Góc nhìn

Cần nhiều hơn sự đồng lòng

- Thứ Năm, 21/05/2020, 08:46 - Chia sẻ
Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ Chín sáng 20.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, so với cuối năm 2019, tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi dịch Covid-19. Do đó, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7.2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Đến nay, có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên do ảnh hưởng dịch Covid-19. Với những người lao động không có bảo hiểm xã hội, hưởng lương hợp đồng thời vụ hoặc không có hợp đồng, lúc này lập tức rơi vào khốn khó. Đặc biệt, những lao động tự do cũng tới hàng chục triệu người, như những người bán vé số, chạy xe ôm thì tình cảnh còn khó khăn hơn. Nguồn thu nhập họ có được từng ngày để lo cho cuộc sống bị ngắt đoạn. Nhiều gia đình phải đối mặt gánh nặng chi trả cuộc sống với tiền thuê nhà, tiền trả nợ, tiền sinh hoạt phí… Khó khăn chồng khó khăn. Chính phủ, các địa phương, nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp cũng vào cuộc chia sẻ, đưa ra những biện pháp chưa từng có tiền lệ, cắt giảm chi tiêu, triệt để tiết kiệm, phát huy nội lực cao độ với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”.

Đặc biệt, Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách và hành động cụ thể để giúp đỡ doanh nghiệp, người lao động, người nghèo trong hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ đã quyết định chi những gói hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, cho người lao động, nêu cao tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Dịch bệnh tác động, gây ra nhiều thách thức về mọi mặt kinh tế - xã hội, hơn lúc nào hết đây cũng là thời điểm cần sự gần gũi, sẻ chia gánh nặng của đất nước; san sẻ khó khăn với người lao động nghèo. Việc xem xét chưa tăng mức lương cơ sở và lương hưu trong lúc này chính là hiện thực hóa quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai phải lâm vào cảnh khó khăn, cơ cực.

Theo kế hoạch, nguồn chi tăng lương dự định vào khoảng hơn 60.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trong năm 2019. Khi hoãn tăng lương cũng sẽ có những thiệt thòi nhất định cho người lao động, cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước; nhưng nếu mỗi cán bộ, công chức cùng chung tay một phần nhỏ, 60.000 tỷ đó sẽ chính là điểm tựa, là nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách, cùng cộng đồng vượt qua khó khăn. Chắc chắn, động thái ở tầm vĩ mô này của Chính phủ sẽ phần nào ổn định đời sống của người dân, giúp cho toàn xã hội yên tâm đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Tin rằng, những đối tượng thuộc diện chưa được tăng mức lương cơ sở và lương hưu lần này cũng sẵn sàng ủng hộ, đồng thuận “nhận thiệt về mình” để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Trước đó, TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện giảm hệ số tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức của thành phố từ 33 - 50% để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh và người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19. Đây là hành động “nêu gương” của cán bộ, công chức, viên chức thành phố, cùng chia ngọt sẻ bùi trên tinh thần tương thân tương ái rất đáng trân trọng. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Trong lúc khó khăn mỗi người giảm tiêu dùng, sống giản đơn hơn, cực hơn một chút thì những người khác không phải lâm vào cảnh khó khăn và cùng nhau chống dịch”. Và thực tế, chủ trương này không chỉ tạo được sự đồng thuận từ đội ngũ cán bộ viên chức mà còn trực tiếp lan tỏa hiệu ứng ra cộng đồng. Dù gặp không ít khó khăn nhưng hàng loạt tổ chức, cá nhân đã trích một phần thu nhập của mình để hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay, nhu yếu phẩm và lương thực thực phẩm cho đồng bào gặp khó khăn.

Một thực tế cần ghi nhận là bất cứ chính sách nào cũng có độ trễ, và không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho dù là cơ bản của nhóm người khó khăn, nhưng lần này là một ngoại lệ. Những người khó khăn vì dịch Covid-19 đã nhận được sự trợ giúp từ các nguồn lực xã hội khác nhau, dù số tiền không nhiều nhưng sự hỗ trợ kịp thời này sẽ tạo thêm niềm tin cho người lao động tiếp tục nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Trong lúc này rất cần sự nêu gương, cần nhiều hơn sự đồng lòng, sẻ chia, cùng nhau vượt khó từ đội ngũ cán bộ công chức nhà nước - những đối tượng chưa gặp khó khăn về việc làm trong đại dịch. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế - xã hội có những tín hiệu khởi sắc, đồng thời căn cứ khả năng cân đối ngân sách thì tính đến việc tăng lương cũng chưa muộn.

Chi An