Cần chế tài buộc doanh nghiệp công khai, minh bạch giá gas

- Thứ Ba, 03/12/2013, 08:38 - Chia sẻ
Ngay ngày đầu tiên của tháng 12, giá gas tăng khoảng 80.000 đồng/bình lên mức 485.000 - 491.000 đồng/bình gas 12kg. Lý do các công ty kinh doanh gas đưa ra là giá gas thế giới tăng. Nhưng trên thực tế, hiện nay gas sản xuất trong nước vẫn đang chiếm thị phần áp đảo, và ngay cả có phụ thuộc giá thế giới thì gas nhập khẩu cũng chưa thể về Việt Nam ngay lập tức. Vậy có hay không tình trạng đầu cơ găm hàng chờ giá tăng? Câu chuyện buông lỏng quản lý giá gas phải chăng đã đến lúc báo động? Chúng tôi đã trao đổi với TS NGÔ TRÍ LONG, chuyên gia thị trường giá cả về vấn đề này.

- Thưa Ông, từ ngày 1.12, giá gas tăng bình quân 70.000 - 80.000 đồng/bình và giá một bình gas 12kg phổ biến từ 485.000 - 491.000 đồng, tức là gần nửa triệu đồng 1 bình gas. Ông bình luận thế nào về việc tăng giá này?

- Hiện nay sản xuất gas trong nước chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại phải nhập gần 60% cho nên giá gas trong nước sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào giá gas trên thế giới. Từ đầu tháng 12.2013 giá gas thế giới tăng mỗi 1 tấn lên 199 USD, giá tháng 12 là 1.094 USD/tấn. Giá gas thế giới tăng buộc giá gas trong nước tăng. Trước tình hình đó, tất cả các hãng gas đều đồng loạt tăng giá. Một bình 12kg đã tăng giá khoảng 70.000 - 80.000 đồng.


Nguồn: vtv.vn
- Quanh việc tăng giá gas lần này cũng có ý kiến cho rằng có dấu hiệu của hiện tượng “găm hàng” bởi vì lượng gas được bán đầu tháng 12 này không phải là gas vừa được nhập theo giá mới. Theo Ông, có hiện tượng đó hay không?

- Nói là do găm hàng để tăng lên khi thế giới tăng thì hoàn toàn không đúng. Khi các doanh nghiệp mua gas vào giữa tháng 11 thì các hãng gas thế giới đã thông báo giá gas đầu tháng 12 sẽ tăng, trước tình hình đó, doanh nghiệp phải đẩy mạnh mua vào để bán cho tháng 12. Chính vì thế việc găm hàng này không làm tăng giá mà vì giá hoàn toàn phụ thuộc với giá của thế giới.

Tuy nhiên, nói về giá gas trên thị trường trong nước có mấy vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, mức chiết khấu cũng như hoa hồng đại lý cho các đại lý rất cao và mức lãi cho một bình gas 12kg hiện nay ở mức rất cao, xấp xỉ 100.000 đồng. Đây là điều hoàn toàn bất hợp lý. Hợp lý nhất là để nhường lại gần 100.000 chênh lệch đó cho người tiêu dùng chứ không phải cho các đại lý. Thứ hai, giá gas trong nước thường có xu hướng cao hơn giá gas trên thế giới 1 khoảng. Có tình trạng này là do khâu quản lý của nhà nước không chặt chẽ. Các chế tài buộc các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch về giá cũng như quá trình mà các hãng gas tăng giá thì cơ quan nhà nước chưa kiểm soát được.

- Như vậy, khâu quản lý giá gas còn đang bị buông lỏng có đúng không, thưa ông?

- Hiện nay, để bình ổn giá gas hay nói cách khác là quản lý giá gas một cách hợp lý thì các cơ quan chức năng cần phải xây dựng cơ cấu giá thành hợp lý. Trên cơ sở cơ cấu giá thành hợp lý, các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá sẽ xác định được giá bán hợp lý. Trong tình hình này, Bộ Tài chính cũng nên xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống 0% theo đề nghị của Hiệp hội Gas. Vấn đề nữa là cần tổ chức lại vấn đề lưu thông gas, bớt những trùng lặp bất hợp lý trong khâu trung gian; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chiết khấu cho các đại lý. Bên cạnh các giải pháp, cần xem lại các văn bản liên quan, văn bản nào không còn hợp lý thì sửa đổi để quản lý giá gas hiệu quả.

- Như Ông vừa nói giá gas trong nước cao hơn giá gas trên thế giới tuy nhiên trên thực tế giá gas không tương ứng với chất lượng và đã có rất nhiều các sự cố liên quan đến chất lượng của bình gas cũng như là chất lượng gas. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

- Việc sử dụng gas chỉ phát triển trong khoảng 10 năm nay, vấn đề quản lý chất lượng gắn với giá đến nay vẫn bị buông lỏng. Thế nên giải pháp cần lưu ý với cơ quan chức  năng là bên cạnh kiểm soát giá thì phải kiểm tra luôn chất lượng. Đối với các cơ sở kinh doanh gas, cần công khai các nguyên tắc, giá đầu vào cũng như toàn bộ cơ cấu giá để cho người tiêu dùng biết đồng thời cũng nên kiểm tra chất lượng cũng như số lượng các loại gas được cung cấp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần phải dán ngay giá cũng như tiêu chuẩn cụ thể để người tiêu dùng biết và kiểm soát được chất lượng và giá cả làm sao cho tương xứng và phù hợp.

- Xin cám ơn Ông!

Thu Thùy thực hiện