Cần “cú hích” cho giải ngân đầu tư công

- Thứ Hai, 21/09/2020, 14:44 - Chia sẻ
Giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia đã góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp… Tuy nhiên, hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn. PGS. TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Học Viện Tài chính đã trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề này.

Tốc độ giải ngân vẫn còn chậm

- Ông đánh giá như thế nào về tốc độ giải ngân đầu đầu tư công hiện nay?

-Tôi cho rằng, giải ngân đầu tư công nhanh chóng và hiệu quả là động lực quan trọng, đóng vai trò “xương sống”, cốt lõi thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, giải ngân đầu tư công nhanh cũng tạo động lực cho khối các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, giải quyết việc làm cho người lao động trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp…

Tuy nhiên, thực tế những năm qua tốc độ giải ngân đầu tư công của các bộ, ban, ngành và các địa phương còn chậm chạp, nhiều "điểm nghẽn". Năm 2020, thực trạng trên vẫn chưa được cải thiện nhiều. Theo báo của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 8, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (cấp phát) năm 2020 nguồn nước ngoài của các địa phương là 8.411 tỷ đồng (bao gồm cả 2.878 tỷ đồng giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước), đạt tỷ lệ 21,86% so với dự toán được giao. Về nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài cho các địa phương vay lại là 5.767,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,3% so với dự toán được các địa phương nhập trong hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis)…

PGS. TS
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh 

Sau những chỉ đạo tích cực về việc thực hiện mạnh tay cơ chế điều hòa nguồn lực theo hướng địa phương nào chậm giải ngân sẽ bị điều chuyển vốn sang nơi khác, thậm chí không được bố trí vốn cao vào năm sau, tình hình giải ngân đầu tư công đã được cải thiện. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 8 còn 29 bộ, cơ quan Trung ương, 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35% và cũng có 15 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Rõ ràng, tốc độ giải ngân đầu tư công như vậy là rất chậm.

- Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm như vậy sẽ tác động thế nào đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, giải ngân đầu tư công nhanh chóng và hiệu quả là động lực quan trọng, cốt lõi thúc đẩy nền kinh tế phát triển và ngược lại. Nếu giải ngân đầu tư công chậm chạp đồng nghĩa với việc các sở hạ tầng về kinh tế, giao thông sẽ chậm phát triển, không đồng bộ, kìm hãm phát triển và trở thành điểm nghẽn của phát triển kinh tế… Chậm giải ngân đầu tư công sẽ tác động trực tiếp và khiến tốc độ phát triển kinh tế chậm ngay lại, do các hoạt động kinh tế, đầu tư hạ tầng, nhà máy… phần nào bị ngưng trệ.

Trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một trong những giải pháp quan trọng được coi như "chìa khóa" cho tăng trưởng hiện nay đó là phải quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo chậm hàng loạt vấn đề của nền kinh tế. Cụ thể, nếu tiếp tục giải ngân chậm, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát… Trong khi khối kinh tế tư nhân có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế. Mặt khác, giải ngân đầu tư công chậm cũng có tác mạnh mẽ đến nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Chính vì vậy, nếu muốn hoàn thành tốt những mục tiêu đã đề ra, cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực và có giải pháp cụ thể để nâng cao tốc độ, hiệu quả giải ngân đầu tư công. Từ đó tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2021…

Khơi thông điểm nghẽn cố hữu

- Ông nhận định gì về những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, khi Chính phủ đã nhiều lần thúc giục?

-Thực tế, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có các nguyên ngân khách quan, chủ quan đã tồn tại từ lâu như: Công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên…

Bên cạnh đó, việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vẫn muộn, chậm, chưa đồng bộ. Niên độ ngân sách nhà nước là một năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mới bắt tay vào triển khai các hoạt động chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên mất nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm đang cản trở sự phục hồi nền kinh tế. Những năm gần đây, số lượng dự án chậm giải ngân vốn càng nhiều, số vốn rất lớn, hầu hết lý do là do chủ quan. Các bộ, ngành, địa phương thường viện lý do quy trình để được nhận vốn phức tạp, thời gian phân vốn dài để viện dẫn cho việc giải ngân chậm, thậm chí không giải ngân.

Thời gian gần đây một số bộ, ngành, địa phương xin trả lại đầu tư công là yếu tố đột biến. Đây là động thái tốt nhưng cũng là thể hiện những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công.

- Vậy theo ông, đâu là giải pháp thúc đẩy tốc độ giải ngân đầu tư công?

-Giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ coi là một trong “5 mũi giáp công” để phục hồi kinh tế trong năm nay. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ liên quan đến đầu tư công hiện nay mà còn liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư về lâu dài. Nhiều kế hoạch không sát thực tế, vẫn phân bổ vốn theo yêu cầu của một số bộ, ngành, địa phương, không nhất quán theo kế hoạch từ cấp có thẩm quyền… Vì vậy, đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công là vấn đề cấp bách để phát triển kinh tế.

Thời gian tới để giải quyết vấn đề chậm giải ngân đầu tư công không những cần sự chỉ đạo tích cực hơn nữa từ Chính phủ mà còn cần sự nỗ lực tự thân của các bộ, ngành, địa phương. Mỗi đơn vị cần chủ động rà soát trình tự, thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ thanh toán để tìm cách rút ngắn thời gian; tạo điều kiện thuận lợi cho giải ngân. Sự minh bạch cũng cần được nhấn mạnh, duy trì thông qua công khai quy trình giải ngân đến từng đơn vị liên quan dự án. Đặc biệt, phải bảo đảm cho thực hiện thanh toán trong thời hạn 4 ngày kể từ khi có khối lượng được nghiệm thu.

Để khắc phục tình trạng giải ngân vốn chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã báo cáo Thủ tướng, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư công. Theo đó, Luật Đầu tư công sửa đổi cũng đã khắc phục được câu chuyện “trên nóng, dưới lạnh”, xác định trách nhiệm với người đứng đầu... Đối với các bộ, ngành, địa phương, kế hoạch vốn là đã biết trước trong thời hạn 5 năm, vấn đề là phải chuẩn bị dự án tốt, để khi đủ thủ tục là triển khai được ngay. Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong việc lựa chọn thứ tự ưu tiên, tính toán hiệu quả, cân đối từng dự án…

Thêm vào đó, cần nâng cao khả năng thẩm định dự án, phải chứng minh được sự cần thiết của dự án, cũng như khả năng giải ngân vốn, cũng như sử dụng vốn hiệu quả. Gắn thêm trách nhiệm của những người đề xuất được cấp vốn và nhận vốn. Theo quy định, đơn vị nhận vốn đầu tư công phải có báo cáo tháng, quý và năm nhưng giải ngân chậm, thậm chí không giải ngân, cho thấy những báo cáo, nếu có, là không đầy đủ.

Để đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đến cuối năm, cần có những chế tài đủ mạnh đối với các đơn vị giải ngân chậm. Bên cạnh đó, cũng cần yêu cầu các đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm chuyển trả vốn, nếu hiệu quả giải ngân quá thấp. Cần thiết có thể loại bỏ những bộ, ngành, địa phương không cần vốn ra ngoài danh sách cấp vốn đầu tư công, cả với những bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công quá thấp, thậm chí không giải ngân. 

- Xin cảm ơn ông!

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực hơn so với các tháng trước, đặc biệt là ở các địa phương. Cụ thể, trong 7 tháng đạt 193.040 tỷ đồng, bằng 40,98% và ước đến 318 là 221.774,1 tỷ đồng, bằng 47,08% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (471.032,733 tỷ đồng).

Đức Hiệp