Nhịp cầu

Cần cơ chế để người dân được tự chọn mua con giống

- Chủ Nhật, 28/06/2020, 17:17 - Chia sẻ
Qua 5 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ giống gia súc cho hộ nghèo chăm sóc, phát triển tổng đàn đại gia súc tại các xã theo các chương trình hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang đã hỗ trợ gần 60 tỷ đồng từ nhiều chương trình, dự án khác nhau mua 930 con trâu, bò; 848 con lợn; hỗ trợ mua dê giống 742 hộ, hỗ trợ làm chuồng trại gia súc cho hơn 300 hộ.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát Thường trực HĐND huyện về nội dung này: Một số địa phương thực hiện tốt công tác hỗ trợ, giải ngân; quản lý, chăm sóc và nhân đàn gia súc cấp cho các hộ dân. Nhiều hộ đã thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý đàn gia súc; một số hộ tự bỏ vốn thêm vào để mua con giống có chất lượng hơn; với sự hướng dẫn của chính quyền địa phương nhiều hộ đã biết làm chuồng trại kiên cố, trồng cỏ cho gia súc... Nhờ vậy, đa phần các hộ đã có thu nhập khá từ việc chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều xã còn buông lỏng công tác quản lý, theo dõi đàn gia súc hỗ trợ, dẫn đến tình trạng mua bán, trao đổi con giống sau khi cấp giữa các hộ dân mà chính quyền địa phương không biết. Mặt khác, do nhiều hộ dân chưa thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông, chưa đầu tư chuồng trại, chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong chăn nuôi như: Dự trữ thức ăn qua mùa đông, theo dõi xử lý bệnh cho trâu, bò... dẫn đến kết quả sinh trưởng và phát triển của đàn gia súc đạt thấp. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chăn nuôi còn khó khăn về thị trường đầu ra đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của hộ nghèo.

Khắc phục những khó khăn này, UBND huyện Hoàng Su Phì đã tăng cường lồng ghép các nguồn vốn khác hỗ trợ thực hiện các Dự án về phát triển chăn nuôi trên địa bàn; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát, khuyến khích các hộ gia đình chủ động đăng ký thoát nghèo; tăng cường hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa theo chuỗi giá trị bằng việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân…

Có thể thấy, việc hỗ trợ giống gia súc cho hộ nghèo chăm sóc, phát triển tổng đàn đại gia súc là một giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Điều này được thể hiện rất rõ qua số liệu điều tra hộ nghèo của huyện năm 2019 đã giảm trên 24% so với năm 2016, tương ứng gần 3.000 hộ. Vì vậy, để chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa, UBND huyện, các phòng ban chuyên môn cần tăng cường chỉ đạo các địa phương phát triển chăn nuôi đại gia súc, nhất là thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; UBND các xã thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng, chống dịch bệnh, phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, nhất là trong mùa đông. Tăng cường ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân…

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần quan tâm giải quyết thỏa đáng vấn đề nhiều hộ dân địa phương quan tâm là cần có cơ chế để người dân tự chọn mua con giống, vì giá thành mua con giống nhà cung ứng đưa ra chênh lệch khá cao so với giá thực tế.

PHƯƠNG LAN