Tọa đàm Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật

- Thứ Hai, 22/06/2020, 18:44 - Chia sẻ
Tại Tọa đàm trực tuyến “Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn” do Báo điện tử Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 12.6, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội – ông Nguyễn Lâm Thành, để bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả, không thể dừng ở tầm của một Nghị định về nước sạch. Cụ thể, cần phải có Luật để quy định rõ trách nhiệm của nhà nước đến đâu, trách nhiệm của công ty, cá nhân, chính quyền.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành

 Khả năng đáp ứng nước sạch còn hạn chế

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, bức tranh cấp nước hiện nay trên tổng thế quốc gia đã được cải thiện rất nhiều so với 20 năm trước. Mạng lưới cấp nước, chất lượng nước cung cấp tốt hơn, đặc biệt những vùng đô thị hay một số vùng nông thôn phát triển. Mặc dù vậy, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau mà việc bảo đảm cấp nước an toàn vẫn chưa được như mong muốn. Có nhiều chỉ số về yêu cầu chất lượng nước đảm bảo cho người dân được đưa ra, nhưng thực tế còn gặp nhiều khó khăn. 

Ông Nguyễn Lâm Thành chỉ ra, còn nhiều vùng xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn nước như vùng núi đá (Hà Giang), vùng cao (Cao Bằng), kể cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngay cả như khu vực Tây Nguyên trước kia nguồn nước tốt nhưng hiện nay tầng nước ngầm bị khan hiếm. Chất lượng các công trình cấp nước cũng chỉ tương đối tốt ở một số vùng, còn lại nhiều vùng nông thôn dùng nước ngầm, nước giếng khoan hay các vùng miền núi sử dụng các công trình nước tự chảy thì chất lượng nước thấp. Ở các vùng nông thôn, nhu cầu về nước sinh hoạt, nước sạch vẫn bị thiếu hụt cả nguồn nước mặt lẫn nguồn nước ngầm. Chất lượng nguồn nước cũng chưa đảm bảo do chưa có công trình đầy đủ.

Công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng theo sơ bộ đánh giá có rất nhiều công trình nước sạch ở vùng núi, một số tỉnh ở tình trạng bỏ hoang, nhiều tỉnh bỏ hoang đến 60%. Qua giám sát giảm nghèo, một trong những chỉ số liên quan đến tăng tỷ lệ nghèo ở các địa phương có tới 20-25% số hộ không đủ điều kiện cung cấp nước sạch.

Qua quá trình giám sát, công tác bảo quản, duy tu bảo dưỡng công trình nước không được duy trì tốt, đặc biệt cơ chế bảo vệ cộng đồng từ người dân cũng ảnh hưởng đến cung cấp nguồn nước và chất lượng nước, việc xả thải còn nhiều. Đối với các vùng đồng bằng hay khu đô thị có khu công nghiệp, tình trạng xả thải, xả chất độc hại ra môi trường rất nguy cấp, đáng báo động. Một số hệ thống sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ… ô nhiễm rất cao, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh thêm.

Không thể dừng ở tầm Nghị định

Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhìn nhận, chúng ta đang trong tiến trình cải thiện nguồn nước, rất nhiều nơi thiếu nước hiện nay bắt đầu đã có nước để dùng, từ chỗ có nước để dùng rồi mới bắt đầu có nước hợp vệ sinh, nước sinh hoạt. Nước bảo đảm sạch theo tiêu chuẩn y tế, nước an toàn, đây là một tiến trình phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội mà có thể trong việc xây dựng công trình mới, phụ thuộc vào trình độ nhận thức của người dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước. Chúng ta đã dần đưa các hệ thống tiêu chuẩn này vào. Vừa qua Bộ Chính trị đã ra chỉ thị liên quan đến chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia, vấn đề an toàn nguồn nước cho người dân. Từ đó tiếp tục ban hành hệ thống quy chuẩn, tăng cường nhận thức của người dân, đó là những vấn đề trong thực tiễn cần xem xét.

Từ nhận thức đối với tầm quan trọng của nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành khẳng định, về lâu dài xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều đương nhiên. Theo đó, cũng có thể xây dựng Luật nâng tầm Nghị định lên về vấn đề nước, bởi vì liên quan rất nhiều đến an ninh, an toàn nguồn nước. Khi xác định nước thực chất là một dịch vụ công của Nhà nước cung cấp người dân, thì cơ chế quản lý cũng sẽ khác. Công tác vận động tuyên truyền hay tiến hành xử phạt cũng cần phải có Luật để đầy đủ hơn, rõ ràng hơn trong phân vai trách nhiệm giữa xã hội, nhà nước và cả động đồng. Tuy nhiên việc này nằm ở khâu tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, liên quan đến hệ thống lập pháp thì trước tiên trong đề xuất ở đây thì cần thiết việc sửa đổi Nghị định 117, bởi đến nay đã 13 năm thì Nghị định này đã quá lâu và lạc hậu. Từ 2007 mục tiêu cung cấp nước sạch cho người dân, đến 2016 là cung cấp nước an toàn, thay đổi hẳn về cách tiếp cận, khái niệm cũng như yêu cầu. Trong khi đó hệ thống pháp luật vẫn như cũ, cho nên việc trước tiên phải sửa Nghị định 117, ông Nguyễn Lâm thành kiến nghị.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, cần phải bám sát những nội dung, yêu cầu, quy định của pháp luật, những định hướng trong Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ để cụ thể hóa thêm hành lang pháp lý. Hoàn thiện dần hệ thống pháp luật và nâng lên thành Luật để giải quyết căn cơ, chặt chẽ và đúng tiêu chí trong đời sống xã hội, và đặc biệt trong xu hướng xã hội phát triển hiện đại thì nước là một nhu cầu tất yếu và quan trọng.

Về cơ chế tài chính, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhìn nhận, hiện nay chúng ta có xu hướng tăng phí và nguồn thu cho việc sử dụng nước, nhưng câu chuyện thu phí ở vùng nông thôn như thế nào và làm cách nào để nhà đầu tư tham gia vào quản lý. Vừa rồi Quốc hội thảo luận về Luật Đối tác công tư, có rất nhiều đại biểu đưa hệ danh mục công trình nước vào và đặc biệt là quy mô công trình đầu tư. Cụ thể, quy mô không chỉ 200 tỷ nữa, lúc đầu dự kiến quy mô của công trình PPP là 200 tỷ nhưng chúng tôi thấy rằng đối với công trình nước hay các công trình y tế giáo dục phù hợp với địa bàn vùng núi, vùng nông thôn thì 50 tỷ đã là nhiều. Chúng ta phải tăng cường nguồn lực trong khi khả năng đáp ứng ngân sách còn hạn chế. 

Cùng với đó, phải xử lý vi phạm những vụ việc liên quan đến đổ thải nguồn nước, xử lý phải hết sức nghiêm khắc, xử lý hình sự. Tiến hành giám sát đơn vị cung cấp nước, cung cấp tiêu chuẩn nguồn nước. Tăng cường cấp nước an toàn – bảo đảm đủ, liên tục, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu người dân và chất lượng phải đảm bảo. Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, hướng đến sự thay đổi hành vi để cải thiện điều kiện, tiếp cận chỉ số phát triển liên quan đến nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành kiến nghị thêm.

Thảo Anh