợp. Vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND và MTTQ. Các cơ quan của HĐND cần cử đại diện tham gia các hoạt động phản biện do MTTQ chủ trì; đồng thời, thống nhất những ý kiến phản biện phù hợp, làm cơ sở để đại biểu HĐND thảo luận và quyết định thông qua nghị quyết tại kỳ họp.

Anh Lương